Đô thị

Chuyên gia hiến kế giảm ùn tắc do lô cốt ở Hà Nội

16/11/2022, 06:32

Thi công ở những đô thị, đặc biệt là đô thị trọng điểm như Hà Nội với mật độ giao thông lớn, nên hạn chế làm ban ngày, tập trung vào ban đêm.

Tình trạng ùn tắc nghiêm trọng trên đường Nguyễn Xiển (Thanh Xuân), Vũ Trọng Khánh (Hà Đông) kéo dài nhiều ngày qua khiến người tham gia giao thông rất khổ sở, song đến nay vẫn chưa có giải pháp cụ thể nào của đơn vị thi công khắc phục.

Đường tắc vẫn hoàn tắc

img

Đường Nguyễn Xiển vẫn ùn tắc nghiêm trọng dù không phải khung giờ cao điểm. Ảnh: Tạ Hải

Chiều 12/11, có mặt trên đường Nguyễn Xiển (Thanh Xuân), PV Báo Giao thông tiếp tục ghi nhận cảnh ùn tắc kéo dài dù không phải khung giờ cao điểm (3h40).

Tại đây, người tham gia giao thông phải trải qua 4 điểm quây tôn nằm đối diện chung cư Eco Green City, chung cư Housinco Premium, số 300 và 306 đường Nguyễn Xiển (được Sở GTVT Hà Nội cấp phép rào đường từ ngày 5/11/2022 tới 3/5/2023 để triển khai thi công). Bên trong công trường rào chắn, hệ thống máy móc chuyên dụng đã được huy động tới nhưng vẫn chỉ lác đác công nhân thi công.

Anh Tạ Hữu Hiệp lưu thông từ cơ quan ở Ba Đình qua tuyến đường trên bức xúc: “Nay ngày cuối tuần, đi vào giờ thấp điểm mà tôi không nghĩ lại ùn tắc, vất vả thế này. Di chuyển một đoạn đường chưa đầy 1km mất hơn 30 phút. Lượng phương tiện khổng lồ nhưng có 4m để di chuyển, đa phần xe máy qua được phải đi lên vỉa hè.

Một tuần qua lưu thông trên tuyến đường này tôi và hàng vạn người đi đường cảm giác như “cực hình”, ám ảnh. Thực tế, ở đây chưa thấy giải pháp chống ùn tắc nào được thực thi. Trên tuyến đường cũng chỉ có thêm CSGT, TTGT phân luồng thủ công. Hệ thống rào chắn vẫn quây tôn chiếm 2/3 lòng đường”.

Cách đó không xa, trên đường Vũ Trọng Khánh (Hà Đông), hợp phần của dự án thoát nước thải Yên Xá tồn tại hàng chục lô cốt vẫn đang án ngữ. Đáng nói, các vị trí quây rào chiếm 2/3 lòng đường nhưng bên trong công trường không một bóng công nhân thi công.

“Đây là tuyến đường nối để người dân lưu thông qua đường Tố Hữu - Lê Văn Lương, hàng ngày giao thông ở đây vốn đã đông đúc, giờ họ rào chắn cả chục vị trí rồi “đắp chiếu” để đấy. Chỉ có người dân qua đây là vất vả, khổ sở”, chị Bùi Thu Thủy, người dân trên tuyến đường cho hay.

Tìm hiểu của PV, bên cạnh xây dựng Nhà máy Xử lý nước thải Yên Xá, dự án còn đặt 52km đường cống ngầm ở các quận, huyện: Thanh Xuân, Đống Đa, Ba Đình, Cầu Giấy, Hoàng Mai, Hà Đông, Thanh Trì để dẫn nước thải. Do vậy, tới đây không chỉ những tuyến đường nói trên, hàng loạt tuyến đường phố sẽ bị rào chắn để thi công dự án.

Gần nhất, theo thông tin của PV, đơn vị thi công sẽ tiếp tục xin giấy phép rào chắn thi công, dọc đường Nguyễn Xiển - Nguyễn Trãi về Trần Phú (Hà Đông), trung bình 150 - 200m sẽ có một giếng công trình. Cao điểm dự kiến có khoảng 10 điểm quây tôn trong cùng một thời điểm. Mỗi điểm thi công kéo dài nhanh nhất 7 - 8 tháng.

Giám sát chặt, đôn đốc đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Bùi Danh Liên, Phó chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho biết, trước đó, người dân không nhận được thông báo rằng sẽ quây tôn để thi công, cho thấy sự thiếu trách nhiệm của đơn vị thi công cùng cơ quan chức năng.

“Đơn vị thi công, thiết kế phải rà soát để giảm thiểu diện tích chiếm dụng lòng đường. Trong đó, cần xem lại từ bản vẽ thiết kế cho đến quá trình tổ chức thi công với phương án quây rào 2/3 lòng đường đã hợp lý chưa.

Nếu bất hợp lý, cần thu hẹp, trả lại lòng đường cho người dân. Còn nếu không thể thu hẹp rào chắn do yêu cầu thi công, yêu cầu kỹ thuật, đảm bảo an toàn công trình… phải có phương án tổ chức phân luồng giao thông từ xa, công bố thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân được biết, chủ động thay đổi lộ trình”, ông Liên nói.

Cùng quan điểm, kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng, Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng, lãnh đạo TP Hà Nội cần có sự giám sát chặt chẽ, đôn đốc đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ theo từng giai đoạn, sớm thu hẹp rào chắn trả lại lòng đường.

“Thi công ở những đô thị, đặc biệt là đô thị trọng điểm như Hà Nội với mật độ giao thông lớn, nên hạn chế làm vào ban ngày, tập trung vào ban đêm. Phải làm rất khẩn trương, huy động máy móc hiện đại, nhân lực lớn để rút ngắn thời gian”, ông Tùng nói.

Ông Bùi Danh Liên cho rằng, đơn vị thi công cần bố trí lực lượng kết hợp cùng CSGT và TTGT hướng dẫn phân luồng đảm bảo ATGT, tránh gây ùn tắc. Chính quyền địa phương phải mạnh tay xử lý những trường hợp người dân bán hoa, cây cảnh, lấn chiếm vỉa hè, vi phạm trật tự đô thị trên đường Nguyễn Xiển và đặc biệt tại khu vục rào chắn thi công.

TS. Nguyễn Xuân Thủy, chuyên gia giao thông nói thêm: “Chính quyền Thủ đô cần yêu cầu các đơn vị thi công xây dựng đúng tiến độ, nếu chậm trễ phải xử lý quyết liệt. Các dự án đường sắt trên cao là bài học lớn dành cho Hà Nội, không thể cứ mãi chậm, đội vốn, hao hụt ngân sách Nhà nước, còn người dân thì chịu cảnh “bò” ra đường”.

Dự án Nhà máy Xử lý nước thải Yên Xá có tổng diện tích 13,8ha, có tổng mức đầu tư hơn 800 triệu USD (tương đương hơn 16.000 tỷ đồng) do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình Hạ tầng kỹ thuật và nông nghiệp thành phố Hà Nội làm chủ đầu tư.

Dự án trọng điểm này được khởi công xây dựng từ đầu tháng 10/2016, dự kiến được bàn giao vào năm 2022. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, dự án vẫn đang bị chậm tiến độ so với kế hoạch đề ra.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.