Quân sự

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ thăm Trung Quốc trong thời điểm nhạy cảm để làm gì?

25/07/2020, 08:45

Nhà phân tích Nga đặt câu hỏi liệu Hoa Kỳ có chấp nhận đàm phán với người Trung Quốc thường xuyên hơn thay vì đối đầu để giành vì trí số một.

img
Ông Mark Esper.

Sẽ có chuyến thăm Trung Quốc vào cuối năm nay?

Thông tin về chuyến thăm Bắc Kinh tiền năng của ông Mark Esper xuất hiện trong bối cảnh quan hệ giữa hai nước đang ở trong giai đoạn khủng hoảng.

Tại hội thảo an ninh trực tuyến tuần này, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Mark Esper thông báo rằng ông dự định thăm Bắc Kinh trước khi kết thúc năm nay.

Trong bối cảnh tiếp diễn mâu thuẫn gay gắt giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc ở Biển Đông và eo biển Đài Loan, nhiều người thấy thông điệp trên là chuyện sốc khó tin. Chuyên gia phân tích người Nga Piotr Tsvetov đã có bình luận về điều này trên báo Sputnik.

Theo ông Piotr Tsvetov, nhiều chuyên gia đánh giá quan hệ Mỹ-Trung hiện tại là tồi tệ nhất trong toàn bộ lịch sử bang giao giữa hai nước.

Ngoài tranh cãi đả kích nhau bằng ngôn từ về chính sách của Trung Quốc tại Hồng Kông, Tân Cương, Tây Tạng, cuộc chiến thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, cả thế giới còn đang căng mình theo dõi tình hình ở Biển Đông và eo biển Đài Loan, nơi lực lượng hải quân và không quân của hai nước Mỹ-Trung đều đang triển khai mà khoảng cách giữa họ là rất nguy hiểm.

Hoa Kỳ coi hành động của Bắc Kinh ở khu vực này là bất hợp pháp, trong khi người Trung Quốc không chấp nhận như vậy mà khăng khăng rằng họ đang bảo vệ chủ quyền (phi pháp - PV) của mình.

Nhiều chuyên gia nói rằng hai nước đã đến sát lằn ranh mong manh nguy hiểm mà nếu vượt qua đó ắt hẳn sẽ nổ ra cuộc chiến nóng bỏng.

Vì vậy, theo chuyên gia Piotr Tsvetov, nhiều người đánh giá thông báo của ông Mark Esper như là tuyên bố về một bước đi nhằm ngăn chặn cuộc chiến thực sự này. Bản thân Bộ trưởng Mỹ thì giải thích rằng ông dự định đến Bắc Kinh để củng cố hợp tác trong các lĩnh vực có lợi ích chung, tạo lập những hệ thống cần thiết dành tháo gỡ khủng hoảng truyền thông và tăng cường dự định của Hoa Kỳ về cạnh tranh công khai trong hệ thống quốc tế.

Còn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng phản hồi tích cực với tuyên bố của người đứng đầu Bộ Quốc phòng Mỹ. Đại diện chính thức của cơ quan này bày tỏ hy vọng rằng Hoa Kỳ sẽ tạo ra bầu không khí đối thoại giữa hai cơ quan quân sự.

Sách "Cuộc đụng độ của các nền văn minh" đã dự đoán

img
Mỹ - Trung đang ở giai đoạn đối đầu căng thẳng.

Bất kể những tuyên bố đe dọa thường xuyên của giới quân sự hai nước, trên thực tế vẫn khó tin rằng Trung Quốc và Hoa Kỳ muốn để xảy ra chiến tranh.

Bởi nếu một cuộc giao đấu của hai người khổng lồ nổ ra sẽ khiến phần lớn nhân loại phải chịu thiệt hại, tương tự như ý tứ trong câu tục ngữ "trâu bò đánh nhau ruồi muỗi chết".

Hiện nay người Trung Quốc không muốn chiến tranh với Hoa Kỳ. Thứ nhất, bởi như vậy sẽ trái với nguyện vọng xây đắp quan hệ tốt với Mỹ, đất nước có thể giúp người Trung Quốc trước hết ở lối tiếp cận các công nghệ cao hiện đại.

Ngoài ra, Hoa Kỳ là thị trường khổng lồ đối với hàng tiêu dùng Trung Quốc. Và do đó, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc - ông Vương Nghị từng nhận xét:

"Trung Quốc và Hoa Kỳ có thể cạnh tranh, nhưng không nên là đối thủ mà các nước đều cần đến đối tác nhiều hơn".

Ông Piotr Tsvetov nói tiếp: Đối với Hoa Kỳ, Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh cả trên bình diện toàn cầu và khu vực.

Từ cách đây ba thập kỷ, trong cuốn "Cuộc đụng độ của các nền văn minh", triết gia kiêm nhà chính trị học nổi tiếng của Mỹ là Samuel Huntington đã đánh giá rằng cuộc xung đột giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc có cội nguồn văn minh sâu xa.

Tác giả Samuel Huntington dự đoán rằng đà tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc sẽ bị xem như là mối đe dọa đối với an ninh Mỹ. Nếu Hoa Kỳ muốn chấm dứt sự thống lĩnh của Trung Quốc ở Đông Á, thì cần tăng cường nhóm quân của mình trong khu vực này, kể cả ở Biển Đông.

Nếu Hoa Kỳ không muốn chống lại sự bành trướng bá quyền của Trung Quốc, thì khi đó sẽ phải chấp nhận sự cắt giảm rõ ràng khả năng của nước Mỹ trong việc tác động gây ảnh hưởng đến diễn biến sự kiện từ phía Thái Bình Dương.

Dù sao chăng nữa, phát ngôn và hành động của các quan chức cấp cao của Mỹ vẫn bộc lộ rằng họ chưa lựa chọn xong sẽ đi theo hướng nào trong số các phương án mà tác giả Samuel Huntington đã vạch ra.

Bộ trưởng Mark Esper cũng không ngoại lệ. Mỹ muốn ở ngôi vị số một, nhưng liệu có dễ dàng đạt được điều này trong điều kiện quốc tế hôm nay? Có thể là ông Mark Esper sẽ buộc phải chấp nhận kịch bản thứ hai của Huntington và đi tới đàm phán với người Trung Quốc thường xuyên hơn, - chuyên gia Piotr Tsvetov đặt câu hỏi mở.

Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả Piotr Tsvetov trên báo Sputnik. Ông Piotr Tsvetov là Phó Giáo sư Bộ môn Quan hệ quốc tế Học viện Ngoại giao Bộ Ngoại giao Liên bang Nga.

Chuyên gia Piotr Tsvetov sinh ngày 29 tháng 5 năm 1951 tại Moscow. Năm 1973, ông tốt nghiệp ngành Việt Nam học Viện Nghiên cứu Á - Phi Đại học quốc gia Moscow mang tên Lomonosov. Ông là Phó tiến sĩ Sử học, hội viên Hội Nhà báo từ năm 1985.

Trong suốt thời gian cống hiến lao động, Phó giáo sư Tsvetov Piotr đã kết hợp có hiệu quả công việc chính của ông với hoạt động nghiên cứu, giảng dạy. Ông đã dạy tại các trường MGIMO, ISAA của MGU, Viện Nghiên cứu thực hành phương Đông, Đại học ngôn ngữ quốc gia Moscow, làm việc cho tạp chí Châu Á và châu Phi ngày nay, Liên bang Nga ngày nay, là phóng viên của báo Pravda ở Việt Nam và Lào. Gần đây nhất, ông công tác tại Văn phòng Đối ngoại của Hội đồng Liên bang.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.