Quản lý

Chuyên gia nói gì về hai tuyến đường Hà Nội muốn thí điểm cấm xe máy?

12/03/2019, 15:07

Nhiều chuyên gia giao thông lo ngại việc cấm xe máy thí điểm trên đường Lê Văn Lương, Nguyễn Trãi sẽ ảnh hưởng giờ học, giờ làm của người dân...

img
Đường Lê Văn Lương thường xuyên ùn tắc nghiêm trọng

Ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, đang nghiên cứu và dự kiến thí điểm cấm xe máy tại các tuyến đường Lê Văn Lương, Nguyễn Trãi - Hà Đông sau khi đưa tuyến đường sắt 2A (Cát Linh - Hà Đông) đi vào hoạt động.

Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với Báo Giao thông, ông Khương Kim Tạo, nguyên Phó chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia bày tỏ, nếu cấm xe máy lưu thông trên các tuyến dài như Nguyễn Trãi, Lê Văn Lương rất dễ thất bại và gây khổ sở cho người dân; đồng thời khiến tình trạng ùn tắc ở các tuyến đường khác thêm trầm trọng hơn.

“Đây là hai tuyến giao thông huyết mạch, kéo dài, nếu cấm xe máy sẽ chuyển sang đường khác để đi. Như đường Lê Văn Lương và Trần Duy Hưng chia sẻ giao thông cho nhau. Nếu cấm ở đường Lê Văn Lương, xe máy sẽ dồn sang đường Trần Duy Hưng và gây ra ùn tắc hơn”, ông Tạo phân tích.

Chuyên gia này cũng cho rằng, tuy đường Lê Văn Lương và Nguyễn Trãi đã hoặc sắp có buýt nhanh BRT, tàu đường sắt đô thị nhưng cũng chỉ là phương tiện phối hợp, không thể thay thế hoàn toàn được xe máy. Bởi buýt BRT, tàu điện chưa trở thành mạng lưới khép kín để người dân đi từ điểm đầu đến điểm cuối.

“Cấm xe máy theo tuyến đường là không khả thi. Hà Nội thay vì cấm nên có quy hoạch hạn chế, tổ chức cấm xe máy theo không gian khu vực lõi theo địa bàn quận rồi lan dần. Ở khu vực lõi đó có đủ phương tiện công cộng, xe buýt, xe điện để phục vụ đi lại. Chẳng hạn, có thể tổ chức từ khu vực cửa Nam, Bờ Hồ trước rồi mở rộng dần khu vực vô hiệu hóa xe máy”, ông Tạo góp ý.

img
Đường Nguyễn Trãi thường xuyên ùn tắc kéo dài từ cổng trường Học viện An ninh đến hầm chui Thanh Xuân

TS. Nguyễn Xuân Thủy người có kinh nghiệm hơn 40 năm nghiên cứu giao thông cho rằng, Hà Nội thí điểm cấm xe máy đường Nguyễn Trãi, Lê Văn Lương sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc học, việc làm của người dân nếu phương tiện công cộng không đủ năng lực như kỳ vọng.

"Hai trục đường chính đi vào thành phố nếu cấm, người dân sẽ đi lại bằng cách nào, trong khi những tuyến đường này lại rất dài và là huyết mạch đi vào trung tâm. TP Hà Nội muốn cấm xe máy phải có giao thông công cộng phát triển, điểm đỗ taxi, xe buýt kết nối được với xe điện, đường sắt trên cao thuận tiện giá rẻ hơn đi phương tiện cá nhân... Như cầu vượt Láng Hạ - Hà Nội, dù cắm biển cấm xe máy đi lên trong giờ cao điểm, cấm phương tiện cá nhân lấn làn buýt nhanh BRT nhưng dân vẫn đi, vẫn vi phạm vì họ thấy bất tiện, ùn tắc gây muộn giờ làm", TS. Thủy bày tỏ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.