Hạ tầng

Chuyên gia hiến kế phát triển hạ tầng giao thông

26/01/2017, 05:45

Để giải quyết vấn đề này, Nhà nước cần dành nguồn kinh phí đủ lớn để ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông.

12

Thi công cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi thuộc tuyến cao tốc Bắc - Nam 

Để kiến tạo và phục vụ tốt người dân và doanh nghiệp, ngành GTVT cần tiếp tục đột phá trong đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, trong đó ưu tiên đặc biệt cao tốc Bắc - Nam, CHK quốc tế Long Thành, đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam…

Tiếp tục nâng cấp QL1, sớm xây dựng cao tốc Bắc - Nam

Với tinh thần “Đi trước mở đường”, giai đoạn 2011-2016, ngành GTVT đã đưa vào khai thác, sử dụng khoảng 300 công trình giao thông lớn. Điển hình là hai đại dự án nâng cấp, mở rộng QL1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên. Cùng đó, là hàng loạt tuyến cao tốc hiện đại như: Nội Bài - Lào Cai, TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây… góp phần thúc đẩy giao thương, phát triển KT-XH đất nước.

Đánh giá cao những kết quả đó, tuy nhiên, chia sẻ với Báo Giao thông, các chuyên gia cho rằng, những năm tới hạ tầng giao thông vẫn cần nhiều hơn sự đột phá. Theo PGS. TS. Nguyễn Văn Thụ, nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch và Quản lý giao thông, những năm gần đây, dù ngành GTVT xây dựng được nhiều tuyến đường cao tốc, nhưng chủ yếu là các tuyến có cự ly ngắn. Ngoài ra, hệ thống đường sắt Bắc - Nam hiện vẫn ở thế độc tuyến, chưa tạo được các liên kết dạng mạng và còn thiếu những tuyến đường sắt dẫn tới các khu kinh tế.

"Tình trạng ùn tắc tại hai đô thị lớn nhất cả nước là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh hiện rất căng thẳng, gây lãng phí cho Nhà nước hàng chục nghìn tỷ đồng mỗi năm. Để giải quyết vấn đề này, Nhà nước cần dành nguồn kinh phí đủ lớn để ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông."

TS. Nguyễn Xuân Thủy

“Để tạo đột phá trong lĩnh vực kết cấu hạ tầng giao thông, ngành GTVT phải khẩn trương xây dựng và hoàn chỉnh tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam, kết nối các vùng miền, các trung tâm kinh tế và sớm đầu tư tuyến đường sắt Bắc - Nam tốc độ cao”, ông Thụ nói và cho rằng, thời gian tới, ngành GTVT cần tập trung đầu tư vào hạ tầng đường sắt, ít nhất là phải nâng cấp tuyến đường sắt Bắc - Nam từ khổ 1m lên khổ 1.435mm và sớm triển khai xây dựng dự án đường sắt tốc độ cao tuyến Bắc - Nam.

Tương tự, ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam chia sẻ, những năm tới, ngành GTVT cần quyết liệt để tiếp tục nâng cấp hai tuyến đường có vai trò rất quan trọng là QL1 và QL14, đảm bảo tất cả các đoạn trên toàn tuyến đủ bốn làn xe chạy, dải phân cách cứng và có khả năng ứng phó với những tình huống xấu do thời tiết gây ra như: Nắng nóng, lũ lụt. “Đặc biệt, ngành GTVT cần tiếp tục đầu tư để đến năm 2020, cả nước phải có ít nhất 2.000km đường cao tốc, trong đó, tuyến cao tốc Bắc - Nam chạy song song với QL1 cần được ưu tiên triển khai trước”, ông Thanh nói.

Bên cạnh đó, ông Thanh cho rằng, ngành GTVT cần tiếp tục đầu tư các tuyến đường ngang quy mô tối thiểu hai làn xe để nối QL1 với đường Hồ Chí Minh, đảm bảo an toàn cho các phương tiện lưu thông. “Nếu để hai tuyến đường này biệt lập sẽ rất gay go, chúng ta phải đầu tư sớm, kể cả tính toán phương án huy động nguồn lực để làm BOT. Tuy nhiên, khi làm đường bằng hình thức BOT, ngành GTVT phải lấy ý kiến rộng rãi các cơ quan chức năng, người dân nơi tuyến đường đi qua, kết hợp tuyên truyền, giải thích và phải có giải pháp quản lý thật tốt các dự án BOT”, ông Thanh nói và khẳng định, chỉ có nâng cao năng lực hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, lĩnh vực vận tải và nền kinh tế, đất nước mới phát triển được.

Đầu tư cho giao thông không bao giờ lỗ

Từng gắn bó nhiều năm với ngành GTVT, TS. Nguyễn Xuân Thủy (chuyên gia giao thông) cho biết, những năm qua, ngành GTVT đầu tư rất mạnh mẽ vào lĩnh vực hạ tầng đường bộ và hàng không, trong khi đường sắt và đường thủy nội địa được đầu tư không nhiều. Các đoạn tuyến trên cao tốc Bắc - Nam cần sớm đầu tư để nối thông toàn tuyến. Còn lại, các tuyến cao tốc khác cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng về nhu cầu hàng hóa, hành khách, nếu thật cần thiết mới đầu tư xây dựng. Theo ông Thủy, để đảm bảo quá trình lưu thông hàng hóa, hành khách và hiệu quả vốn đầu tư cao nhất, thời gian tới, ngành GTVT phải tiếp tục chiến lược đầu tư đường sắt, đường biển và đường thủy.

“Lĩnh vực đường biển, chúng ta đã có đội tàu trên dưới 4 triệu tấn, đường thủy nội địa cũng có hàng nghìn tuyến đường sông trải dài từ Bắc vào Nam. Do vậy, ngành GTVT cần tận dụng năng lực của đội tàu biển, năng lực của các cảng ven biển để vận chuyển hàng hóa trên trục Bắc - Nam và vận chuyển quốc tế, chú trọng phát triển logistics, giảm bớt các thủ tục và phí không cần thiết. Nếu làm tốt, đường biển và đường sông sẽ giảm chi phí vận tải rất lớn và cạnh tranh sòng phẳng với vận tải đường bộ. Từ đó, giảm bớt việc phải đầu tư nhiều vào đường bộ với chi phí đắt đỏ”, ông Thủy nói và cho biết, cần tính toán hợp lý để huy động vốn tư nhân để làm bằng hình thức BOT phát triển đường biển và đường sông.

Với đường sắt, ngành GTVT cần sớm đầu tư để từng bước nâng cấp tuyến đường sắt Bắc - Nam từ khổ 1m lên 1.435mm và nâng cấp từ khổ đường đơn thành khổ đường đôi, đồng thời cải tạo các ga, hệ thống thông tin tín hiệu, cầu đường sắt trên tuyến Bắc - Nam. “Có thể tiến hành làm cuốn chiếu, làm đoạn nào xong đoạn đó. Đối với đội tàu, trước hết, chúng ta sẽ cho chạy những đầu máy diesel, rồi từng bước tiến tới điện khí hóa. Với cách làm như vậy, trong khoảng 10 - 15 năm, chúng ta sẽ nâng cấp được tuyến đường sắt Bắc - Nam, lúc đó, sản lượng khai thác sẽ tăng gấp 4-5 lần so với hiện nay. Khi đường sắt khai thác tốt sẽ cạnh tranh được với đường bộ và hàng không về vận chuyển hành khách trên tuyến Bắc - Nam”, ông Thủy chia sẻ.

Đối với hàng không, ngành GTVT tiếp tục phải phát triển chứ không thể ngừng được vì đòi hỏi của người dân là cần đi nhanh, đi với tiện nghi tốt. “Chúng ta phải đẩy nhanh tiến độ xây dựng sân bay Long Thành và mở rộng sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất, đồng thời, nâng cấp, củng cố các sân bay khác. Tuy nhiên, cũng phải lưu ý cần hạn chế xây dựng các sân bay mới, không thể để mỗi tỉnh làm một sân bay sẽ gây lãng phí lớn”, ông Thủy cho hay.

Đưa ra quan điểm “Đầu tư cho hạ tầng giao thông không bao giờ lỗ nếu biết tính toán”, bà Bùi Thị An (ĐBQH khóa 13) cho rằng, ngành GTVT cần hoàn chỉnh hệ thống đường bộ, nhất là các tuyến theo trục dọc Bắc - Nam. Đối với đường sắt cần được đầu tư hệ thống đường xương cá để kết nối đường bộ với hệ thống các cảng biển để giảm tải cho đường bộ. “Tôi luôn ủng hộ chủ trương xây dựng sân bay Long Thành nhưng cũng cần đánh giá khách quan trước khi triển khai. Nếu biết tính toán, đầu tư cho giao thông không bao giờ lỗ, bởi giao thông có đi trước, kinh tế đất nước mới phát triển”, bà An nói. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.