Có thêm “sân chơi” mới, lớn nhất và đặc biệt nhất
Với Việt Nam, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) là “hiệp định tự do thương mại khu vực lớn nhất (xét về quy mô), mới nhất (mới có hiệu lực đầu năm nay) và đặc biệt nhất (xét về đối tác)” - theo nhận định của bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập thuộc VCCI khi chia sẻ về Hiệp định RCEP tại Hội nghị tập huấn về tác động của Hiệp định RCEP đối với nền kinh tế Việt Nam.
Tại hội nghị này, bà Trang cùng nhiều chuyên gia đã gợi mở rất nhiều lợi thế trong Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) mà các doanh nghiệp Việt Nam có thể tận dụng để phát triển trong bối cảnh đầy khó khăn và thách thức sau đại dịch Covid-19 và những tác động có thể có từ chiến sự Nga-Ukraine.
Bà Nguyễn Thị Thu Trang, giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập thuộc VCCI.
RCEP có gì?
Theo các chuyên gia, RCEP đặc biệt ở chỗ tất cả các thành viên trong hiệp định này đều đã có FTA với Việt Nam. Xét về xuất/nhập khẩu, các nước RCEP chiếm 40% thị phần xuất khẩu của VN và có thể còn tăng hơn nữa; Xét về nhập khẩu, các nước RCEP chiếm 70-75% tổng nhập khẩu của VN.
Theo thống kê năm 2020 (năm đầu bùng dịch Covid-19) cộng đồng doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNNVV) Việt Nam đã phải đối diện với tình trạng hàng hóa sản xuất không tìm được đầu ra, thị trường truyền thống bị thu hẹp do giãn cách xã hội, phụ thuộc vào các mạng lưới cung ứng và phân phối trung gian... Bên cạnh đó, các doanh nghiệp còn đối mặt tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng nghiêm trọng. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm quy mô đầu tư và giảm tổng doanh thu.
Theo báo cáo “Tác động của Covid-19 đối với doanh nghiệp tại Việt Nam: khảo sát nhanh về doanh nghiệp và Covid-19” của Ngân hàng Thế giới (năm 2020), có khoảng 50% số DN nhỏ và hơn 40% DN vừa phải đóng cửa tạm thời hoặc vĩnh viễn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Với việc kí kết hiệp định RCEP, các doanh nghiệp sẽ có thêm một lựa chọn mới bên cạnh các hiệp định thương mại tự do đã ký.
Ông Nguyễn Anh Dương – Trưởng ban Nghiên cứu Tổng hợp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), Bộ Kế hoạch đầu tư đánh giá: “RCEP có đặc thù khác so với các hiệp định khác như CPTPP, EVFTA,… là gắn Việt Nam với chuỗi cung ứng của khu vực, đặt hợp tác của khu vực sang một chương mới”.
Ông Dương đánh giá RCEP có thể giúp gia tăng xuất khẩu, tăng thu nhập cho nền kinh tế với việc giảm bớt các rào cản thuế quan và phi thuế quan cũng như những sáng kiến liên quan đến cơ chế 1 cửa hay hoạt động thương mại không giấy tờ… từ đó giúp hoạt động thương mại diễn ra nhanh hơn, kịp thời, ít chi phí hơn, có quy mô lớn hơn.
Đặc biệt tại thời điểm này, trong bối cảnh khu vực châu Á đang phục hồi khá nhanh và sớm sau Covid-19, RCEP hoàn toàn có thể giúp giảm “rủi ro lạc nhịp” của Việt Nam trong quá trình phục hồi kinh tế so với đà phục hồi của khu vực.
Mặt khác, khi tham gia sân chơi chung trong RCEP, hài hòa vào các quy định, quy tắc xuất xứ, quy chuẩn, tiêu chuẩn chung về hàng hóa của hiệp định này, DN có cơ hội tốt hơn khi tham gia chuỗi giá trị một cách sâu rộng hơn.
Quy tắc xuất xứ hài hoà và dễ tận dụng hơn
Đánh giá sâu hơn về lợi thế của RCEP, các chuyên gia như bà Thu Trang (VCCI) nhấn mạnh rằng RCEP có ưu thế rất lớn về quy tắc xuất xứ mà các doanh nghiệp có thể tận dụng.
Trong RCEP, quy tắc xuất xứ hàng hóa hài hòa và dễ tận dụng hơn. Với mỗi hiệp định thương mại tự do, để hưởng ưu đãi thuế, các doanh nghiệp phải đảm bảo quy tắc xuất xứ về nội khối, đảm bảo đó là hàng hoá thuộc khối đó, không phải từ bên ngoài.
RCEP có quy mô rất rộng nên khái niệm nội khối rộng hơn rất nhiều, chiếm phần lớn các nước cung cấp nguồn cung phụ liệu cho VN nên việc đáp ứng quy tắc xuất xứ dễ hơn. Quy tắc trong khối cũng dễ tận dụng hơn.
Bên cạnh đó, bộ quy tắc xuất xứ của RCEP gần như đồng nhất trong 5 bộ quy tắc xuất xứ của ASEAN và ASEAN Plus nên các doanh nghiệp có thể tối ưu hoá các nguồn nguyên liệu để sản xuất hàng xuất khẩu.
Các công ty có chuỗi cung ứng, phân phối hàng hóa tại các nước châu Á nói chung và trong RCEP nói riêng có thể chỉ cần sử dụng một nguồn nguyên liệu là đáp ứng được quy tắc xuất xứ để hưởng ưu đãi về thuế, tiết kiệm khá nhiều chi phí về logistics, tối đa hóa chi phí về nguyên vật liệu.
Bên cạnh đó, vì nguyên tắc cộng gộp trong RCEP và VN nhập nhiều nguyên liệu từ Trung Quốc, Nhật Bản và trong ASEAN nên VN có khả năng đáp ứng quy tắc xuất xứ tốt hơn.
Tàu container tại cảng Cát Lái, Tp. Hồ Chí Minh. Ảnh - Shutterstock/Quang nguyen vinh.
Đặc biệt, khi nói đến thị trường khá khó tính như Nhật Bản, nếu như trong các hiệp định VN đã ký ở CPTPP hay ASEAN - Nhật Bản, VN – Nhật Bản, yêu cầu nguyên liệu nội khối rất cao thì trong RCEP, một số quy định về quy tắc xuất xứ của một vài nhóm hàng đã lỏng hơn. Ví dụ như dệt may, hiện nay, VN có thể sử dụng vải của Hàn Quốc, Trung Quốc và cả các nước ngoài khối như EU, Đài Loan… vẫn có thể được chấp nhận về quy tắc xuất xứ.
Những thách thức và khuyến nghị cho doanh nghiệp
Tuy nhiên, bên cạnh những lợi thế, bà Nguyễn Thị Thu Trang (VCCI) cũng chỉ ra một số lo ngại liên quan đến RCEP về xuất khẩu và nhập khẩu như có thể dẫn tới gian lận thương mại; nhập khẩu tiểu ngạch; vấn đề kiểm soát chất lượng sản phẩm nhập khẩu.
Bà Trang cũng nhấn mạnh, quy tắc xuất xứ RCEP có nhiều lợi thế nhưng không đơn giản do đó đòi hỏi doanh nghiệp phải tìm hiểu thật kỹ càng trước khi áp dụng. Bên cạnh đó, còn có một số lo ngại về tình trạng lạm dụng rào cản phi thuế ở nhiều thị trường xuất khẩu; tính thiếu ổn định, minh bạch trong chính sách ở thị trường xuất khẩu...
Ông Dương cũng chỉ ra cách doanh nghiệp cần phải chủ động nâng cao nhận thức, thói quen tìm hiểu và quy định của các thị trường RCEP, đặc biệt là không nên duy trì cách làm tiểu ngạch, thiếu gắn kết…
Ngoài ra, các doanh nghiệp nên điều chỉnh chiến lược kinh doanh phù hợp, gắn với đề xuất hỗ trợ từ các Bộ, ngành và cơ quan địa phương. Cùng lúc, các doanh nghiệp nên chủ động kiến nghị, tháo gỡ những bất cập chính sách (bởi cơ quan nhà nước khó tự rà soát hết).
Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) được 10 quốc gia thành viên ASEAN và 5 nước đối tác của ASEAN là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand ký kết vào ngày 15/11/2020 bên lề Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 do Việt Nam làm Chủ tịch.
Theo quy định của Hiệp định RCEP, Hiệp định sẽ chính thức có hiệu lực sau 60 ngày kể từ thời điểm có ít nhất 6 nước ASEAN và 3 nước đối tác hoàn tất việc phê chuẩn/phê duyệt Hiệp định và nộp lưu chiểu cho Tổng Thư ký ASEAN.
Đến ngày 2/11/2021, đã có 6 nước ASEAN, trong đó có Việt Nam và 4 nước đối tác là Trung Quốc, Nhật Bản, Australia và New Zealand nộp lưu chiểu văn kiện phê duyệt/phê chuẩn Hiệp định RCEP của mình cho Tổng Thư ký ASEAN. Như vậy, Hiệp định RCEP chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2022.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận