Hải quân Nhật Bản - Mỹ trong một cuộc diễn tập - ảnh minh họa.
Báo chí Nga dẫn nhận định của các nhà phân tích cho rằng, sự can thiệp của Nhật Bản vào tranh chấp Biển Đông có thể làm xấu đi mối quan hệ của họ với Trung Quốc, nhưng sẽ không dẫn đến sự thụt lùi nghiêm trọng trong quan hệ với chính quyền Bắc Kinh.
Báo Sputnik dẫn lời các chuyên gia cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến Nhật Bản gia tăng sức ép lên Trung Quốc trong vấn đề này là ý muốn thể hiện lòng trung thành với chính quyền Joe Biden và củng cố vị thế của Tokyo trong nhóm Bộ tứ Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Báo Nga chỉ ra, trong những năm gần đây, tại các hội nghị thượng đỉnh G7, Nhật Bản đã ủng hộ lập trường của các đối tác phương Tây lên án chính sách của Trung Quốc ở Biển Đông.
Năm 2016, Tòa án Trọng tài Thường trực (PCA) tại La Hay đã đưa ra phán quyết về vấn đề này. Sau đó, Hoa Kỳ, Australia, Anh, Pháp và Đức, Indonesia, Việt Nam, cũng như Philippines, nước đã đệ đơn kiện lên PCA, đã gửi công hàm lên LHQ.
Trước đây, Tokyo cũng đã kêu gọi Bắc Kinh công nhận phán quyết của Tòa án La Hay. Vào tuần này, Nhật Bản đã sử dụng diễn đàn LHQ để thu hút sự chú ý đến vấn đề Biển Đông.
Dẫn báo cáo của trang South China Morning Post, báo Nga cho biết, ngày 19/1, phái đoàn thường trực của Nhật Bản tại LHQ đã gửi công hàm tới Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres, cáo buộc Trung Quốc vi phạm Công ước LHQ về Luật Biển ở vùng Biển Đông.
Trong một ghi chú, Nhật Bản cũng cáo buộc Trung Quốc hạn chế quyền tự do hàng hải và hàng không trên Biển Đông.
Chuyên gia Vladimir Evseev của Viện Nghiên cứu Chiến lược Nga (RISI) cho rằng Nhật Bản và một số nước trong khu vực sẽ tìm cách kéo chính quyền Joe Biden về phía mình để giải quyết các vấn đề của họ.
Vị chuyên gia cũng lưu ý đến khía cạnh này khi bình luận về việc Nhật Bản can dự vào tranh chấp tại Biển Đông.
“Đối với Nhật Bản, việc triển khai chính sách chống lại (bá quyền ở Biển Đông) của Trung Quốc là cực kỳ quan trọng, đó là lý do tại sao nước này nhắc nhở về mối đe dọa từ Trung Quốc trong bức công hàm gửi lên Liên Hiệp Quốc.
Các đồng minh của Hoa Kỳ ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, không chỉ Nhật Bản mà cả Hàn Quốc, đều có những vấn đề nghiêm trọng với Trung Quốc. Một số đối tác của Hoa Kỳ trong khu vực Biển Đông cũng gặp phải những vấn đề tương tự.
Do đó, hiện nay các đồng minh của Mỹ ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương sẽ ngày càng tích cực nêu lên vấn đề Trung Quốc để biến chủ đề này thành một ưu tiên quan trọng trong chính sách đối ngoại của chính quyền tân Tổng thống Mỹ Joe Biden, để áp lực của Mỹ lên Trung Quốc giúp họ giải quyết các vấn đề với nước này.
Trump đã theo đuổi chính sách khá cứng rắn nhằm gây sức ép không chỉ với Trung Quốc mà còn với các đồng minh của Mỹ trong khu vực. Họ đã phàn nàn rằng, ông Trump đã không tính đến lợi ích của các đồng minh.
Bây giờ các đồng minh của Mỹ yêu cầu để các lợi ích của họ được tính đến đầy đủ. Họ sẽ cố gắng thuyết phục Biden và các thành viên trong chính quyền của ông rằng, Mỹ nên ủng hộ tích cực hơn các chính sách của họ để tăng cường quan hệ đồng minh.
Để có như vậy các nước đồng minh phải thể hiện sự trung thành với Hoa Kỳ, kể cả trong việc kiềm chế Trung Quốc. Nhưng điều này không phải lúc nào cũng phù hợp với lợi ích quốc gia của Mỹ, bởi vì mối quan hệ Mỹ-Trung xấu đi có thể tạo ra nhiều vấn đề cho người Mỹ. Vì vậy, chính quyền Biden sẽ phải đối mặt với lựa chọn khó khăn”.
Cũng theo chuyên gia Nga, Nhật Bản có thể chọn lựa giữa kinh nghiệm của mình và kinh nghiệm của Australia trong việc xây dựng quan hệ với Trung Quốc. Tokyo có thể cứ theo kinh nghiệm sẵn có của Australia.
Do chính sách ngoại giao thiển cận, quốc gia này đã phá hỏng nghiêm trọng các mối quan hệ kinh tế với đối tác thương mại chính của mình. Can thiệp vào tranh chấp Biển Đông sẽ dẫn đến một viễn cảnh như vậy.
Trong khi đó, Tokyo vẫn nhất quán phát triển quan hệ kinh tế và thương mại với Bắc Kinh bất chấp tranh chấp lãnh thổ ở biển Hoa Đông và những bất đồng lịch sử.
Trung Quốc và Nhật Bản vẫn là đối tác thương mại chính của nhau trong khu vực và đang cố gắng sử dụng một cách khôn ngoan thành quả này để hình thành các mối quan hệ chính trị ổn định.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận