Sáng 10/3, tại hội thảo “mở visa, phục hồi du lịch” do báo Thanh Niên tổ chức, các chuyên gia đều cho rằng, một trong những nút thắt quan trọng để phát triển du lịch là mở rộng đối tượng miễn cấp visa du lịch và thời gian cấp visa kéo dài 5 - 10 năm để doanh nghiệp yên tâm kinh doanh.
Nhiều kiến nghị liên quan đến việc mở rộng đối tượng miễn visa khi nhập cảnh tại Việt Nam để thu hút du lịch
Kiến nghị miễn visa cho các thành viên EU và visa kéo dài 5-10 năm
Theo TS. Lương Hoài Nam, thành viên Hội đồng Tư vấn du lịch, sức khoẻ tài chính của các doanh nghiệp lữ hành, hàng không, khách sạn… hiện đang thua lỗ chồng chất. Ngay tại TP.HCM biết bao khách sạn ế ẩm, lỗ không cầm cự được đang phải rao bán. Nói như Chủ tịch HĐQT Vietravel Nguyễn Quốc Kỳ "ngành du lịch đến nay đã như con chim không còn cọng lông nào", rất thê thảm.
TS. Lương Hoài Nam cũng cho rằng, cần coi chính sách visa là công cụ cạnh tranh, thu hút khách du lịch quốc tế và luôn luôn theo dõi, điều chỉnh chính sách visa để đảm bảo tính cạnh tranh so với các nước khác.
Cụ thể, theo ông Nam, Việt Nam nên miễn visa cho tất cả các quốc gia thành viên EU và quyết định này nên kéo dài 5 năm/lần để doanh nghiệp du lịch yên tâm kinh doanh. Với một số nước lớn chưa miễn visa như Mỹ, Ấn Độ… cũng nên đưa ra chính sách cấp visa dài hạn 5 năm, thậm chí 10 năm bằng việc đàm phán song phương giữa các quốc gia.
"Ngoài ra, nên miễn visa cho các sự kiện mice (hội họp/kết hợp du lịch), golf, các phi hành đoàn có máy bay riêng là đối tượng siêu giàu… Chính sách visa chính là công cụ cạnh tranh du lịch quốc tế”, ông Nam nói.
Đồng quan điểm, Chủ tịch HĐQT Vietravel Nguyễn Quốc Kỳ cho biết, đến nay du lịch Campuchia đã đuổi kịp Việt Nam trong khi quốc gia này nhiều năm liền có tỉ lệ thấp hơn chúng ta. Nhiều nước lân cận đã đạt mức 10 - 30 triệu khách/năm còn chúng ta vẫn chưa thể phục hồi, vậy chúng ta có lạc hậu không?
“Để ngành du lịch không “bay la đà” tôi cho rằng nên mở cánh cửa visa du lịch. Có thể miễn visa cho nhiều nước và có chính sách visa gắn liền với các giai đoạn mục tiêu. Chẳng hạn giai đoạn này chúng ta muốn “đánh” qua thị trường du lịch Trung Quốc vậy có thể miễn visa trong 6 tháng. Sau thời gian này sẽ đánh giá để siết lại hoặc chính sách mới. Việc cởi mở trong vấn đề visa có thể dùng làm vũ khí kích thích thị trường”, ông Kỳ nói.
1 tỉ USD đã được chia lại cho các tour nhờ hàng miễn thuế
Ông Johnathan Hạnh Nguyễn - Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG) là người đã gắn bó với ngành hàng không 38 năm và hiện đang làm việc với 108 thương hiệu trên toàn thế giới.
Theo ông Hạnh Nguyễn, tất cả các nước có ngành du lịch phát triển trong khu vực như: Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc hay trên thế giới như Mỹ, các nước châu Âu... đều sử dụng mô hình factory outlet (trung tâm thương mại bán hàng giảm giá qua mùa) để thu hút du khách, tăng chi tiêu và doanh thu du lịch.
Như Singapore, Thái Lan và đảo Hải Nam của Trung Quốc là những điểm đến đang làm rất tốt việc "móc hầu bao" du khách. Đơn cử, đảo quốc Singapore có diện tích chỉ tương đương đảo Phú Quốc của Việt Nam, họ chọn "đánh thật mạnh" 4 loại hình du lịch để phát triển là mua sắm, vui chơi - giải trí, du lịch công việc và du lịch trải nghiệm.
Thái Lan có nét tương đồng về điều kiện thiên nhiên với Việt Nam, tuy nhiên khoảng cách ngành du lịch 2 nước còn rất lớn. Nguyên nhân, Thái Lan tập trung cải thiện về các loại hình dịch vụ, sản phẩm, nâng cao các trải nghiệm cho du khách. Du lịch mua sắm của Thái Lan có đầy đủ các mô hình, từ trung tâm thương mại trung cấp, cao cấp tại các trung tâm thành phố, trung tâm thương mại factory outlet hàng hiệu bán hàng qua mùa, tới cửa hàng miễn thuế dưới phố, mô hình ẩm thực đường phố cùng nhiều hoạt động bán lẻ đặc biệt khác như chợ vải, chợ thời trang…
Du lịch mua sắm Thái Lan góp phần tăng mạnh doanh thu chi tiêu quốc tế với tỷ lệ tăng trưởng kép 28,2% và du lịch sức khỏe đóng góp tới 4,7 tỉ USD trong năm 2020.
Đại tá Đặng Tuấn Việt, Phó cục trưởng Cục Quản lý Xuất nhập cảnh (XNC) Bộ Công an cho hay:
Với Evisa luật hoá thời gian thí điểm từ 4 năm rồi. Khách có thể ngồi bất kỳ đâu, chỉ cần khai thông tin đề nghị cấp thị thực điện tử với 25 USD và sau 3 ngày cục NXC có trách nhiệm trả kết quả. Người nước ngoài không phải chứng minh tài chính, hay nộp thêm bất kỳ khoản phí nào, kết quả sẽ được chuyển để cấp cho người nước ngoài nhập cảnh. Thống kê người nước ngoài từ 15/3/2022 đến nay, con số đạt được 213.000 người nhập cảnh thị thực bằng evisa. Nên tôi cho rằng chính sách của chúng ta cũng đã rất thuận lợi.
Ngay như chính sách đơn phương miễn thị thực tạm trú 15 ngày cho khách quốc tế, Chính phủ chỉ đạo có thể gia hạn tạm trú thêm 15 ngày. Tuy nhiên, theo thống kê thì không nhiều khách được gia hạn tạm trú. Vậy không phải chính sách không cho phép mà có sự hiểu nhầm không thống nhất trong chính sách.
Hay đảo Hải Nam tại Trung Quốc nằm gần Việt Nam, có đủ các yếu tố về điều kiện thiên nhiên để có thể phát triển gần như toàn bộ tất cả các loại hình dịch vụ, từ du lịch nghỉ dưỡng, mua sắm, khám phá, giải trí, y tế…
Chủ trương xây dựng đảo Hải Nam thành Khu thương mại tự do để thu hút đầu tư và du lịch, thúc đẩy hơn nữa nhiều ngành nghề phát triển. Nơi đây có các trung tâm mua sắm miễn thuế lớn nhất thế giới với khoảng 800 thương hiệu.
Năm 2020, hòn đảo này chỉ đón 200.000 khách. Số lượng du khách nội địa giảm từ 81,6 triệu xuống 64,3 triệu. Song, nhờ chính sách tăng hạn ngạch mua sắm miễn thuế đối với du khách trong nước, doanh thu du lịch và doanh thu miễn thuế tăng 30% so với năm trước đại dịch. Đồng thời, GDP của Hải Nam tăng 4,2% và gấp 2 lần so với tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc là 2,3%.
Vậy với Việt Nam, ông Hạnh Nguyễn đề xuất mô hình liên kết giữa các cửa hàng miễn thuế và các doanh nghiệp phục vụ ngành du lịch như lữ hành và hàng không. Theo đó, các hãng hàng không sẽ "bắt tay" với lữ hành để giảm giá vé, đưa khách tới các trung tâm mua sắm miễn thuế. Với mỗi đoàn khách, đơn vị kinh doanh cửa hàng miễn thuế sẽ bù trừ lại 10% cho doanh nghiệp lữ hành.
Mô hình này đã được chúng tôi thực hiện tại Hàn Quốc, Nhật Bản. Riêng tại trung tâm mua sắm Lotte ở Seoul - Hàn Quốc, doanh thu đến từ mua sắm đạt 10 tỉ USD, nếu chia 10% cho các công ty lữ hành thì họ sẽ được nguồn hỗ trợ tài chính tới 1 tỉ USD.
"Đây là nguồn lực rất lớn cho các hãng lữ hành nhanh chóng vực dậy. Khách quốc tế sẽ đổ về Việt Nam, các hãng hàng không, khách sạn, nhà hàng cũng sẽ lập tức hồi phục", ông Johnathan Hạnh Nguyễn nhấn mạnh.
Sản phẩm dịch vụ, mua sắm vẫn là yếu tố quyết định
Ông Dương Anh Đức, Phó chủ tịch UBND TP.HCM cho rằng, visa cũng chỉ là một yếu tố trong du lịch. Nhưng các ý kiến của doanh nghiệp, ngành hàng không… cho thấy, việc mở rộng đối tượng du lịch là cần thiết và chính sách cần ổn định để doanh nghiệp có điều kiện để phát triển.
Ông Đức cũng nhấn mạnh, việc tăng cường áp dụng evisa là điều rất cần thiết, phải nghiên cứu đầy đủ luật pháp Việt Nam. Ngoài ra bản thân dịch vụ cần phải được nâng cấp, liên kết và chia sẻ. Hiện nay chúng ta đã thua xa Thái Lan? Vì chúng ta mạnh người nào người đó làm.
"Ông Hạnh Nguyễn nói rất hay, rất đúng về việc thu hút du lịch cần có sự liên kết giữa các công ty lữ hành trong nước và quốc tế. Chúng ta nói người Trung Quốc họ sang Việt Nam tiêu rất ít nhưng tại sao đi châu Âu lại tiêu rất nhiều tiền. Hay như sang Thái Lan câu đầu tiên nói về du lịch không phải giá tour bao nhiêu mà họ tiêu bao nhiêu tiền ở quốc gia đó. Nên du lịch cần gắn chặt với sản phẩm, dịch vụ, mua sắm…", ông Đức nói.
Ông Trần Phú Cường, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Tổng cục Du lịch cũng đồng tình quan điểm ngoài visa, cần có nhiều sản phẩm, dịch vụ hơn nữa để thu hút du lịch. Đặc biệt, ông đồng tình quan điểm thay vì cấp visa 1-3 năm cần kéo dài hơn nữa chẳng hạn là 5 năm mới đủ thời gian để doanh nghiệp xây dựng sản phẩm và phát triển.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận