Thị trường

Chuyển đổi xanh và cơ hội cho ngành da giày Việt Nam khi Trung Quốc đang mất lợi thế

09/07/2024, 18:17

Chuyển đổi xanh là áp lực lớn cho ngành da giày Việt Nam cũng như trên thế giới. Tuy nhiên, đó là xu thế phát triển bền vững và với Việt Nam, đây còn là cơ hội khi Trung Quốc không còn là "công xưởng của thế giới".

Hội nghị quốc tế ngành Da giày 2024 diễn ra trong suốt ngày 9/7 tại TP.HCM, do Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam đăng cai tổ chức. Các doanh nghiệp sản xuất cùng lĩnh vực từ Ấn Độ, Đài Loan, Thái Lan, Campuchia... đã cùng dự.

Chuyển đổi xanh và cơ hội cho ngành da giày Việt Nam  khi Trung Quốc đang mất lợi thế- Ảnh 1.

Hội nghị quốc tế ngành Da giày 2024 diễn ra tại TP.HCM ngày 9/7. Ảnh: Phó Bá Cường

"Xanh hoá" là một trong những nội dung chủ chốt tại hội nghị. Bà Phan Thị Thắng, Thứ trưởng Bộ Công thương nhấn mạnh tại hội nghị: Xu hướng xanh hoá trên thế giới đang ngày càng đòi hỏi khắt khe đối với doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp xuất khẩu. 

"Phải chuyển đổi xanh, hướng đến kinh tế tuần hoàn nếu không muốn bị bỏ lại phía sau", bà Thắng nhận định.

Chuyển đổi xanh và cơ hội cho ngành da giày Việt Nam  khi Trung Quốc đang mất lợi thế- Ảnh 2.

"Doanh nghiệp da giày không thể đứng ngoài cuộc cách mạng 4.0", Ông Nguyễn Đức Thuấn, Chủ tịch Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam phát biểu. Ảnh: Phó Bá Cường.

Ông Nguyễn Đức Thuấn, Chủ tịch Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn TBS, trong phát biểu đề dẫn hội nghị, cũng nêu: "Doanh nghiệp da giày không thể đứng ngoài cuộc cách mạng 4.0, áp dụng dây chuyền sản xuất tự động, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), phát triển xanh nếu không muốn bị loại khỏi chuỗi cung ứng toàn cầu".

Tham luận tại hội nghị, diễn giả từ nhiều nước trên thế giới đều bày tỏ: Chuyển đổi xanh đang tạo áp lực cho ngành da giày rất lớn. Tuy nhiên, là lĩnh vực sử dụng nhiều lao động, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động ở các quốc gia đang phát triển, doanh nghiệp ngành da giày đều nhận thấy trách nhiệm xã hội trước "xu thế xanh". 

Chuyển đổi xanh và cơ hội cho ngành da giày Việt Nam  khi Trung Quốc đang mất lợi thế- Ảnh 3.

Các vị khách quốc tế trình bày tham luận tại hội nghị. Ảnh: Phó Bá Cường

Các ý kiến bày tỏ rằng chuyển đổi xanh sẽ khá tốn kém nhưng đó là đầu tư bền vững, không thể không làm, thậm chí, cần phải tham gia trong top đi đầu.

Ở một góc độ khác, nhiều ý kiến cho rằng, hiện nay khi "công xưởng thế giới" Trung Quốc không còn mạnh như trước, thì đây là cơ hội cho nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Lý do các quốc di dịch chuyển khỏi "công xưởng thế giới" là những rủi ro trong chính trị, chính sách và kinh tế khi địa chính trị toàn cầu có những thay đổi khó lường.

Ông Trần Anh Tuấn, đại diện công ty giày Viễn Thịnh (Việt Nam), cho biết: Những năm qua, một số đối tác của công ty có tổ chức sản xuất ở Trung Quốc đã dịch chuyển sang Việt Nam và cho rằng "đó là cơ hội tốt" cho ngành da giày trong nước.

Dù vậy, ông Tuấn cũng đặt ra những thách thức: công nghệ, năng suất lao động và hàng loạt những tiêu chuẩn khắt khe trong lĩnh vực như tiêu chuẩn môi trường, chất lượng sản phẩm... là những đòi hỏi mà các doanh nghiệp Việt Nam phải đáp ứng được cho sân chơi toàn cầu.

Dù vậy, ông Tuấn cũng tin tưởng: chính sách thu hút đầu tư và những cải cách hành chính của Việt Nam trong lĩnh vực đầu tư đang ngày càng thu hút nhiều nhà đầu tư trên thế giới, "đó cũng chính là lợi thế".

Theo Hiệp hội Da - Giày Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu da giày của Việt Nam đạt trên 6,5 tỷ USD, tăng 5,7% so với cùng kỳ năm 2023. Trong năm 2024, Hiệp hội dự báo kim ngạch xuất khẩu sẽ đạt khoảng 26-27 tỷ USD. 

Việt Nam đang là nước thứ 3 trên thế giới, sau Trung Quốc, Ấn Độ về sản xuất da giày và đứng thứ 2 về kim ngạch xuất khẩu.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.