Xã hội

Chuyện đồng bào Vân Kiều hiến đất mở đường

19/02/2025, 07:30

Ở rẻo cao Quảng Trị, người Bru Vân Kiều luôn tự hào vì được mang họ Bác Hồ. Từ niềm tự hào ấy, nhiều người đã hiến hàng nghìn m2 đất để làm đường giao thông, giúp bản làng thay da đổi thịt.

Sẵn sàng hiến đất vì bà con

Già Hồ Thủy sống ở thôn Xà Lời (già Hồ Thủy, tức Hồ Loi, 80 tuổi - người được mệnh danh là "thủ lĩnh tinh thần" của đồng bào Vân Kiều tại xã vùng cao Vĩnh Ô, huyện Vĩnh Linh) kể: Dạo trước, thôn Xà Lời và các vùng phụ cận cách trở với bên ngoài bởi không có đường giao thông.

Chuyện đồng bào Vân Kiều hiến đất mở đường- Ảnh 1.

Gia đình già Hồ Thủy đã hiến hàng nghìn m2 đất để xây dựng đường giao thông.

Con đường vào bản chỉ là lối mòn tự phát, lụt trong cỏ tranh cao quá đầu người. Muốn ra trung tâm xã hay huyện bán nông sản, mua những vật dụng thiết yếu cho gia đình, bà con phải cuốc bộ băng qua núi đồi, lội suối vượt khe, đánh vật với những con dốc triền miên mới tới được nơi.

Khổ nhất là vào mùa mưa, đường mòn rất trơn nên chuyện trượt chân té ngã, cơ thể va vào đá núi hay cây rừng xảy ra như cơm bữa. Bởi thế, người dân chỉ quẩn quanh nơi xóm làng, cần mẫn trên nương rẫy, ruộng đồng chứ ngại ra bên ngoài vì đi lại quá gian nan, nguy hiểm.

Thấu hiểu nỗi vất vả của đồng bào, năm 2007, già Hồ Thủy cắt ngay phần đất phía trước khuôn nhà, dài khoảng 400m, rộng tầm 4m với tổng diện tích 1.600m2 để chính quyền địa phương làm đường bê tông liên thôn, nối thôn Lền với thôn Xà Ninh.

Đến năm 2011, chương trình xây dựng Nông thôn mới phủ sóng rộng khắp các thôn bản trong tỉnh. Lần nữa, già Hồ Thủy tiên phong hiến thêm khoảng 750m2 phần đất phía sau nhà.

Già cũng chặt bỏ các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao như mít, xoài, bưởi… đang trong kỳ thu hoạch để có mặt bằng làm đường.

"Có đường thì tụi nhỏ mới thuận tiện đến trường kiếm con chữ, bà con đi lại và vận chuyển nông sản, hàng hóa mới dễ dàng", già Hồ Thủy chia sẻ.

Chuyện đường sá nội thôn, liên thôn ở Xà Lời cơ bản được giải quyết ổn thỏa thì bài toán đường vào khu vực sản xuất lại khiến người dân nơi đây không khỏi đau đầu, bế tắc.

Năm 2022, già Hồ Thủy bàn bạc với gia đình tiếp tục hiến 600m2 đất rừng sản xuất cho xã làm đường nội đồng. Ông nói: "Được góp chút công sức vì lợi ích chung của đồng bào mình, tôi vui lắm, tuyệt nhiên không có gì phải hối tiếc".

Theo ông Trần Văn Tặng, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Ô, già Hồ Thủy luôn được bà con đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao Vĩnh Ô tin yêu, nể trọng và noi theo.

Mở đường dời bản lên vùng đất mới

Cũng tại xã Vĩnh Ô có gia đình ông Hồ Văn Na ở thôn Lền, đã từng 4 lần hiến đất làm đường và mở rộng sản xuất cho bà con dân bản. Ông Na năm nay gần 60 tuổi, được dân bản bầu làm Trưởng ban công tác Mặt trận thôn Lền.

Chuyện đồng bào Vân Kiều hiến đất mở đường- Ảnh 2.

Ông Hồ Văn Na và vợ là bà Hồ Thị Nâu đã 4 lần tự nguyện hiến hàng nghìn m2 đất để làm đường.

Năm 1994 gia đình ông đã hiến hơn 6.000m2 cho hợp tác xã để mở rộng đất sản xuất cho bà con. Ông bàn bạc với vợ, hiến trọn phần đất đang trồng ngô, khoai, lúa… của gia đình, chuyển luôn cả nhà ở để bà con có đất canh tác tại vùng đất mới.

Khi đó, người Vân Kiều sống quây quần thành từng cụm, bó hẹp trong một khoảng diện tích chật chội, đất chật mà người lại đông. Thế là ông tiên phong chuyển nhà lên vùng đất mới. Được một thời gian, các hộ gia đình khác cũng theo bước ông Na chuyển lên khu vực U Cam sinh sống, đếm sơ sơ ngót cũng 28 hộ.

Người dân ở đông dần, nhưng đường vào nhà dân không có, chỉ là lối mòn rộng vài gang tay nên việc đi lại, vận chuyển nông sản khó khăn. Vì vậy, năm 2008, ông Na tiên phong hiến hơn 1.000m2 đất phía sau nhà để làm đường bê tông.

Đến năm 2023, vợ chồng ông tiếp tục cắt hơn 1.000m2 từ diện tích rừng trồng của gia đình để làm đường bê tông nội đồng. Cả nghìn cây tràm trồng được 3 năm tuổi cũng bị chặt bỏ làm củi đun để lấy mặt bằng làm đường.

Chưa dừng lại ở đó, vào tháng 3/2023, gia đình ông Na tiếp tục khiến mọi người trầm trồ khi hiến hơn 1.500m2 đất rẫy đang trồng sắn và hơn 240 gốc chè cho Nhà nước làm đường Hồ Chí Minh nhánh Tây, đoạn đi qua thôn Lền.

Bước qua lời nguyền "rừng ma"

Đối với đồng bào Bru Vân Kiều, "rừng ma" là nơi chôn cất người chết và là lãnh địa "bất khả xâm phạm" của thế giới tâm linh. Thế nên, hầu như không ai dám bước vào đó trừ khi trong gia đình có người nằm xuống.

Cũng vì thế mà việc vận động đồng bào bước qua "nỗi sợ rừng ma" luôn là bài toán hóc búa, kéo dài năm này qua năm khác đối với lớp lớp cán bộ ở vùng đất rẻo cao này.

Chuyện đồng bào Vân Kiều hiến đất mở đường- Ảnh 3.

Ông Hồ Văn Đình hiến hàng nghìn m2, chặt bỏ hàng nghìn cây tràm để mở đường giao thông.

Tháng 3/2023, khi Nhà nước chủ trương xây dựng đường quốc phòng Hồ Chí Minh nhánh Tây có đi xuyên qua "rừng ma" ở xã Vĩnh Ô khiến người dân nơi đây vô cùng hoảng hốt.

Lúc này, trưởng ban mặt trận Hồ Văn Na đứng ra mở nhiều cuộc họp trong thôn và dòng họ. Ông đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà, tuyên truyền vận động gần 100 hộ dân của hai dòng họ chấp thuận chủ trương của Nhà nước.

Mưa dầm thấm lâu, bà con hiểu và tin tưởng, chấp thuận phương án xây dựng đường quốc phòng đi sát khu vực rừng ma với khoảng cách tầm 5-6m, chuyện xưa nay chưa từng có.

Từ những "cây cao bóng cả" tiên phong như già Hồ Thủy (thôn Xà Lời), Hồ Văn Na (thôn Lền)… phong trào hiến đất mở đường, xây dựng nông thôn mới đã lan tỏa sang các lớp thế hệ trẻ.

Tại thôn Thúc ở xã miền núi Vĩnh Ô có ông Hồ Văn Đình (sinh năm 1975) được dân bản tin tưởng, bầu là người uy tín và cũng là người có nhiều đóng góp cho cộng đồng.

Vào năm 2022, UBND xã Vĩnh Ô có chủ trương bê tông hóa đường thôn Thúc, ông Đình bàn bạc thống nhất với gia đình, tiên phong hiến phần đất sản xuất dài 200m, rộng 7m với tổng diện tích khoảng 1.400m2 để làm đường bê tông nội thôn.

Đến giữa năm 2023, gia đình ông tiếp tục hiến thêm gần 2.800m2 đất sản xuất trồng tràm và dứa để làm đường. Mỗi lần hiến đất, ông phải chặt bỏ hàng nghìn cây tràm có tuổi đời 1,5-2 năm.

"Ở miền núi, muốn người dân nghe theo thì trước tiên mình phải làm trước", ông Đình chia sẻ.

Theo ông Trần Văn Tặng, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Ô, đến nay, tỉ lệ cứng hóa giao thông trên địa bàn xã Vĩnh Ô cơ bản đạt 100% các đường thôn, ngõ xóm.

Theo bà Hồ Thị Minh, Phó trưởng ban Dân tộc tỉnh Quảng Trị, hiện toàn tỉnh có 191 người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số.

Họ đảm nhận vai trò hạt nhân trong việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc và là tấm gương sáng trong lao động sản xuất, bảo vệ an ninh, trật tự, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Đặc biệt, người uy tín là tấm gương tiêu biểu, luôn gương mẫu đi đầu, thực hiện đúng các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước. Nhất là nỗ lực trong việc lan tỏa phong trào hiến đất mở đường.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.