Chuyện dọc đường

Chuyện ghi ở Trà Leng

02/11/2020, 06:09

Hàng chục chiến sĩ thuộc lực lượng công binh dầm mình trong cơn mưa rừng, cật lực tìm kiếm những nạn nhân còn mất tích...

img
Các lực lượng cứu hộ đang tranh thủ từng phút tìm kiếm các nạn nhân mất tích

Những cơn mưa vẫn chưa ngưng trút xuống Trà Leng (huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam), hàng chục chiến sĩ thuộc lực lượng công binh dầm mình trong cơn mưa rừng.

Họ bới từng lớp bùn, rê từng khối gỗ, cắt từng khối bê tông cật lực tìm kiếm những nạn nhân còn mất tích trong vụ sạt lở kinh hoàng khiến hàng chục người bị vùi lấp.

Trập trùng giữa hiện trường sạt lở, màu áo xanh ẩn hiện, nhấp nhô. Họ, những cán bộ, chiến sĩ ở nhiều độ tuổi nhưng cùng chung một nhiệm vụ, làm sao để tìm được đồng bào gặp nạn một cách sớm nhất. Nếu họ đã ra đi, thì phải sớm tìm thấy thi thể, không để đồng bào nằm lạnh lẽo dưới bùn lầy.

Mỗi khi có dấu vết mới, các chiến sĩ lại tập trung thành vòng, họ tăng tốc cào bùn, dọn đá. Tất cả đều bằng đôi tay trần, mọi hành động vừa nhanh lẹ, khẩn trương nhưng phải hết sức nhẹ nhàng, bởi ở dưới lớp đất ấy là người dân, là đồng bào không may nằm lại.

Nửa đêm 28/10, cơn bão số 9 vừa qua đi, chúng tôi, những phóng viên thường trú tại khu vực miền Trung lại lập tức khăn gói lên đường khi nhận được thông tin về một vụ sạt lở kinh hoàng tại thôn 1, xã Trà Leng.

Những tưởng chúng tôi sẽ là những người đến hiện trường sớm nhất. Nhưng không, tuyến đường QL40B vẫn còn ngổn ngang cây đổ, đất đá sạt lở sau trận cuồng phong lịch sử. 2h sáng, Đoàn Công binh thuộc Quân khu 5 cật lực mở đường đưa xe cơ giới vào hiện trường.

Là một trong những chiến sĩ trẻ nhất làm nhiệm vụ cứu hộ cứu nạn ở Trà Leng, Đào Anh Vũ (19 tuổi, Bộ Chỉ huy Quân sự Quảng Nam) vẫn nhớ như in chuyến hành quân băng qua “lưỡi hái tử thần” để đến với đồng bào gặp nạn.

Suốt 10 tiếng đồng hồ, đoàn quân phải băng qua nhiều điểm sạt lở để vào đến hiện trường. Bên đường, cây cối nằm rạp, những tảng đá khổng lồ nhăm nhe như muốn đổ ụp xuống, dây leo chằng chịt giăng lối. Tuy nhiên, tất cả không ngăn được bước chân của các anh.

Mạnh mẽ, kiên cường là thế, thiên tai khốc liệt cũng không làm các anh nao lòng. Nhưng đôi chân các anh lại ngã quỵ khi những thi thể đồng bào lần lượt được tìm thấy dưới đống hoang tàn đổ nát.

Những người lính như nghẹn đi, bởi một thi thể được tìm thấy là những tia hy vọng mong manh “biết đâu bà con chạy thoát được” lại ít dần. Đưa đồng bào mình về với gia đình, họ run tay không phải vì mệt mà sợ đồng bào lại phải đau thêm lần nữa.

Thiên tai dồn dập, những khó khăn vẫn chưa buông tha khúc ruột miền Trung. Một “siêu bão” lại chực chờ đổ bộ miền Trung, không ai lường hết được điều gì sẽ xảy ra. Những đau thương, mất mát đã quá nhiều.

Trong thời gian vừa qua, trước sự tàn phá khốc liệt của thiên tai, lũ lụt trên địa bàn các tỉnh miền Trung, cán bộ, chiến sĩ Quân đội ta đã không ngại gian khổ, kịp thời có mặt ở những nơi khó khăn nhất, hiểm nguy nhất để tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn.

Nhiều cán bộ, chiến sĩ đã anh dũng hy sinh trong khi thực hiện nhiệm vụ, như ở Hướng Phùng, Hướng Hóa (Quảng Trị), Trạm Kiểm lâm 67 (Phong Điền, Thừa Thiên - Huế)...

Chúng ta tiếc thương trước sự hy sinh anh dũng của các cán bộ, chiến sĩ trong những ngày vừa qua, song cũng rất tự hào về Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng, một đội quân từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, gắn bó máu thịt với nhân dân, luôn có mặt khi người dân cần nhất.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.