Từ lâu Mỹ đã lo ngại Trung Quốc đang tăng cường sức mạnh tên lửa đến mức tinh vi
|
Việc Mỹ rút khỏi Hiệp ước về các Lực lượng Hạt nhân tầm trung (INF) được ký với Nga từ thời Chiến tranh Lạnh Nga có thể mở ra nhiều lựa chọn cho Lầu Năm Góc để cải thiện năng lực đối trọng trước sức mạnh tên lửa đang ngày càng tinh vi của Trung Quốc. Nhưng nếu không khéo, nó có thể tạo ra cuộc đua vũ trang, làm leo thang căng thẳng tại Châu Á-Thái Bình Dương.
Từ cách ông Trump giải thích lý do rút khỏi thỏa thuận này có thể thấy, ông không chỉ trích một mình Nga vi phạm hiệp ước mà chĩa "búa rìu" sang cả Trung Quốc.
Theo ông chủ Nhà Trắng, Bắc Kinh không phải là một bên trong hiệp ước INF nhưng đã và đang triển khai các lực lượng tên lửa mới và nguy hiểm hơn như tên lửa đạn đạo tầm trung với tầm xa tối đa 4.000 km mà Lầu Năm Góc lo ngại có thể đe dọa các lực lượng trên biển và đất liền của Mỹ ở tận đảo Guam.
“Trong khi Nga đang phát triển tên lửa, Trung Quốc cũng vậy mà Mỹ vẫn phải nhất nhất tuân thủ thỏa thuận, đó là điều không thể chấp nhận” - ông Trump nói.
Không phải đến bây giờ mà từ nhiều năm trước, giới chức Mỹ đã cảnh báo, Mỹ đang rơi vào tình thế bất lợi khi Trung Quốc tăng cường phát triển các lực lượng tên lửa ngày càng tinh vi đến mức Lầu Năm Góc khó có thể đuổi kịp, chỉ vì vẫn phải tuân thủ hiệp ước hạt nhân với Nga.
Ông Dan Blumenthal, cựu quan chức Lầu Năm Góc hiện đang làm việc tại Viện Nghiên cứu Chính sách Cộng đồng của Mỹ - AEI, cho biết, việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận có thể mở đường cho Washington dễ dàng triển khai tên lửa thông thường, di động, dễ dàng che giấu tới những nơi như đảo Guam và Nhật Bản.
Đồng nghĩa, Trung Quốc sẽ phải cân nhắc kỹ hơn nếu muốn thực hiện cuộc tấn công trước nhắm vào tàu chiến và căn cứ quân sự của Mỹ trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Nhưng nó cũng đẩy Bắc Kinh vào cuộc đua vũ trang đắt đỏ, chi tiêu nhiều hơn vào hệ thống phòng vệ tên lửa. “Về cơ bản, nó sẽ làm thay đổi bức tranh sức mạnh quân sự” - ông Blumenthal nói.
Mặt khác, theo bà Kelly Magsamen, cựu quan chức từng tham gia thiết lập chính sách Châu Á của Lầu Năm Góc dưới thời ông Barack Obama, cảnh báo mọi chính sách triển khai tên lửa mới của Mỹ tại Châu Á đều cần có sự hợp tác cẩn thận với các đồng minh. Nhưng, thực tế có lẽ chưa được như vậy.
Bà Magsamen lo ngại, nếu các nước trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương hiểu không đúng việc Mỹ quyết định rút khỏi INF, thì nó có thể gây ra bất ổn an ninh trong khu vực.
Chưa kể, giới chức Mỹ cũng cảnh báo, Trung Quốc có thể gây áp lực lên một số nước trong khu vực để từ chối yêu cầu đặt tên lửa của Mỹ tại nước sở tại.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận