Cụm cảng Cái Mép - Thị Vải có đủ điều kiện để trở thành một trong những trung tâm logistics của khu vực - Ảnh: Trần Hải |
Tại Hội thảo quốc tế thúc đẩy đầu tư lĩnh vực đường thủy và hàng hải diễn ra mới đây, chuyên gia, doanh nghiệp nước ngoài cho rằng, tiềm năng đầu tư phát triển lĩnh vực đường thủy và hàng hải tại Việt Nam là rất lớn. Nhiều doanh nghiệp quốc tế cũng đang tìm kiếm cơ hội đầu tư vào những lĩnh vực này.
Ưu tiên vốn từ tư nhân
Đề cập vấn đề vốn đầu tư, chuyên gia cao cấp của Ngân hàng Thế giới (WB) Hoàng Anh Dũng cho rằng, trong bối cảnh Việt Nam hạn chế nợ công, vay ưu đãi từ nguồn ODA giảm đáng kể (do Việt Nam đã đạt mức thu nhập trung bình), việc tìm kiếm nguồn vốn khác rất quan trọng. “Cần nghĩ đến nguồn vốn tư nhân và tôi cho rằng Chính phủ và cả WB cần tạo điều kiện, cơ chế để thu hút vốn tư nhân. WB cũng xem đây là yếu tố quan trọng trong xây dựng chương trình hợp tác phát triển. Bên cạnh hợp tác với Chính phủ, WB sẽ hợp tác trực tiếp với các đơn vị như cơ sở đóng tàu, viện nghiên cứu”, ông Dũng nói.
“Mỗi năm đường thủy phải phấn đấu tăng trưởng 1,5-2%. Muốn làm được, đường thủy không thể đứng một mình, phải tham gia vào chuỗi logistics, phải cải cách mạnh để kết nối được cả về chính sách, hạ tầng. Tới đây, ngành Đường thủy sẽ cùng WB đa dạng hóa, đưa nguồn vốn tư nhân đầu tư nhiều hơn, đầu tư trong kết cấu hạ tầng, quản lý, khai thác, bảo trì đường thủy”. Ông Hoàng Hồng Giang |
Đại diện WB cũng cam kết tiếp tục hỗ trợ Việt Nam phát triển đường thủy và dự án sắp triển khai có mục tiêu đặt phát triển đường thủy trong vận tải đa phương thức. “WB có kinh nghiệm trong phát triển đường thủy ở các khu vực khác nhau trên thế giới. Chúng tôi thấy rằng, không thể phát triển đường thủy đơn lẻ mà đặt trong phát triển tổng thể GTVT, vận tải đa phương thức”, ông Dũng cho biết thêm.
Đồng quan điểm, chuyên gia cao cấp Lucas của WB cho rằng, các nước đang cạnh tranh mạnh mẽ về cảng biển, trong 10-15 năm nữa, có thể sẽ không còn cảng biển mà thay vào đó là các trung tâm logistics. Cảng Cái Mép - Thị Vải của Việt Nam có thể trở thành trung tâm logistics.
“Việt Nam sẽ là nước bị ảnh hưởng lớn từ biến đổi khí hậu. Giao thông thủy sẽ giải quyết được vấn đề này. Tàu ở Việt Nam còn nhỏ, có thể to hơn nữa, thân thiện với môi trường hơn. Giao thông thủy cũng cần sự đổi mới, tăng hợp tác công tư trong cả đầu tư, quản lý, khai thác hạ tầng, bảo trì hạ tầng”, ông Lucas gợi ý.
Chia sẻ kinh nghiệm huy động vốn từ góc độ doanh nghiệp, đại diện Công ty DEME của Bỉ cho biết: “Hiện các nhà thầu không thuần túy đứng đơn lẻ mà có sự liên kết với nhau để giải quyết các vấn đề về vốn, kỹ thuật, thể chế. Khuynh hướng tài chính của dự án là làm việc với các ngân hàng, các tổ chức tài chính khác nhau. Để thu hút nguồn vốn tư nhân, hỗn hợp công - tư, quan trọng là sự chuyển giao quyền sở hữu, quyền vận hành dự án. Chúng tôi mong làm ăn lâu dài với các đối tác đối tác Việt Nam”, đại diện DEME nói.
Về phía doanh nghiệp Việt Nam, ông Lê Quang Trung, Trưởng ban Kinh doanh đối ngoại của Vinalines cho biết, đơn vị này đang tiến hành xây dựng 4 trung tâm logistics tại châu Âu, trong đó một trung tâm tại Bỉ, để giảm chi phí hàng hóa từ Việt Nam sang châu Âu.
Nhiều cơ hội đầu tư vào đường thủy, hàng hải
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho biết, Việt Nam có 3.260km bờ biển và 124 cửa sông ra biển. Cùng với mật độ, chiều dài sông kênh đứng thứ tư thế giới là lợi thế lớn để phát triển vận tải thuỷ, hàng hải.
“Việt Nam đang ưu tiên đầu tư, thu hút các nguồn vốn để phát triển đường thủy, tăng kết nối với các loại hình vận tải khác. Kinh nghiệm của các nước và các tổ chức quốc tế tại cuộc hội thảo sẽ giúp Việt Nam có các giải pháp phù hợp để thúc đẩy mạnh mẽ đầu tư vào lĩnh vực này”, Thứ trưởng Thọ nói.
Phó đại sứ Vương quốc Bỉ Geer Vansintjant chia sẻ, Bỉ có thế mạnh lâu đời về giao thông thủy. Từ năm 1995 đã có sự hợp tác, hỗ trợ Việt Nam phát triển về cảng biển, đường thủy. Nhiều doanh nghiệp Bỉ cũng đang tìm kiếm cơ hội đầu tư vào lĩnh vực đường thủy, hàng hải tại Việt Nam.
Ông Hoàng Hồng Giang, Cục trưởng Cục ĐTNĐ Việt Nam cũng cho biết, ngành Đường thủy đang đảm nhận 18% thị phần vận tải và đặt mục tiêu đến 2020 đạt 32%. “Đường thủy là dạng tài nguyên đặc thù của Việt Nam. Chúng tôi đang triển khai 6 nhóm chính sách để thúc đẩy phát triển đường thủy, đồng thời tới đây sẽ kiến nghị Chính phủ ban hành thêm các cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư hạ tầng, quản lý, bảo trì, vận tải. Khó khăn lớn nhất hiện nay là thu hút nguồn vốn để đầu tư phát triển đường thủy”, ông Giang nói.
Về lĩnh vực hàng hải, Phó cục trưởng Cục Hàng hải VN Nguyễn Hoàng cho biết, doanh nghiệp nước ngoài đang có cơ hội lớn đầu tư vào lĩnh vực nạo vét luồng, công nghệ thông tin bảo đảm an toàn hàng hải.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận