Đường sắt

Chuyện ga xép đường sắt Việt Nam

20/12/2015, 06:25

Trên mạng lưới đường sắt Việt Nam tỏa đi 5 hướng không ít ga xép như thế, có điều mỗi nơi mỗi vẻ.

74_big
Ga Yên Viên.

Chuyến tàu hỗn hợp vừa chở khách vừa chở hàng rời ga Yên Viên khi trời còn tối mịt, không rõ mặt người đưa chúng tôi về đất mỏ Quảng Ninh. Gió đông hun hút lùa qua khe cửa sổ vào toa tàu trống chỉ vài hành khách, lạnh càng thêm lạnh. Tàu đi trong ánh dương đang dần lan tỏa nhưng cũng chưa thể xua được cái ảm đạm, rét mướt của đêm đông.

Tàu qua Bắc Ninh, Bắc Giang rồi hướng về Hải Dương. Cứ khoảng 8 - 10 cây số, tàu lại dừng tại ga đón khách và hàng hóa. Ga nào cũng giống nhau bởi cái vẻ cũ kỹ, bởi màu vàng vôi ve quen thuộc của những năm bao cấp. Chỉ xôn xao một lúc khi tàu dừng, tàu đi, ga lại chìm vào tĩnh mịch.

Bỗng tàu dừng giữa đồng không mông quạnh, hai bên chỉ thấy cánh đồng. Tưởng có sự cố gì, chúng tôi chạy ra đầu toa ngó nghiêng. Hóa ra là có ga. Trên doi đất nhỏ giữa cánh đồng, bám theo đường sắt là nhà ga nhỏ thấp thoáng dưới tán cây: Ga Bảo Sơn (huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang). Thường nhà ga nằm ngay phố thị, có xa xôi cũng dăm nóc nhà xung quanh. Riêng nhà ga này “một mình một nẻo”, phía sau nhà ga chỉ có con đường đất nhỏ ngoằn ngoèo dẫn vào xóm làng xa xa. Nhỏ bé, lẻ loi, xưa cũ, sân ga vắng tanh không bóng người lên, xuống tàu, tất cả gợi lên hình ảnh điển hình về ga xép ngày xưa.

Trên mạng lưới đường sắt Việt Nam tỏa đi 5 hướng không ít ga xép như thế, có điều mỗi nơi mỗi vẻ. Cũ kỹ, tường rêu ẩm mốc thường là các ga xép trên tuyến phía Tây, phía Bắc. Trên tuyến Bắc - Nam, lại tùy từng ga mà có nơi đã tu sửa khang trang, có nơi vẫn giữ nguyên vẻ xưa cũ. Ga Hòa Duyệt vùng núi Hà Tĩnh đã được xây mới, nhỏ thôi nhưng khá phong quang, hàng ngày chỉ đón vài chuyến tàu địa phương. Hay như ga Sông Dinh, Suối Kiết giữa khu Rừng Lá “rừng thiêng nước độc” kiến trúc khá hiện đại nhưng được xây đã lâu, lại chịu thời tiết khắc nghiệt nên cũng cũ kỹ đi nhiều, hàng ngày chỉ tác nghiệp đón tàu thông qua…

Mỗi ga xép chỉ chưa đến chục CBCNV thay nhau ban kíp trực đón tàu. Trưởng ga kiêm luôn trực ban chạy tàu. Công việc hàng ngày như vòng tròn lặp đi lặp lại, đơn điệu, buồn tẻ: Đón tàu thông qua, nếu có khách thì tàu cũng chỉ dừng hai, ba phút, báo điều độ giờ tàu thông qua ga, ghi nhận thông tin qua sổ sách với tuần đường…

Nhưng nếu không còn những ga xép, không còn những CBCNV ấy thì sao nhỉ? “Thấy bóng dáng người trực ban chạy tàu giương cờ báo hiệu an toàn cho tàu qua, chúng tôi yên tâm hơn nhiều…”, một công nhân lái đầu máy chia sẻ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.