Người dân Việt còn rất dễ dãi trong việc lựa chọn thực phẩm an toàn |
Ngày 10/8, Trung ương Hội chữ thập đỏ Việt Nam vừa phối hợp với Cục ATTP, Bộ Y tế cùng sự đồng hành của nhãn hàng sữa Abbott Hoa Kỳ tổ chức hội thảo “Sức khỏe và ATTP đối với cộng đồng” nhằm giúp người tiêu dùng nâng cao nhận thức về vai trò của ATTP thông qua bữa ăn hàng ngày.
Theo ông Đinh Quang Minh, Phó giám đốc trung tâm ứng dụng và đào tạo ATTP, Cục ATTP, Bộ Y tế, người dân Việt còn rất dễ dãi trong việc lựa chọn thực phẩm nên thực phẩm "bẩn” mới có đất để sống. Trong nông nghiệp, nước ta sử dụng khoảng 110 nghìn tấn hoá chất bảo vệ thực vật. Trong chăn nuôi sử dụng thức ăn có chất cấm để trục lợi như chất tạo nạc trong thịt lợn. Những chất tạo nạc Salbutamol hay Chiebutarol có thể khiến cơ thể con người bị nhiễm độc gây rối loạn tiêu hoá, tuần hoàn, thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng. Còn trong nuôi trồng thuỷ sản, hiện vẫn tồn tại việc lạm dụng kháng sinh. Chưa kể có trên 500 nghìn cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm chủ yếu thủ công, lạc hậu.
"Không ở đâu "kỳ lạ" như ở nước ta quán nào bẩn bẩn, đông đông thì lại càng đông khách. Nhiều người cho rằng chỉ cần ngon, bổ, rẻ mà không quan tâm tới ATTP”, ông Minh cho biết.
Thống kê của Cục ATTP, Bộ Y tế, trong 6 tháng đầu năm, cả nước đã kiểm tra tại 443.178 cơ sở, phát hiện 81.115 cơ sở vi phạm, chiếm 21,6%, có 7.546 cơ sở bị xử lý. Cùng với áp dụng hình thức phạt tiền, tổ chức, cá nhân vi phạm còn bị xử phạt bổ sung và buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả: 299 cơ sở bị đình chỉ hoạt động; 303 loại thực phẩm bị đình chỉ lưu hành; 659 cơ sở có nhãn phải khắc phục; 3.749 cơ sở bị tiêu hủy sản phẩm với 4.175 loại thực phẩm bị tiêu hủy do không đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm...
Theo ông Minh, bên cạnh nỗ lực của lực lượng chức năng, thì chính người dân cũng cần nâng cao ý thức trong việc chủ động thực phẩm an toàn. Theo đó, cần lưu ý 10 nguyên tắc chế biến thực phẩm an toàn. Cụ thể, trước hết cần chọn thực phẩm an toàn (có xuất xứ, nguồn gốc); nấu chín kỹ thức ăn thực hiện ăn chín, uống sôi, ngâm kỹ, rửa sạch, gọt vỏ trước khí ăn; Ăn ngay sau khi nấu; Bảo quản cẩn thận thức ăn đã nấu chín. Trẻ em không nên cho ăn thực phẩm đã bảo quản nên ăn ngay. Không nên để số lượng lớn thực phẩm trong tủ lạnh hoặc thực phẩm nấu chin không đủ độ lạnh nhanh cần thiết; Nấu lại thức ăn thật kỹ; Tránh tiếp xúc giữa thức ăn sống và chín; Rửa tay sạch sau khi chế biến thực phẩm, trong lúc chế biến, đi vệ sinh. Nếu tay có vết thương phải che kín vết thương trước khi chế biến thực phẩm; Giữ sạch các bề mặt chế biến; Che đậy thực phẩm tránh côn trùng và động vật; cuối cùng là sử dụng nguồn nước sạch
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận