Thời sự Quốc tế

Chuyện gì sẽ xảy ra khi Huawei, Trung Quốc bị dồn vào đường cùng?

27/05/2019, 07:09

Theo nhiều chuyên gia, hoàn cảnh cùng cực có thể khiến Huawei bứt phá mạnh mẽ...

img
Huawei tuyên bố có thể sống sót không cần Google, Microsoft

Quyết định đưa Huawei - công ty công nghệ Trung Quốc, lớn thứ 7 thế giới - vào danh sách đen thương mại của Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể ví như miếng đòn đẩy công ty này vào chân tường không lối thoát. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, hoàn cảnh cùng cực có thể khiến Huawei bứt phá mạnh mẽ.

Động lực để có thể bứt phá

Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa Huawei vào danh sách đen vì nghi ngờ công ty công nghệ này tham gia vào các hoạt động trái với lợi ích an ninh của Hoa Kỳ. Động thái được thực hiện ngay sau khi ông Donald Trump ký sắc lệnh tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia đối với an ninh nếu quốc gia này mua thiết bị viễn thông của đối thủ nước ngoài.

Quyết định của ông Trump kéo theo hàng loạt công ty lớn của Mỹ đang là đối tác “ruột” của Huawei như Google, Microsoft… tiến hành đóng băng quan hệ. Việc làm này khiến Huawei gặp khó trong việc mua những bộ phận, linh kiện từ các công ty Hoa Kỳ cũng như việc bán sản phẩm tại thị trường này.

Dù chính quyền Trump vẫn cho phép một số công ty được miễn trừ tạm thời để hợp tác với Huawei nhưng công ty của Trung Quốc sẽ thiếu những nguồn cung quan trọng như phần cứng (thiết kế chip của ARM) và phần mềm (từ Google) mà hãng này vốn phụ thuộc để sản xuất điện thoại cùng thiết bị đi kèm.

Theo ông Fareed Zakaria, nhà bình luận về mảng quan hệ đối ngoại của tờ Washington Post, có thể hiểu rằng, động thái trên là nỗ lực nhằm khai tử Huawei - nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn thứ 2 thế giới từ chính quyền của Tổng thống Trump.

Tuy nhiên, “ông lớn” ngành công nghệ Trung Quốc tuyên bố hoàn toàn có thể sống sót mà không cần các đối tác từ Mỹ. Thậm chí, theo nhà bình luận Zakaria, đây có thể là động lực để công ty Trung Quốc bứt phá.

Giám đốc điều hành Huawei Zen Zhengfei trao đổi với báo giới Trung Quốc rằng: Tập đoàn Huawei sẽ không thất bại bất kể bị thiếu hụt nguồn cung quan trọng. Huawei đã chuẩn bị rất kỹ càng.

“Ngay từ đầu năm nay, tôi đã linh cảm có chuyện gì đó xảy ra… nhưng Huawei sẽ có khoảng 2 năm để chuẩn bị. Song, khi Giám đốc tài chính Mạnh Vãn Châu bị bắt, tất cả đã bị đảo lộn”, ông Zen khẳng định.

Theo báo điện tử Cnet, nhà sản xuất điện thoại lớn thứ 2 thế giới không bất ngờ với căng thẳng từ phía chính phủ Mỹ. Huawei đã chứng tỏ không cần các công ty Mỹ để phát triển doanh nghiệp. Công ty công nghệ Trung Quốc đã và đang tự phát triển hệ thống điều hành để có thể thay thế phần mềm Android (và kho ứng dụng riêng của Huawei) phòng trường hợp các công ty Mỹ quay lưng. Họ khẳng định công nghệ này sẽ được triển khai từ nay đến cuối năm.

Cuối tuần qua, theo tờ Wall Street Journal, Huawei đã được Cơ quan Tài sản trí tuệ Quốc gia Trung Quốc cấp bản quyền thương hiệu “HongMeng” cho hệ điều hành OS. Đây dự kiến sẽ là hệ điều hành trong tương lai của Huawei, bao gồm laptop, điện thoại, máy tính bảng, TV, xe hơi, và các thiết bị đeo, cài thông minh...

Thực tế, tại thị trường nội địa, điện thoại Huawei vốn hoạt động mà không cần các ứng dụng và dịch vụ của Google dù họ sử dụng nền tảng Android. Các dịch vụ tìm kiếm và phần mềm của Google hiện tại đang bị chặn ở Trung Quốc. Kể cả trên các điện thoại dùng Android, dịch vụ của Google Play và các ứng dụng khác đều không hoạt động.

Điều này đồng nghĩa, điện thoại Huawei tại thị trường nội địa đã sử dụng các ứng dụng và phần mềm thay thế cho bản đồ, mail và video, hoàn toàn không có bóng dáng của Google Maps, Google Search, Google Assistant, Gmail và Youtube. Các dịch vụ bảo mật như Google Play Protect và phần mềm đồng bộ thông tin liên lạc cũng không được sử dụng tại thị trường tỉ dân.

Vì vậy, không khó để một ngày nào đó Huawei nói không với phần mềm và phần cứng của các hãng khác, độc lập phát triển thiết bị của riêng mình. Ông Zen cho hay, Huawei có khoảng 80.000 - 90.000 kỹ sư chuyên nghiên cứu và phát triển, trong đó, nhiều kỹ sư đã được huy động chuẩn bị phương án B cho công ty.

img
Huawei tuyên bố có thể sống sót không cần Google, Microsoft

Ngành công nghệ sẽ bị phân cực

Theo cây viết nhà bình luận của tờ Washington Post, một khi Trung Quốc trỗi dậy và có thể sống độc lập, thế giới sẽ chứng kiến ngành công nghệ kỹ thuật số phân cực thành hai hệ sinh thái: Mỹ và Trung Quốc.

Sự phân chia này sẽ làm xói mòn nền kinh tế mở của thế giới, ảnh hưởng đến mức độ phụ thuộc lẫn nhau, các hoạt động đầu tư xuyên biên giới cùng những chuỗi cung ứng đang tạo nên nền kinh tế toàn cầu hiện nay.

Đáp trả động thái của Mỹ, cơ quan Không gian Mạng của Trung Quốc mới đây cũng công bố một dự thảo để tăng cường quy định an ninh mạng. Trong đó, dự thảo viết, “để cải thiện an ninh và khả năng kiểm soát cơ sở hạ tầng thông tin quan trọng và duy trì an ninh quốc gia”, “các công ty mua những sản phẩm và dịch vụ mạng ảnh hưởng hoặc có thể ảnh hưởng tới an ninh quốc gia sẽ phải đánh giá tất cả các rủi ro trước khi thực hiện”.

Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, chặng đường để độc lập tự do của Huawei chắc chắn vẫn còn dài và nhiều chông gai. Tờ The Information nhận định, bất cứ công ty này có xây dựng hệ thống thay thế, hệ sinh thái Hong Meng OS của Huawei phải mất thêm nhiều thời gian mới sẵn sàng được phân phối đến tay người tiêu dùng.

Dự án phần mềm nội bộ này đang còn nhiều vấn đề chưa thể tháo gỡ. Mặt khác, theo nhận định của bà Carolina Milanesi, nhà phân tích tại Công ty nghiên cứu thị trường Creative Strategies: “Có lẽ người dùng trên thế giới cũng không muốn có thêm một hệ điều hành OS thứ ba”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.