Luật hoá để đảm bảo an toàn phương tiện, an toàn giao thông
Tại dự thảo Luật Đường bộ đang được lấy ý kiến, Bộ GTVT đề xuất bổ sung quy định chủ phương tiện, người lái xe chịu trách nhiệm bảo dưỡng kỹ thuật định kỳ, duy trì tình trạng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường (ATKT & BVMT) của xe cơ giới, xe máy chuyên dùng giữa 2 kỳ kiểm định.
Các chuyên gia cho rằng việc luật hoá trách nhiệm của chủ phương tiện trong bảo dưỡng định kỳ phương tiện là cần thiết.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Trần Quốc Hoan, lãnh đạo phụ trách Trung tâm Đăng kiểm 2903V cho biết, việc luật hoá quy định trên là cần thiết bởi việc kiểm định phương tiện chỉ kiểm tra tình trạng ATKT & BVMT xe tại thời điểm chủ phương tiện đưa xe đi kiểm định. Khi xe ra khỏi đơn vị đăng kiểm, trung tâm không còn kiểm soát được tình trạng này.
Thực tế, không ít trường hợp tình trạng phanh xe thời điểm kiểm định tại đơn vị đăng kiểm vẫn đạt yêu cầu nhưng khi sử dụng chỉ vài ngày đến 1 tuần sau bị hư hỏng, lúc này, chủ xe cần có trách nhiệm chủ động sửa chữa để đảm bảo an toàn khi sử dụng.
Cũng có rất nhiều trường hợp chủ xe “độ” lốp, hoán cải phương tiện (từ xe tải VAN thành xe 4 chỗ) khi đến trung tâm đăng kiểm kiểm định không đạt, được yêu cầu quay đầu đi khắc phục. Lúc này, không ít chủ xe sẵn sàng tuyên bố với đăng kiểm viên về việc ra gara ngoài thuê, mượn lốp nguyên bản hay vách ngăn xe VAN để lắp “đối phó”.
“Việc luật hoá sẽ giúp chủ xe có trách nhiệm hơn trong việc chủ động đưa xe đi bảo dưỡng định kỳ, đảm bảo xe luôn đạt điều kiện về ATKT & BVMT trong quá trình lưu thông chứ không chỉ để đạt khi đăng kiểm”, ông Hoan nhấn mạnh và cho biết: Lực lượng chức năng thực hiện tuần tra kiểm soát trên đường cũng cần xử nghiêm hành vi tự ý hoán cải, thay đổi bộ phận trên ô tô, giúp nâng cao trách nhiệm của chủ phương tiện, lái xe.
Đồng quan điểm, TS Khương Kim Tạo, nguyên Phó Chánh VP Uỷ ban ATGT Quốc gia cho biết, thực tế, phương tiện khi sử dụng giữa 2 kỳ kiểm định có thể sẽ phát sinh hư hỏng. Tuy nhiên, thời gian qua, việc bảo dưỡng, sửa chữa của chủ phương tiện, lái xe chưa thực sự tốt, vẫn còn tình trạng xe kém chất lượng không đảm bảo ATKT & BVMT tham gia giao thông.
“Việc kiểm định xe cũng như kiểm tra sức khoẻ tổng quát định kỳ của con người, không có nghĩa sau khi kiểm tra sẽ không xảy ra chuyện bị “đau ốm”. Trách nhiệm của chủ xe là phải theo dõi trạng thái hoạt động của phương tiện để kịp thời phát hiện những bất thường, hư hỏng và bảo dưỡng, sửa chữa kịp thời để đảm bảo an toàn cho bản thân, người ngồi trên xe khi di chuyển”, ông Tạo nói.
Việc luật hoá quy định sẽ đi cùng chế tài xử lý, từ đó, đảm bảo tính thực thi, hiệu quả tốt hơn.
Cần đi kèm chế tài xử phạt
Trao đổi với PV Báo Giao thông, đại diện Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) khẳng định ủng hộ việc luật hoá quy định trách nhiệm của chủ phương tiện, lái xe trong việc bảo dưỡng định kỳ cũng như trách nhiệm của tổ chức, doanh nghiệp thiết kế, sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu xe cơ giới trong việc tuân thủ các quy định pháp luật về kiểm tra, chứng nhận, thử nghiệm, triệu hồi, kiểm định chất lượng ATKT & BVMT của xe cơ giới,
Vị này cũng cho rằng song song với việc luật hoá quy định trên, cần nghiên cứu chế tài xử lý đối với những trường hợp không tuân thủ nhằm đảm bảo quy định được đi vào cuộc sống, có tính răn đe cao.
Theo đại diện VAMA, về phía chủ xe, việc duy trì tình trạng ATKT & BVMT phương tiện là cần thiết để đảm bảo an toàn khi sử dụng xe chứ không chỉ để đạt các điều kiện khi kiểm định. Do đó, cần tuân thủ quy trình bảo hành, bảo dưỡng phương tiện trong quá trình sử dụng xe, chủ động đọc hướng dẫn cũng như trao đổi thông tin với các xưởng dịch vụ để được nhắc nhở, khuyến cáo bảo dưỡng phương tiện ở những thời điểm, giai đoạn sử dụng cho phù hợp.
Trong khi đó, các nhà sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu cũng cần đồng hành cùng cơ quan quản lý Nhà nước cũng như người dân trong việc đảm bảo ATKT & BVMT phương tiện mình đưa ra thị trường, cần xây dựng quy trình bảo hành, bảo dưỡng cho từng mẫu phương tiện một cách hợp lý và tuyên truyền, phổ biến đến chủ phương tiện, lái xe.
Thực tế, trách nhiệm của chủ xe và nhà sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu đã được quy định tại một số văn bản dưới luật nhưng việc được luật hoá vẫn cần thiết để nâng cao trách nhiệm, sự chủ động của các đối tượng này trong việc đảm bảo an toàn cho phương tiện.
Tuy nhiên, đại diện VAMA cũng lưu ý, khi Luật ban hành cần có những nghiên cứu kỹ để đơn giản hoá cách triển khai, tránh phát sinh thủ tục cho người dân cũng như doanh nghiệp.
Lãnh đạo Phòng Chất lượng xe cơ giới - Cục Đăng kiểm VN cũng cho biết, theo Luật Giao thông đường bộ 2008, Bộ trưởng Bộ GTVT quy định về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe cơ giới được phép tham gia giao thông mà chưa quy định rõ trách nhiệm các bên.
Dự thảo Luật Đường bộ đã quy định rõ hơn về trách nhiệm của chủ xe, của tổ chức, doanh nghiệp thiết kế, sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu phương tiện, là cơ sở pháp lý để xây dựng các văn bản dưới luật và có chế tài để xử lý nếu tổ chức, cá nhân không đáp ứng được quy định. Từ đó, giúp nâng cao chất lượng phương tiện khi đưa ra thị trường cũng như trong quá trình lưu hành, đảm bảo an toàn giao thông.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận