Thời sự Quốc tế

Chuyên gia Trung Quốc: Đảo chính Myanmar cảm hứng từ bạo loạn ở Quốc hội Mỹ

02/02/2021, 11:33

Trái với dư luận nước ngoài, các chuyên gia TQ cho rằng, hành động của quân đội Myanmar có thể được coi là một sự điều chỉnh đối với nội vụ...

img

Ông Uông Văn Bân.

Quân đội Myanmar hôm thứ Hai thông báo rằng các cuộc bầu cử mới sẽ được tổ chức khi tình trạng khẩn cấp kéo dài một năm kết thúc và lực lượng vũ trang của nước này sẽ trao lại quyền lực nhà nước cho chính phủ mới. Quân đội cho biết trong tình trạng khẩn cấp, Ủy ban Bầu cử Liên minh sẽ được cải tổ và kết quả bầu cử quốc hội sẽ được xem xét.

Trước đó, quân đội Myanmar đã ban bố tình trạng khẩn cấp và cho biết quyền lực đã được giao cho Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang sau khi quân đội bắt giữ các nhà lãnh đạo Myanmar bao gồm bà Aung San Suu Kyi và Tổng thống U Win Myint.

Theo báo chí Trung Quốc, truyền thông phương Tây coi đây là một cuộc đảo chính trên thực tế, vì cuộc chuyển giao quyền lực diễn ra chỉ vài giờ trước khi quốc hội mới được bầu của Myanmar bắt đầu phiên khai mạc – sự kiện có mục đích xác nhận kết quả bầu cử tháng 11.

Uông Văn Bân, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, trong cuộc họp báo thường kỳ hôm thứ Hai, tuyên bố rằng Trung Quốc đã nắm được tình hình của Myanmar và đang tìm kiếm thêm thông tin.

"Trung Quốc là một nước láng giềng thân thiện của Myanmar, chúng tôi hy vọng tất cả các bên ở Myanmar có thể xử lý đúng đắn những khác biệt trong khuôn khổ hiến pháp và luật pháp cũng như bảo vệ sự ổn định chính trị và xã hội" - ông Uông Văn Bân nói.

Cuộc chính biến diễn ra sau làn sóng bất mãn lớn từ Đảng Đoàn kết và Phát triển Liên minh (USDP) được quân đội hậu thuẫn chống lại Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD), tổ chức đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tháng 11 nhưng bị quân đội, truyền thông cáo buộc gian lận.

NLD đã giành chiến thắng áp đảo, trao cho bà Aung San Suu Kyi nhiệm kỳ thứ hai kéo dài 5 năm. NLD chiếm 83% số phiếu bầu trong cuộc bầu cử, trong khi Đảng Đoàn kết và Phát triển Liên minh (USDP) do quân đội hậu thuẫn giành được 33 trong số 476 ghế quốc hội, ít hơn nhiều so với dự kiến ​​của đảng này.

Trái với truyền thông và dư luận quốc tế, các chuyên gia Trung Quốc cho rằng, “hành động của quân đội Myanmar có thể được coi là một sự điều chỉnh đối với cơ cấu quyền lực đang rối loạn chức năng của đất nước”.

Cũng theo giới quan sát ở nước này, “Trung Quốc đã duy trì mối quan hệ tốt đẹp với cả chính phủ hiện tại và quân đội, Bắc kinh hy vọng rằng hai bên có thể đạt được thỏa hiệp thông qua các cuộc đàm phán để duy trì hòa bình và ổn định. Trung Quốc cũng lưu ý Myanmar nên cảnh giác với sự can thiệp từ bên ngoài”.

Trạng thái bất hòa ở Myanmar

img

Quân đội Myanmar đặt đất nước trong tình trạng khẩn cấp.

Trong 5 năm qua dưới thời NLD, quân đội và NLD luôn trong tình trạng bất hòa, một chuyên gia ở Bắc Kinh nói với tờ Thời báo Hoàn Cầu (Global Times) hôm thứ Hai trong điều kiện giấu tên.

Chuyên gia này cho biết, quân đội và các nhà lập pháp USDP chỉ chiếm khoảng 1/3 số ghế trong quốc hội Myanmar, gây khó khăn cho việc thúc đẩy các đề xuất của họ và họ không thể chặn các đề xuất từ ​​NLD. Trong khi đó, quân đội và USDP có thể cảm thấy rằng lợi ích của họ không được đảm bảo.

Từ năm 1962 đến năm 2011, quân đội Myanmar thống trị chính trị, kinh tế và xã hội của đất nước. Sau cuộc chuyển đổi dân chủ diễn ra ở Myanmar năm 2011, quân đội dần mất đi quyền lực chính trị.

Kể từ cuộc bầu cử năm 2015, USDP do quân đội hậu thuẫn đã bị đánh bại trong các cuộc bầu cử và mất ghế trong quốc hội, điều này khiến quân đội nhận ra rằng rất khó có được quyền lực thông qua bầu cử, chuyên gia Trung Quốc nói.

Vị này cho rằng: “Các hành động của quân đội có thể được coi là một sự điều chỉnh đối mặt với cơ cấu quyền lực mất cân bằng và rối loạn chức năng của Myanmar”.

Căng thẳng ở Myanmar đã leo thang trong tuần trước. Một phát ngôn viên quân đội hôm Chủ nhật (trước khi nổ ra chính biến) từng cho hay, lực lượng vũ trang sẽ không loại trừ một cuộc đảo chính nếu vụ “gian lận lừa dối cử tri” liên quan đến hơn 10,5 triệu trường hợp, không được điều tra.

Ủy ban bầu cử Myanmar trước đó đã bác bỏ cáo buộc, nói rằng bất kỳ sai sót nào không đủ để ảnh hưởng đến kết quả cuối cùng.

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres hôm thứ Sáu bày tỏ "quan ngại lớn" về tình hình của Myanmar và kêu gọi kết quả bầu cử tháng 11 cần được tôn trọng và các chuẩn mực dân chủ được tuân thủ.

Mười sáu quốc gia, bao gồm cả Mỹ, cũng bày tỏ sự phản đối của họ đối với bất kỳ nỗ lực nào nhằm thay đổi kết quả của cuộc bầu cử thông qua một tuyên bố chung từ các cơ quan đại diện quốc tế của nước mình được phát đi vào hôm thứ Sáu tuần trước.

Các nhà phân tích Trung Quốc cho rằng vẫn còn phải xem liệu quân đội có chịu khuất phục trước áp lực quốc tế hay không. Việc giam giữ các nhà lãnh đạo chính quyền có thể gây ra sự bất bình trong những người ủng hộ NLD, thậm chí châm ngòi cho phản ứng dữ dội trong xã hội và điều này sẽ gây áp lực lên chế độ, đặc biệt là trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang diễn ra.

Trong một tuyên bố mà đảng NLD đưa ra hôm thứ Hai thay mặt cho nhà lãnh đạo đang bị giam giữ Aung San Suu Kyi, họ kêu gọi mọi người không chấp nhận một cuộc đảo chính quân sự và nên phản đối, báo Reuters đưa tin.

Yin Yihang, một học giả từ Viện nghiên cứu Taihe, có trụ sở tại Bắc Kinh, nói với Global Times rằng, mặc dù quân đội Myanmar đã giam giữ bà Aung San Suu Kyi và các quan chức cấp cao khác của NLD, nhưng lực lượng này đã không thể kiểm soát hoàn toàn các thành viên NLD gốc, cùng với đó, các cuộc biểu tình của các nhóm NLD được dự đoán sẽ nổ ra.

"Giờ đây, NLD đã phát triển thành một tổ chức đảng chính thức, từ cấp liên bang đến cấp thị trấn. Sau khi quân đội Myanmar tiếp quản, NLD sẽ khó có thể im lặng" - ông Yin Yihang nói.

Mỹ sẽ dùng Myanmar gây áp lực lên Trung Quốc?

img

Bà Aung San Suu Kyi.

Theo truyền thông Mỹ, Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki hôm thứ Hai tuyên bố rằng Mỹ đã "báo động" về tình hình ở Myanmar, cảnh báo quân đội Myanmar rằng Washington sẽ "hành động" nếu họ tiến hành đảo chính chống lại các nhà lãnh đạo dân sự của đất nước.

Tuy nhiên, một số chuyên gia đề cập rằng cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, người không chịu thừa nhận thất bại trong cuộc bầu cử và được cho là đã kích động bạo loạn ở Điện Capitol (Quốc hội Mỹ), có thể là nguồn cảm hứng của quân đội Myanmar.

Fan Hongwei, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á tại Đại học Hạ Môn, nói với tờ Global Times rằng Mỹ có thể áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Myanmar và áp lực quân sự không thể được thực hiện.

Chính quyền Trump, trong khi quan tâm đến một số nước ở Đông Nam Á lại không quá quan tâm đến Myanmar. Các nhà phân tích cho biết trong thời chính quyền Obama, Mỹ dành sự quan tâm lớn đến Myanmar dựa trên chiến lược tái cân bằng châu Á - Thái Bình Dương của Mỹ.

Ông Yin Yihang cho rằng mặc dù Mỹ hạn chế trao đổi chính thức với Myanmar dưới thời chính quyền Trump, các nhóm dân quyền được chính phủ Mỹ hỗ trợ vẫn duy trì sự hiện diện ở miền bắc Myanmar.

“Theo tình hình hiện tại, Mỹ cũng có thể áp dụng cách tiếp cận “cách mạng màu” đối với Myanmar” - Yin Yihang cáo buộc.

Trong khi đó, ông Fan Hongwei cho rằng: “Tình hình ở Myanmar có thể là cơ hội để chính quyền Joe Biden, vốn có nhiều thành viên trong “Nhóm Obama”, sửa chữa quan hệ với Myanmar, khiến Myanmar “có vấn đề” và sử dụng Myanmar để gây áp lực lên Trung Quốc”.

"Myanmar là quốc gia không hoan nghênh sự can thiệp của các cường quốc. Trung Quốc đã duy trì quan hệ tốt với cả chính phủ hiện tại và quân đội, vì vậy họ vẫn hy vọng hai bên có thể đàm phán thỏa hiệp để duy trì hòa bình và ổn định" - Fan Hongwei nhấn mạnh.

Theo báo chí Trung Quốc, là đối tác thương mại lớn nhất của Myanmar, khối lượng thương mại của Trung Quốc với Myanmar chiếm hơn 33% tổng khối lượng thương mại của Myanmar (số liệu do Bộ Thương mại Trung Quốc công bố năm 2020). Do đó, tình hình chính trị ổn định ở Myanmar có lợi cho giao lưu và phát triển giữa Trung Quốc và Myanmar.

Một nhân viên của một công ty Trung Quốc họ Liu ở Yangon, “thủ đô thương mại” của nước này, nói rằng, cuộc sống vẫn tương đối bình thường. Trong khi mạng di động đã bị cắt, tín hiệu mạng Internet qua cáp vẫn hoạt động.

"Thị trường vẫn mở, chúng tôi cảm thấy mọi thứ đang ổn định. Dự án đường ống Trung Quốc - Myanmar đang hoạt động bình thường, các mỏ đồng và niken khác cũng vậy".

Tác động của biến động chính trị đối với hoạt động của hầu hết các công ty Trung Quốc ở Myanmar là rất hạn chế, vì hầu hết các công ty Trung Quốc có trụ sở tại Yangon, không phải thủ phủ của Naypyidaw, một nhân viên khác tên Zheng, từ một công ty nhà nước có trụ sở tại Yangon, nói.

Về việc liệu các nhân viên Trung Quốc có bị rút khỏi Myanmar hay không, ông Zheng lưu ý rằng họ đang chờ thông báo thêm từ Đại sứ quán Trung Quốc tại nước này.

Cơ quan quản lý du lịch hàng không của Myanmar hôm thứ Hai cho biết họ đã đình chỉ tất cả các chuyến bay tại nước này do tình trạng khẩn cấp. Tất cả các ngân hàng trong nước đã tạm thời đóng cửa.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.