Thời gian gần đây Trung Quốc liên tục triển khai máy bay ném bom H6 và nhiều loại chiến cơ xâm nhập vùng nhận diện phòng không mà Đài Loan xác lập
Trong một bài viết đăng tải gần đây trên tờ Financial Times, bà Diana Choyleva, nhà kinh tế trưởng đến từ công ty dự báo chính trị và kinh tế Enodo Economics (Anh) cho biết, đội nghiên cứu của bà nhận thấy, “những cơ hội để ngăn chặn Đài Loan rơi vào xung đột đang giảm thấp thê thảm”.
Bà Choyleva lập luận, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, ngày càng trở nên tự tin và quyết đoán hơn, coi việc đưa hòn đảo Đài Loan nằm dưới sự kiểm soát hoàn toàn của Trung Quốc là sứ mệnh của ông.
Bà cho rằng: "Từ lâu giới chức Mỹ luôn chọn chiến lược mơ hồ khi được hỏi liệu họ có giải cứu Đài Loan trong trường hợp Trung Quốc hành động quân sự hay không".
Song, theo chuyên gia Anh, “nếu Trung Quốc tăng cường gây khó dễ đến mức chặn đứng kinh tế Đài Loan toàn diện, Washington có thể sẽ can thiệp”. Bởi ngoài lợi ích về kinh tế, Mỹ còn đứng trước nguy cơ sẽ mất vị thế là cường quốc có ảnh hưởng hàng đầu khu vực Châu Á - Thái Bình Dương nếu đứng ngoài cuộc.
Cho đến nay, chính quyền tân Tổng thống Mỹ Joe Biden đang bị mắc kẹt trong đường lối cứng rắn với Trung Quốc, đã được vạch ra dưới thời người tiền nhiệm Donald Trump.
Gần đây, phản ứng với những động thái của Bắc Kinh khi triển khai chiến cơ liên tục áp sát, xâm nhập vùng nhận diện phòng không mà Đài Loan đặt ra, chính quyền Joe Biden đã kêu gọi Trung Quốc dừng những hành động như vậy và gọi mối quan hệ với Đài Bắc là “vững chắc như đá”.
Trước đó, ông Joe Biden còn phá vỡ tiền lệ khi mời đại diện Đài Loan tại Washington tham dự lễ nhậm chức .
Do vẫn còn bị phân tâm vì rất nhiều vấn đề quan trọng trong nước nên ông Biden muốn tránh kích động quá mức người đồng cấp Trung Quốc liên quan tới căng thẳng Đài Loan.
Tuy nhiên, theo nhà phân tích người Anh, trong thời gian tới, Tổng thống Mỹ Joe Biden có lẽ sẽ đối mặt với "bài thử nghiệm quan trọng nhất" trong xử lý căng thẳng Đài Loan, đó là việc lãnh đạo Mỹ phải ra quyết định: Có đưa Đài Loan vào “Hội nghị Thượng đỉnh các nền dân chủ” mà ông Biden dự kiến sẽ tổ chức ngay trong năm đầu nhiệm kỳ Tổng thống hay không?
“Việc Mỹ mời Đài Loan tham dự sẽ chọc tức Bắc Kinh và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chịu áp lực buộc phải phản ứng. Theo logic, các bên không được phép để leo thang xung đột nhưng những rủi ro thường không đi theo tính toán logic" - bà Diana Choyleva nói và nhấn mạnh: "Hiện nay, mọi động cơ dẫn đến xung đột (giữa Mỹ - Trung Quốc) bao gồm nỗi lo sợ, danh dự và quyền lợi, đều đang leo thang".
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận