TS. Đào Trọng Tứ-chuyên gia Mạng lưới sông ngòi Việt Nam trả lời phỏng vấn Báo Giao thông. |
Gần đây, ở Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định và nhiều tỉnh thành khác ở Miền trung, những đợt mưa lớn kèm theo việc xả nước ở các hồ chứa thuỷ lợi, thuỷ điện khiến tốc độ tàn phá của lũ càng tăng. Riêng tại Gia Lai, trong buổi chất vấn trong cuộc họp HĐND vào sáng ngày 8/12, bà Nguyễn Thị Thanh Lịch, Bí thư thị uỷ An Khê cho biết, thuỷ điện An Khê- Ka Nak hiện nay chưa triển khai phương án phòng chống xả lũ, chưa tổ chức diễn tập cũng như phương án di dời dân trong trường hợp nguy cấp. Nếu vỡ đập thuỷ điện thì dân hạ lưu không biết chạy đi đâu.
Ngay đầu tháng 11/2016, thuỷ điện An Khê - Ka Nak xả lũ bất thường được cho là đúng quy trình nhưng đã khiến nhân dân ở Phú Yên, Gia Lai chịu ảnh hưởng nghiêm trọng. Trước thực trạng này, PV Báo Giao thông đã có cuộc phỏng vấn TS.Đào Trọng Tứ- chuyên gia mạng lưới sông ngòi Việt Nam.
"Vì sao làm thủy điện dễ thế, nhanh đến thế"
Theo ông, những vấn đề tồn tại trong cách làm thuỷ điện ở nước ta hiện nay là gì?
Thủy điện được coi là kênh đầu tư đầy hấp dẫn, sinh lợi lớn, thu hồi vốn nhanh và đặc biệt được khuyến khích với nhiều ưu đãi, vì đất nước đang cần rất nhiều điện... Rất nhiều doanh nghiệp lớn, nhỏ gắn được thêm chức năng đầu tư, xây dựng thủy điện, mặc dù sự hiểu biết về loại hình công trình này không phải ai cũng rành rọt.
Khai thác tiềm năng thủy điện khác xa với khai thác các tài nguyên hóa thạch khác. Khai thác thủy điện tác động rất lớn đến môi trường, sinh thái của các dòng sông, suối, đến nguồn tài nguyên duy trì cho cuộc sống của con người, cho an ninh lương thực. Làm thủy điện, người ta phải xây dựng các công trình ngăn, chặn các dòng sông, tức là tác động đến nguồn nước, đến con sông - mạch sống mà mọi người, mọi ngành đều cần. Các công trình thủy điện được xây dựng trong điều kiện địa hình, địa chất, thủy văn phức tạp khó lường nhưng phải có độ an toàn cao nhất có thể nếu hạ lưu của nó là dân cư, là đô thị, làng mạc là các cơ sở chính trị, xã hội, kinh tế...
Cách đây vài năm, khi thấy việc xây dựng thủy điện diễn ra với một tốc độ chóng mặt trên tất cả các hệ thống sông, suối của đất nước, là người được đào tạo về thủy điện và được tham gia quy hoạch và xây dựng một số công trình thủy điện, cũng như nghiên cứu về vấn đề phát triển thủy điện, tôi vô cùng phân vân tự hỏi, tại sao xây dựng công trình thủy điện là kỹ thuật khó khăn, phức tạp (ở tất cả các khía cạnh: môi trường-sinh thái-kỹ thuật, an toàn…) như vậy mà chúng ta (các nhà đầu tư nhà nước, tư nhân) làm thủy điện dễ đến thế, nhanh đến thế. Có những thời điểm, “ngành ngành làm thủy điện, người người làm thủy điện”.
Đơn cử như Tây Nguyên, trong thời gian vừa qua đã trở thành hiện tượng “sốt thủy điện”. Từ lúc đầu chỉ có 7 công trình thủy điện lớn, đến năm 2015 đã có 190 công trình thủy điện lớn nhỏ trên cả 4 hệ thống sông Sê San, Srêpốk, sông Ba và sông Đồng Nai.
"Hệ thống thủy điện bậc thang hiện nay rất nguy hiểm"
Nếu thời tiết tiếp tục bất thường và gia tăng mưa cực đoan, có thể xảy ra trường hợp vỡ đập thuỷ điện hay không? Nếu xảy ra thì mức độ ảnh hưởng như thế nào, thưa ông?
Trong điều kiện thời tiết cực đoan diễn ra thường xuyên hơn (một phần do biến đổi khí hậu), rừng đầu nguồn có tác dụng điều hòa và giảm dòng chảy lũ ngày càng bị tàn phá, bị chuyển đổi mục đích sử dụng thì sự mất an toàn hồ đập trong đó có đập thủy điện có nguy cơ gia tăng. Đặc biệt, hệ thống thuỷ điện bậc thang hiện nay rất nguy hiểm. Nếu vỡ đập đầu nguồn sẽ khiến các công trình thuỷ điện ở vùng hạ lưu bị vỡ liên hoàn…
Nếu vỡ đập càng lớn thì thiệt hại càng lớn, nếu hạ lưu đập có mức độ tập trung dân cư và cơ sở hạ tầng càng cao thì mức độ thảm họa khó tính hết. Chúng ta đã có bài học về vỡ đập ở Tây Nguyên trong vài năm gần đây, chỉ trong thời gian 8 tháng từ 10/2012 - 6/2013 đã có 3 vụ vỡ đập thủy điện nhỏ ở 3 tỉnh Miền trung và Tây Nguyên, đó là thủy điện Đak Krong 3 (Quảng Trị), Đắk Mếk 3 (Kon Tum) và Ya Krel 2 (Gia Lai).
Rất may mắn, các sự cố vỡ đập trên đều xảy ra khi các công trình đang thi công hoặc mới bắt đầu tích nước, nên khi đập vỡ, trừ đập Đắk Mêk 3 khiến 1 người chết, các sự cố còn lại không gây thiệt hại về người. Nhưng thiệt hại về kinh tế không hề nhỏ, trong đó đập Yakrel 2, tuy mới tích rất ít nước, khi vỡ đã cuốn đi hàng chục người nhưng may mắn đã được các lực lượng cứu hộ cứu thoát, ngập nhiều nhà cửa và hàng trăm ha đất canh tác, thiệt hại hàng chục tỷ đồng cho chính nhà đầu tư và gây nên tâm lý bất an chung cho người dân sống hạ lưu các hồ thủy điện.
Sự cố của một công trình hồ chứa sẽ là thảm họa, không kém thảm họa do động đất, sóng thần gây ra. Sự cố vỡ đập thủy điện Bản Kiều (Trung Quốc) đầu tháng 8/1975, do siêu bão Nina đổ bộ vào Trung Quốc đã khiến gần 170.000 người thiệt mạng, trong đó 26.000 người chết trong lũ, số còn lại thiệt mạng do dịch bệnh và nạn đói. Đằng sau đó là cả một hệ luỵ lâu dài.
"Phải xây dựng kịch bản vỡ đập cho tất cả các hồ đập thủy điện"
Vậy, cần làm gì để giảm thiểu nguy cơ vỡ đập thuỷ điện?
Sau giai đoạn phát triển nóng, đã có nhiều sự cố xẩy ra đối với các hồ đập thủy điện Tây Nguyên, vấn đề an toàn đập nói chung và thủy điện nói riêng cần phải được quan tâm thích đáng. Chúng ta cần: Kiểm tra và đánh giá mức an toàn của tất cả các đập thủy điện trên toàn vùng, từ đó đề ra các biện pháp phù hợp bảo đảm an toàn cho từng hồ - đập và hệ thống bậc thang. Các biện pháp đề ra phải được thực hiện và phải có chế tài và cơ chế giám sát việc thực hiện.
Việc kiểm tra đánh giá an toàn hồ đập thủy điện cần xem xét ở tất cả các khâu từ quy hoạch, thiết kế, thi công, hiện trạng công trình và quy trình vận hành của công trình nhất là với hệ thống thủy điện bậc thang.
Cần phải xây dựng kịch bản vỡ đập cho tất cả các –hồ đập thủy điện để đối phó và giảm thiểu tác hại của việc vỡ đập, nhất là vỡ đập liên hoàn đối với dân cư và cơ sở hạ tầng các vùng hạ lưu công trình.
Tăng cường hệ thống quan trắc khí tượng, thủy văn trong hệ thống sông. Bảo đảm hệ thống kết nối thông tin giữa hệ thống trạm khí tượng thủy văn và các nhà máy thủy điện nhằm cung cấp kịp thời và chính xác số liệu mưa, dòng chảy phục vụ vận hành hồ theo quy trình đơn hồ và/hoặc liên hồ; Lắp đặt các hệ thống quan trắc thủy văn cho chính các nhà máy để giám sát đánh giá vận hành công trình. Xây dựng/hoàn chỉnh hệ thống cảnh báo xả lũ cho dân cư hạ lưu của từng nhà máy thủy điện.
Ngoài ra, chúng ta cần thực hiện một số các giải pháp tổng thể khác như:
Phục hồi, nâng cấp chất lượng rừng đầu nguồn. Đây vừa là nguồn sinh thủy mùa khô, đồng thời là giải pháp giảm tốc độ tập trung dòng chảy lũ, an toàn hơn cho đập. (Cần chính sách tổng thể của nhà nước/Bộ/ngành).
Tăng cường năng lực quản lý/nghiệp vụ và trách nhiệm của lực lượng cán bộ quản lý ngành (Bộ Công thương, sở Công thương…) đối với vấn đề an toàn đập; Thế chế hóa sự tham gia giám sát của cộng đồng đối với các hoạt động của các nhà máy thủy điện. Nâng cao nhận thức cộng đồng về hoạt động đập thủy điện và cách phòng, tránh khi có sự cố đập. Cũng như, thể chế hóa trách nhiệm của các cơ quan/đơn vị/cá nhân để xẩy ra sự cố vỡ đập, gây hậu quả/thảm họa.
Xin trân trọng cám ơn ông!
Tiến sĩ Đào Trọng Tứ chỉ ra 3 nhóm nguyên nhân có thể dẫn tới nguy cơ vỡ đập thủy điện: Một là nguyên nhân chủ quan do con người, bao gồm quy hoạch, thiết kế đập không hợp lý, có sai sót, thi công không bảo đảm quy trình, chất lượng, cẩu thả, công tác duy tu, bảo dưỡng không tuân thủ quy trình, tùy tiện, vận hành đập và hồ chứa sai quy trình, hoặc thiếu kinh nghiệm. Hai là nguyên nhân khách quan do thiên nhiên, bao gồm động đất, sạt lở, mưa lớn gây nên lũ lớn vượt quá tần suất thiết kế công trình và nguyên nhân thứ ba là kết hợp 2 nguyên nhân trên. |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận