Máy khử khuẩn Ozone đang bị quảng cáo thổi phồng. Ảnh: Tạ Tôn |
Tại buổi họp báo ngày 19/9, nhiều chuyên gia khẳng định, máy Ozone không thể khử hóa chất độc hại như quảng cáo.
“Cái gì cũng phải sục thì mới ăn”
Được quảng cáo về tác dụng “thần kỳ” khử độc của máy Ozone, bà Nguyễn Thị Xuân (Lò Đúc, Hà Nội) bắt đầu mua và sử dụng loại máy này từ 3 năm nay. Hầu như bất kỳ loại thực phẩm nào mua về cũng được bà sục qua máy Ozone trước khi chế biến, từ rau, củ quả đến thịt, cá. Bà Xuân cho biết: “Loại máy này họ nói rất tốt, khử được hơn 90% các loại hóa chất độc hại mà người ta sử dụng trong chăn nuôi, trồng trọt. Mà đúng thật, lần nào sục lên với thịt, cá dềnh lên đầy chất bọt sủi, rất bẩn. Giờ cái gì cũng “bẩn” cứ sục hết cho yên tâm”.
Cũng tương tự, chị Mai Anh (Trương Định, Hà Nội) cho biết, không chỉ mẹ chị ở nhà “sùng” máy Ozone, mà hàng xóm nhà chị đa phần cũng sắm một chiếc. Tất tật cái gì mua ở chợ về cũng được các bà nội trợ cho vào sục máy Ozone. “Mẹ tôi bảo, không sục Ozone thì không ăn”, chị Mai Anh chia sẻ.
>>> Xem thêm video kinh hoàng nhuộm gà bằng chất tạo màu:
Còn ông Nguyễn Gia Trường (Đội Cấn, Hà Nội) cho hay, nghe mọi người bàn nhiều đến máy khử Ozone nên ông cũng lần tìm thông tin trên mạng. “Nhiều loại lắm, sản xuất trong nước cũng có, nhập khẩu cũng có. Mà họ quảng cáo, máy có nhiều tác dụng, có thể khử phần lớn cả chất bảo quản, dư lượng thuốc trừ sâu và thuốc bảo vệ thực vật trong rau, thậm chí cả dư lượng hormone tăng trưởng… Không rõ có thật không nữa”, ông Trường dè dặt chia sẻ.
Chỉ gõ “máy Ozone” trên máy tính, hàng loạt các trang bán hàng loại sản phẩm này xuất hiện. Trên trang bkozone.com.vn/May-ozone-Bach-Khoa... quảng cáo “Lợi ích bất ngờ từ máy Ozone: Khử tới 99,5% dư lượng hormone tăng trưởng và chất bảo quản trong thịt, cá; khử dư lượng thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật trong rau củ quả; loại bỏ các chất bảo quản chống ẩm mốc trong gạo; Xử lý khử khuẩn nước, loại bỏ mùi hôi các chất độc trong nước; diệt virus, vi khuẩn, vi sinh trùng, tế bào nấm mốc đến 99,6%; Phòng tránh các bệnh ung thư, ngộ độc thực phẩm…”. Hay trên web ozonebk.vn của Công ty HCT đơn vị sản xuất máy Bkozone cũng khẳng định: “Máy Ozone khử độc, diệt khuẩn rau quả, thực phẩm, khử sạch 99% các loại thuốc trừ sâu, 100% các loại vi khuẩn gây bệnh…”. Giá bán các loại máy Ozone trên thị trường cũng xê dịch từ 1,5 - 2,5 triệu đồng/sản phẩm.
Máy Ozone chỉ phát huy công dụng với thực phẩm sạch (?)
Tại buổi họp báo sáng 19/9 do Công ty CP Đầu tư và Ứng dụng công nghệ cao HCT tổ chức, nhiều ý kiến chuyên gia khẳng định, loại máy Ozone có khả năng khử khuẩn, tuy nhiên việc khử hóa chất là không thể. Theo GS.TSKH. Trần Vĩnh Diệu, Phó chủ tịch Hội đồng Khoa học TP Hà Nội, máy Ozone chỉ diệt được vi khuẩn, vi trùng chứ không thể nào khử được hóa chất, đặc biệt là với thuốc trừ sâu. Loại máy này chỉ nên dùng cho rau, quả chứ không nên dùng cho thịt, cá. “Trước tiên phải lựa chọn các loại thực phẩm sạch, không phải chọn rau không an toàn rồi về xử lý thì không thể làm sạch được, dù là có dùng máy Ozone”, ông Diệu cho biết.
Cùng quan điểm, TS. Từ Ngữ, Phó chủ tịch - Tổng thư ký Hội Dinh dưỡng Việt Nam cũng cho biết, trước kia để khử khuẩn trên rau củ, người ta thường dùng thuốc tím, hay xả dưới vòi nước, nay thì sục ozone diệt vi khuẩn. “Tuy nhiên, việc sử dụng máy sục Ozone để khử khuẩn có hiệu quả hay không còn phụ thuộc nhiều yếu tố từ liều lượng, cách dùng, nồng độ, thời gian. Nếu Ozone có nồng độ cao cũng có thể gây hại”, ông Từ Ngữ cho biết.
Chia sẻ về nguyên nhân tại sao khi dùng máy Ozone để sục thịt, cá nổi đầy váng bọt mà người tiêu dùng vẫn nghĩ là chất “bẩn”, GS. Nguyễn Hoàng Nghị, nguyên Phó viện trưởng Viện Vật lý kỹ thuật (ĐH Bách khoa, Hà Nội) cho hay: Khi Ozone tương tác, protein trong thịt cá sẽ thải ra các hợp chất khác nhau tạo bọt chứ không liên quan đến “đánh bật” các hóa chất trong đó. “Không nên sử dụng máy Ozone để sục cho thịt tươi, chỉ nên dùng Ozone để khử mùi cho thịt ôi, cá ươn và chỉ sục khoảng 5 phút vì sục lâu sẽ phá hủy miếng thịt”, ông Nghị khuyến cáo.
Máy Ozone không loại bỏ được hết các độc tố, vi khuẩn vì có hàng nghìn chất độc, hóa chất đang được sử dụng trong chăn nuôi, trồng trọt và bảo quản thực phẩm hiện nay. Đặc biệt, khí Ozone hoàn toàn “bất lực” nếu những loại hóa chất đó ngấm sâu vào thực phẩm". TS. Nguyễn Văn Khải, chuyên gia về ozone |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận