Hạ tầng

Chuyên gia nói gì về sụt lún liên tiếp trên đường Tắc Thủ - Vàm Đá Bạc?

24/02/2020, 15:54

Theo chuyên gia, nguyên nhân dẫn đến sụt lún tuyến đường Tắc Thủ - Vàm Đá Bạc (Cà Mau) có thể do mực nước ở dưới kênh dẫn bị hạ thấp quá nhiều.

img
Chị Hạnh chỉ vị trí căn nhà bị sập do ảnh hưởng của việc sụt lún tuyến đường Tắc Thủ - Vàm Đá Bạc (tại lý trình Km 22+055, đoạn qua ấp Cơi 6B, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời, Cà Mau) vào sáng 6/2. Ảnh: Gia Minh

Sáng 24/2, khảo sát tại vị trí sụt lún trên tuyến đường Tắc Thủ - Vàm Đá Bạc (thuộc ấp Cơi 6B, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời, Cà Mau), ông Trần Tân Văn, Viện trưởng Viện khoa học Địa chất và Khoáng sản Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường) nhận định vị trí sạt lở trên tuyến đường này khá là nghiêm trọng.

“Nguyên nhân có thể là do mực nước ở dưới kênh dẫn bị hạ thấp quá nhiều so với hàng năm và việc sạt lở đường chỉ xảy ra ở từng đoạn, cho thấy phía sau đường chắc chắn sẽ có một cái ao hoặc hồ nước, dẫn đến sự chênh lệch mực nước giữa trong và ngoài gây ra sạt lở, còn về mặt kỹ thuật làm đường đều ổn định”, ông Văn cho hay.

Cũng theo ông Văn, đã có một số người đề xuất phương án chặt hàng cây dọc bờ kênh để hạn chế sạt lở, nhưng đây cũng chỉ là tạm thời.

“Thay vì chặt bỏ cây, chúng ta có thể tỉa bớt cành, hoặc trồng dọc bờ kênh một loại cỏ, khi đến thời điểm nắng hạn có thể bảo vệ và hạn chế tình trạng sạt lở”, ông Văn nêu quan điểm.

img
Một đoạn dưới kênh xáng Minh Hà tại lý trình Km 22+055 (vị trí sụp lún vào sáng 6/2) không còn nước. Ảnh: Gia Minh

Theo ghi nhận của PV Báo Giao thông, hiện tại 2 vị trí bị sụt lún trước đó không xảy ra sụt lún thêm. Tuy nhiên, ở hai đầu của vị trí bị sụt có dấu hiệu lún tiếp tục (chiều dài khoảng 40m), nếu không có biện pháp gia cố kịp thời. Ngoài ra, mực nước dưới kênh xáng Minh Hà đã cho thấy dấu hiệu cạn kiệt nước, có đoạn khô cạn không còn tí nước nào.

Chị Nguyễn Thị Hạnh (ấp Cơi 6B, xã Khánh Bình Tây) có nhà bị sập trong vụ sụt lún trên tuyến đường Tắc Thủ - Vàm Đá Bạc vẫn chưa hết bàng hoàng nói: “Nếu căn nhà sập vào ban đêm là tôi chết rồi!”.

“Sáng hôm đó, tôi thức dậy và đi lên nhà trên có việc. Bỗng nghe ở nhà dưới (gần mé kênh - nhà dùng để sửa xe) có tiếng động rầm rầm, tôi vội chạy ra thì thấy căn nhà đã đổ sập xuống kênh, nên đã hô hoán để con trai cúp cầu dao điện”, chị Hạnh kể lại và cho biết thêm, ngay sau đó, chính quyền địa phương đã cử lực lượng phối hợp cùng với cán bộ Nông trường 402 đến hỗ trợ để khắc phục hậu quả.

img
Vị trí sạt lở tại lý trình Km 22+055 không xảy ra sụp lún thêm, nhưng ở hai đầu của đoạn này có dấu hiệu sụt lún tiếp tục (chiều dài khoảng 40m). Ảnh: Gia Minh

Như Báo Giao thông đã phản ánh, thời gian qua, trên tuyến đường Tắc Thủ - Vàm Đá Bạc đã xảy ra hai vụ sụt lún. Cụ thể: vụ thứ nhất, rạng sáng 30/1, tại Km 21+130 (đoạn qua khu vực Nông trường 402 thuộc giai đoạn 1 dự án đường Tắc Thủ - Vàm Đá Bạc) sụt lún làm hư hỏng nền, mặt đường một đoạn tuyến với chiều dài khoảng 20m.

Vụ thứ hai, vào ngày 6/2, tại lý trình Km 22+055, đoạn qua khu vực Nông trường 402 đã tiếp tục xảy ra sụt lún làm hư hỏng nền, mặt đường tương tự như tại Km 21+130. Phạm vi sụt lún ban đầu dài khoảng 20m, chiều rộng gồm toàn bộ phần lề đường, bờ kênh (trong đó, có 1 căn nhà làm bằng tôn bị đổ sập - PV) và 1/2 mặt đường phía bên phải tuyến (giáp kênh xáng Minh Hà), chiều sâu 2,5m.

Đến nay, phạm vi sụt lún đã mở rộng với chiều dài khoảng 30m, lấn sâu 5m vào mặt đường. Hiện, mặt đường chỉ còn rộng 2m.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.