Chiều 3/8, tại Quảng Nam, Tạp chí điện tử BĐS Việt Nam (Reatimes) phối hợp viện nghiên cứu BĐS Việt Nam tổ chức hội thảo Phát triển bền vững đô thị biển Việt Nam thời kỳ mới.
Ven biển Đà Nẵng dần hình thành các khu dân cư, khu đô thị đông đúc
Xây dựng ồ ạt, quá tải hạ tầng ven biển
Tại hội thảo, KTS. Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam cho biết, phần lớn các đô thị có biển, không gian dải ven biển luôn được ưu tiên quy hoạch cho mục đích phát triển các công trình dịch vụ du lịch. Dù mang lại hiệu quả kinh tế nhưng đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển đô thị bền vững, bởi các công trình này đã chiếm gần như toàn bộ “mặt tiền” hướng ra biển, thiếu thân thiện với tự nhiên và môi trường.
Hệ thống cây xanh chống gió cát và bảo vệ đô thị trước gió bão bị đốn hạ, không gian nghề biển của cộng đồng bị thu hẹp, thậm chí mất đi ở hầu hết các đô thị du lịch biển.
Theo ông Chính, sự phát triển ồ ạt các dự án BĐS, xây dựng các công trình sát biển hay xu hướng tư nhân hóa bãi biển, đặc biệt những công trình kiến trúc nhà ở, thương mại cao tầng... tiềm ẩn nguy cơ kìm hãm và làm tổn hại cơ hội phát triển trong tương lai của đô thị.
TS Đặng Việt Dũng, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cũng nhận định, hiện nay đang thiếu quy hoạch tổng thể quốc gia cho phát triển đô thị biển. Việc phát triển kinh tế ven biển thiếu kiểm soát, mất cân đối, ảnh hưởng đến môi trường sống của dân cư địa phương.
Cụ thể, sự phát triển quá mức các cơ sở lưu trú, ăn uống dọc theo các tuyến đường ven bờ biển. Hiện tượng “phân lô, bán nền” mặt tiền biển… làm không gian biển bị phá vỡ bởi hệ thống nhà cao tầng, không gian công cộng bị hạn chế.
Quảng cảnh hội thảo Phát triển bền vững đô thị biển Việt Nam thời kỳ mới
Sự quá tải về hạ tầng do việc đầu tư ồ ạt cũng vượt qua các dự báo về nhu cầu dịch vụ đối với quy hoạch ban đầu, dẫn đến sự quá tải về hạ tầng.
"Hiện tượng quá tải về cấp điện, cấp nước sạch, tình trạng ô nhiễm môi trường biển do nước thải xả trực tiếp ra biển, vấn nạn tắc nghẽn giao thông đã xảy ra thường xuyên và ngày càng nghiêm trọng hơn, đặc biệt vào mùa nắng nóng, cao điểm của mùa du lịch. Đã xuất hiện tình trạng cạn kiệt nguồn nước ngầm do khai thác quá mức ở một số địa phương…", ông Dũng cho hay.
Ghi nhận thực tế của PV, dọc tuyến đường biển từ Đà Nẵng vào Quảng Nam bị án ngữ bởi dãy khách sạn, resort dày đặc, kéo dài. Không gian công cộng, bãi biển, lối xuống biển bị hạn chế ở nhiều nơi.
Theo PGS.TS. Nguyễn Chu Hồi, Nguyên Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, sự giống nhau và đơn điệu đến nhàm chán của các khối nhà bê tông lạnh lẽo và thiếu vắng “cơ sở hạ tầng tự nhiên” ven biển, đảo đang ngăn cách con người với thế giới tự nhiên và hương vị biển, đánh mất giá trị bản địa.
"Điều này chẳng những không đem lại các giá trị đặc thù về kiến trúc đô thị biển mà du khách và người dân chỉ có thể nhìn thấy những “mảng biển xanh” qua khe hở của các khối bê tông như vậy", ông Hồi nhận định.
Cần đưa khái niệm đô thị biển vào luật
Theo PGS.TS. Nguyễn Chu Hồi, biển nước ta là một bộ phận của Biển Đông - nơi được xem là “ngã ba đường” của thế giới, có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong phát triển kinh tế, QPAN. Biển cùng với các hệ thống đảo trở thành “phên dậu” bảo vệ chủ quyền toàn vẹn đất nước từ phía biển. Cho nên lợi thế biển và lợi thế đất liền không bao giờ tách rời.
Biển Việt Nam là "mỏ vàng" phát triển kinh tế, đặc biệt là lĩnh vực du lịch
TS Đặng Việt Dũng cho biết, những lợi ích từ biển là không thể chối cãi khi là nguồn sinh kế của gần 1/2 dân số thế giới trên một diện tích chỉ chiếm 4% diện tích đất đai toàn cầu.
"Rất nhiều khu vực ban đầu chỉ là những làng chài nhỏ ven biển, sau vài thập kỷ đã trở thành các đô thị hiện đại, cá biệt trở thành các siêu đô thị, có đóng góp lớn cho sự phát triển kinh tế", ông Dũng cho biết.
Cũng theo ông Dũng, để phát triển kinh tế biển một cách bền vững cần sớm đưa khái niệm về đô thị biển vào quy định của pháp luật như là định nghĩa về đô thị đặc thù. Từ đó hình thành mô hình phát triển đô thị biển bền vững trên cơ sở phân tích, đánh giá các điều kiện tự nhiên, xã hội, quá trình phát triển của các đô thị ven biển hiện nay.
Đồng thời, xây dựng các tiêu chí, tiêu chuẩn cho đô thị biển trong phân loại đô thị tạo thuận lợi cho việc xác định vị trí, vai trò chức năng của đô thị biển, nhất là các đô thị biển được xác định trở thành đô thị động lực, bổ sung nội dung quy hoạch hệ thống đô thị biển vào quy hoạch tổng thể quốc gia.
KTS Trần Ngọc Chính cũng cho rằng, việc sử dụng đất đai ven biển tất cả đều phải theo quy hoạch, cần phân loại dự án ưu tiên đầu tư xây dựng và có giải pháp cụ thể đối với từng nhóm dự án nhằm đảm bảo việc đầu tư xây dựng có hiệu quả, tránh lãng phí đất đai, bảo vệ môi trường và ứng phó, thích nghi với biến đổi khí hậu.
Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, quản lý các dự án, bảo vệ tài nguyên và môi trường đất đai ven biển.
Theo Ths.KTS Nguyễn Thị Hồng Diệp, biển là mỏ vàng tiềm năng của Việt Nam. Biển đảo Việt Nam có khí hậu nhiệt đới tạo điều kiện cho sinh vật biển phát triển và tồn tại tốt, biển có tài nguyên sinh vật và khoáng sản phong phú, đa dạng và quý hiếm.
Vùng ven bờ nước ta có tổng số 48 vũng vịnh với tổng diện tích khoảng 4.000km2, phân bố từ Bắc vào Nam, nhiều vùng vịnh tương đối sâu và kín, không chỉ thuận lợi cho việc xây dựng các cảng nước sâu, nơi trú ngụ của tàu thuyền mà còn phát triển du lịch và đô thị du lịch.
Có thể kể đến các đô thị du lịch như: Đà Nẵng, Phú Quốc (Kiên Giang), Hạ Long (Quảng Nam), Sầm Sơn (Thanh Hóa)...
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận