Hệ thống tên lửa phòng không S-400
Mỹ sẽ không từ bỏ mối quan hệ với Ấn Độ chỉ vì việc quốc gia châu Á này mua hệ thống phòng không S-400 của Nga.
Lý do rất đơn giản bởi vì Washington đang muốn các nước láng giềng của Trung Quốc như Ấn Độ chống lại Bắc Kinh và New Delhi là đồng minh của Mỹ trong vấn đề này, chuyên gia Kirill Kotkov người đứng đầu Trung tâm Nghiên cứu về Viễn Đông của Nga cho hay.
Việc chuyển giao các hệ thống S-400 Triumph đầu tiên của Nga cho Ấn Độ sẽ diễn ra vào khoảng từ tháng 10 đến tháng 12/2021.
Interfax dẫn nguồn tin từ Tổng giám đốc tập đoàn vũ khí Nga Rosoboronexport, ông Alexander Mikheev, cho biết, hiện Nga đang tiến hành đào tạo các chuyên gia Ấn Độ.
Hợp đồng về hệ thống phòng không S-400 giữa Moscow và New Delhi đã được ký kết từ tháng 10/2018.
Mỹ đã nhiều lần lên tiếng phản đối việc các đồng minh của mình khi mua vũ khí của Nga và thậm chí còn xem xét vấn đề áp dụng các biện pháp trả đũa theo luật chống lại các đối thủ của Mỹ thông qua các biện pháp trừng phạt.
Vì vậy, trước đó chính quyền Ankara đã phải chịu những quy định hạn chế của Washington do việc mua S-400. Hiện giới lãnh đạo Mỹ đang quyết định có nên áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Ấn Độ vì việc mua các tổ hợp của Nga hay không.
Chuyên gia Kirill Kotkov lưu ý rằng New Delhi hiện đang ngồi trên “hai chiếc ghế”. Tuy nhiên, trên thực tế Ấn Độ đã có mối quan hệ mua bán vũ khí từ thời Liên Xô và vào thời điểm đó Ấn Độ đã tự nhận mình là quốc gia dân chủ nhất ở Nam Á.
"Ấn Độ hợp tác với Mỹ nhưng điều này cũng không ngăn cản Ấn Độ làm bạn với Liên Xô và tình bạn này đã rất thành công đối với cả hai quốc gia. Ấn Độ thậm chí sau đó đã có những đối thủ như Pakistan và cả Trung Quốc kể từ năm 1962", chuyên gia Kirill Kotkov giải thích trong một cuộc phỏng vấn với biên tập viên của tạp chí Chính Trị Nga.
Theo chuyên gia Kirill Kotkov, Moscow và New Delhi không có đường biên giới chung, các mâu thuẫn địa chính trị của cả hai quốc gia không thể xảy ra theo bất kỳ cách nào. Do đó, cả hai nước đều có lợi khi hợp tác với nhau và có thể ký kết các thỏa thuận kể cả về mặt quân sự.
Theo các chuyên gia quân sự, Ấn Độ không thể làm hỏng mối quan hệ với Mỹ vì quốc gia này cũng là đồng minh chống lại Trung Quốc. Nhiệm vụ của người Mỹ là tạo ra một vành đai bất ổn xung quanh Trung Quốc và khiến các nước láng giềng chống lại Bắc Kinh.
New Delhi và Bắc Kinh có vùng lãnh thổ tranh chấp lớn nhất ở phần phía tây và phía đông của biên giới Trung-Ấn, mặc dù đã có nhiều nỗ lực nhằm giải quyết tình hình một cách hòa bình. Tuy nhiên, cho đến khi những vấn đề này được giải quyết, phía Ấn Độ vẫn sẽ ủng hộ Mỹ chống lại các sáng kiến của Trung Quốc.
Học giả Trung Quốc cho rằng cuộc đảo chính tháng 2 năm 2021 ở Myanmar đã dẫn đến làn sóng biểu tình trên khắp đất nước phản đối việc quân đội lên nắm quyền. Các cuộc biểu tình này theo ghi nhận của chuyên gia Kirill Kotkov, cũng nhằm để chống lại sự ảnh hưởng của Trung Quốc.
Vì vậy, ở vùng ngoại ô của thành phố lớn nhất của đất nước là Yangon, nơi đang có nhiều nhà máy Trung Quốc và các thành viên của chính phủ dân sự hoạt động ngầm, đã bị lực lượng chống đối cho nổ một đường ống dẫn khí đốt chạy từ bờ biển Myanmar đến tỉnh Vân Nam.
Được biết, Trung Quốc cũng bày tỏ sự không hài lòng với việc Nga cung cấp vũ khí cho Ấn Độ, liên quan đến quan hệ song phương khó khăn giữa hai nước và cuộc đối đầu năm ngoái trên ranh giới kiểm soát trên thực tế ở Ladakh.
Trước đó, nhà khoa học chính trị Boris Podoprigora lưu ý rằng việc Washington không có các hành động nhằm làm dịu quan hệ Trung-Mỹ đã khiến Bắc Kinh phải rất thận trọng xây dựng mối quan hệ tương tác với Moscow.
Do đó, trong thời gian sắp tới, nếu hai bên chuẩn bị có thỏa thuận thì chỉ hợp tác trong một số lĩnh vực nhất định.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận