Trao đổi với Báo Giao thông, ông Phạm Tuấn Anh, Phó Cục Trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công thương), cho biết Quy hoạch Chiến lược phát triển ngành Công nghiệp Dệt may và Da giày từ năm 2021 đến năm 2030, định hướng đến năm 2035, đang được đơn vị này hoàn thiện.
Ngành dệt may, da giày phụ thuộc nhiều vào nguyên, phụ liệu nhập khẩu
Theo ông Tuấn Anh, dệt may và da giày là 2 trong số những ngành có kim ngạch xuất khẩu lớn, tạo công ăn việc làm cho hơn 3,4 triệu lao động.
Năm 2019, tổng kim ngạch xuất khẩu của 2 ngành này đạt trên 60 tỷ USD. Năm 2020, do ảnh hưởng của của dịch Covid 19, tổng kim ngạch xuất khẩu của 2 ngành vẫn đạt trên 55 tỷ USD.
“Tuy nhiên, Việt Nam vẫn chưa tự chủ được nguồn cung nên nguyên phụ liệu dệt may, da giày, phải nhập khẩu nhiều, đặc biệt là vải. Thách thức sẽ được giải quyết trong Quy hoạch ngành dệt may, sẽ được hoàn thiện để trình Thủ tướng Chính phủ trong năm nay", ông Tuấn Anh cho biết.
Cụ thể, định hướng của Quy hoạch gồm: Thúc đẩy đầu tư sản xuất nguyên, phụ liệu ngành dệt may, da giày, đáp ứng yêu cầu về quy tắc xuất xứ của các FTA thế hệ mới, cũng như đẩy mạnh quá trình nội địa hóa;
Đẩy mạnh chuyển từ gia công sản xuất sang các hình thức đòi hỏi năng lực cao hơn về quản lý chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị, thiết kế và xây dựng thương hiệu…
Cụ thể, định hướng xây dựng một số khu công nghiệp chuyên ngành dệt may lớn (bao gồm chuỗi sợi - dệt - nhuộm, hoàn tất vải).
Các khu công nghiệp chuyên ngành dệt may, da giày này được định hướng tại một số địa phương phù hợp ở 3 khu vực phía Bắc, Trung, Nam trên cơ sở phân tích tiềm năng, thế mạnh và sự thống nhất của địa phương.
Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công thương) cũng cho biết, chất lượng nguồn nhân lực cũng là yếu tố quan trọng, góp phần vào quá trình phát triển ngành dệt may da giày, nên yếu tố này cũng được đề ra lộ trình cụ thể trong Quy hoạch này.
“Quy hoạch nếu sớm được Chính phủ chập thuận sẽ mở ra một cơ hội phát triển mới. Cả hai ngành hi vọng sẽ tháo gỡ được điểm nghẽn thiếu hụt nguồn cung nguyên phụ liệu trong nhiều năm qua”, ông Tuấn Anh nói.
Theo ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch của Hiệp hội dệt may Việt Nam, thực tế, tổng kim ngạch nhập khẩu nguyên, phụ liệu 9 tháng đầu năm 2021 đạt 18 tỷ USD, tăng 27,9% so với cùng kỳ năm 2020. Ngành dệt may Việt Nam phụ thuộc nhiều vào nguyên, phụ liệu nhập khẩu.
Do đó, việc đầu tư vào phần cung thiếu hụt là vô cùng cấp thiết để ngành may mặc Việt chủ động hơn trước những biến động của thị trường, nhất là giữa thời điểm đại dịch gây đứt gãy chuỗi cung như hiện nay.
Báo cáo từ Tổng cục Hải quan cho thấy, 8 tháng đầu năm 2021, tổng kim ngạch nhập khẩu nguyên phụ liệu ngành dệt may, da giày (bông các loại; Vải các loại; Xơ sợi dệt các loại và nguyên phụ liệu dệt may, da giày) đạt 17,7 tỷ USD, tăng 29,4%, tương ứng tăng hơn 4 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2020.
Trong đó, hàng nguyên phụ liệu phục vụ ngành dệt may, da giày nhập khẩu về Việt Nam chủ yếu có xuất xứ từ Trung Quốc, chiếm tỷ trọng lên đến 52%, với kim ngạch đạt 9,2 tỉ USD, tăng 35% so với cùng kỳ năm ngoái.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận