Đội tàu Trung Quốc neo đậu tại Đá Ba Đầu trên Biển Đông
Sự trở lại rầm rộ của hàng trăm tàu dân quân đội lốt tàu cá của Trung Quốc trên Biển Đông một lần nữa củng cố nhận định của nhiều chuyên gia: Bắc Kinh đang tiếp tục dùng chiến lược “vùng xám”, thực hiện âm mưu chiếm biển đảo không cần nổ súng như cách đây nhiều năm.
Trú ẩn hay gây “bão”?
Theo báo cáo của hãng tin CNN ngày 13/4, đội tàu vỏ thép có lúc lên tới 220 chiếc của Trung Quốc không hoạt động, không đánh bắt cá, bật đèn cả ngày lẫn đêm dù thời tiết thuận lợi.
Đội tàu này chỉ tập hợp dàn hàng rồi biến đổi đội hình gần Đá Ba Đầu, thuộc cụm đảo Sinh Tồn, nằm trong Quần đảo Trường Sa, thuộc chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông. Các tàu này tụ tập với lý do “trú ẩn, tránh thời tiết xấu” nhưng thực chất lại gây “bão” trên Biển Đông.
Philippines, đất nước cũng có tuyên bố chủ quyền chồng lấn trong một số khu vực trên Biển Đông, đã theo dõi sát sao những diễn biến của đội tàu này. Cùng với phản ứng gay gắt, Philippines khẳng định đây là “tàu dân quân biển” của Trung Quốc, yêu cầu Bắc Kinh rút ngay tàu về nước.
Có lẽ Philippines chưa thể quên được sự kiện cách đây gần chục năm khi đối đầu với chính dạng tàu kiểu này của Trung Quốc ở bãi cạn Scarborough năm 2012, khiến căng thẳng leo thang và cuối cùng mất bãi cạn vào tay Trung Quốc.
Nhiều chuyên gia đến từ Viện Nghiên cứu chiến lược Quốc tế (IISS) ở Singapore nhấn mạnh, đội tàu Trung Quốc tham gia hoạt động tại Đá Ba Đầu trên quy mô lớn chưa từng có và duy trì trong thời gian dài hàng tuần.
Mỹ, đồng minh của Phillipines trong khu vực cũng lên tiếng quan ngại. Như một phản ứng để dằn mặt Trung Quốc, hai quốc gia này đồng ý thắt chặt quan hệ đồng minh và mong muốn thực hiện một cuộc tập trận chung có tên “Balikatan” trên Biển Đông.
Theo nhận định của các chuyên gia, động thái này mang theo thông điệp Mỹ sẵn sàng phản ứng quân sự hỗ trợ Philippines.
Cơ cấu, mục đích của dân quân biển
Hình ảnh vệ tinh do Công ty Maxar cung cấp cho thấy tàu Trung Quốc dàn đội hình gần Đá Ba Đầu, nằm trong cụm Sinh Tồn, thuộc Quần đảo Trường Sa, Việt Nam
Bất chấp bác bỏ từ Trung Quốc, phương Tây cho rằng, đội tàu tại Đá Ba Đầu thực chất thuộc Lực lượng dân quân biển có vũ trang (PAFMM), nằm dưới sự kiểm soát và điều khiển của quân đội Trung Quốc.
Theo ông Carl Schuster, cựu Giám đốc điều hành thuộc Trung tâm Tình báo phối hợp thuộc Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ, tàu PAFMM Trung Quốc không đánh bắt cá mà được trang bị vũ khí tự động, phần thân được bọc thép dày, có tốc độ tối đa lên tới 18 - 22 hải lý, nhanh hơn 90% tổng số tàu cá trên thế giới nên sẽ rất nguy hiểm nếu tiếp cận ở khoảng cách gần.
CNN dẫn báo cáo chung được công bố tháng 12 năm ngoái do lực lượng Hải quân, Thủy quân lục chiến và Hải cảnh Mỹ phối hợp thực hiện đã kết luận rằng, dân quân biển Trung Quốc thường được Bắc Kinh sử dụng để yểm trợ cho mục đích phá hoại chủ quyền của nước khác và củng cố những tuyên bố chủ quyền phi lý.
Ông Conor Kennedy và Andrew Erickson, hai chuyên gia hàng đầu về vấn đề Biển Đông nhấn mạnh, đây là lực lượng nòng cốt quan trọng thuộc quân đội Trung Quốc, do Nhà nước tổ chức, phát triển, kiểm soát, hoạt động dưới sự chỉ đạo trực tiếp từ quân đội, thực hiện các hoạt động do Nhà nước bảo trợ.
Đội tàu của lực lượng dân quân biển có thể dẫn đầu và hòa vào đội tàu đánh bắt cá thật của Trung Quốc, tạo thành đội tàu cá lớn nhất thế giới (187.000 chiếc). Đến nay, giới chuyên gia chưa thể tính toán chính xác có bao nhiêu tàu dân quân Trung Quốc được vũ trang.
Báo cáo từ Bộ Quốc phòng Mỹ năm 2020 về quân đội Trung Quốc cho hay, có một đại đội dân quân biển, đóng ở hải phận Biển Đông, với biên chế 84 tàu, được thành lập từ năm 2016. Đại đội này thường xuyên nhận được trợ cấp để duy trì hoạt động tại khu vực Quần đảo Trường Sa. Dân quân của đại đội được trả lương không cần dựa trên hoạt động đánh cá thương mại và hầu hết được tuyển từ các cựu binh mới nghỉ hưu.
Song, ông Erickson cho rằng, hàng trăm tàu dân quân xuất hiện gần Đá Ba Đầu vừa qua không giống các tàu trong đại đội kể trên. Như vậy, có thể, quy mô thực sự của các tàu dân quân Trung Quốc sẽ lớn hơn nhiều so với những ước tính đến nay.
Chiếm đóng không cần nổ súng
Giới chuyên gia, học giả trên thế giới không lạ gì chiến lược sử dụng tàu dân quân biển của Trung Quốc, được gọi là “chiến lược vùng xám cổ điển” của Bắc Kinh, trong đó dùng tàu cá để lấn át, giành chiến thắng mà không cần động binh. Nói cách khác, chiến lược này nhằm mục tiêu chiếm đoạt vùng biển đảo của các nước khác mà không phải dùng lực lượng vũ lực trực tiếp với quy mô lớn.
Giám đốc Viện Các vấn đề hàng hải tại Đại học Philippines, ông Jay Batongbacal cho rằng, về cơ bản, Bắc Kinh đang chiếm Đá Ba Đầu chỉ bằng sự hiện diện của tàu thuyền tại đây. Đó là mục tiêu trong chiến thuật nhằm thiết lập sự kiểm soát và thống trị trên thực tế đối với toàn bộ Biển Đông, thông qua những hoạt động quy mô lớn.
Từ quan điểm chiến thuật, việc dùng hàng trăm tàu dân quân đội lốt tàu cá tạo ra rất nhiều trở ngại cho đối thủ như Hải quân Mỹ. Bởi, chi phí xây dựng đội tàu bọc thép kiểu này rẻ hơn nên Bắc Kinh có thể huy động tới hàng trăm tàu, áp đảo số lượng vài tàu khu trục mà Mỹ có thể triển khai để thách thức.
Trong bài viết trên tạp chí của quân đội Mỹ, hai nhà nghiên cứu Shuxian Luo thuộc Đại học John Hopkins và Jonathan Panter từ Đại học Comlombia chia sẻ, Bắc Kinh còn có thể sử dụng số lượng đông tàu dân quân trộn lẫn tàu cá để ngăn chặn khả năng hoạt động của vũ khí chống tàu ngầm, hoạt động bay của trực thăng từ tàu chiến.
Từ quan điểm chiến lược, việc thách thức những con tàu mang mác dân dự này rất nguy hiểm. Vì nếu có bất cứ hải quân hay hải cảnh của nước nào có động thái ngăn chặn những tàu này, nó sẽ cấu thành hành vi tấn công công dân Trung Quốc.
Chưa kể, với xu hướng tăng cường hoạt động, tần suất của dân quân biển của Bắc Kinh hiện nay, không thể loại trừ rủi ro các tàu này chạm trán với phương tiện quân sự của Mỹ dẫn đến tình hình vượt ngoài tầm kiểm soát, làm bùng lên xung đột rộng hơn.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận