Theo thạc sĩ văn hóa Nguyễn Đức Hiển, Viện nghiên cứu Văn hóa tín ngưỡng Việt Nam, phong tục của người Việt, sau bữa cơm cúng Giao thừa để tiễn năm cũ đón năm mới, thì sáng mùng 1 Tết các gia đình sẽ chuẩn bị bữa cơm long trọng.
Sáng mùng 1 Tết là cúng Nguyên đán, tức là sáng sớm của một ngày đầu năm thường cúng tổ tiên và thần linh.
Trong cả 3 ngày Tết (mùng 1, 2, 3) việc làm lễ cúng cơ bản được thực hiện giống nhau. Cần lưu ý khi cúng gia tiên, tiền bạc, vàng mã phải để nguyên và đốt nhang đèn suốt 3 ngày Tết cho đến lễ Hóa vàng. Trên bàn thờ ngọn đèn thờ (đăng hay nến) đỏ lửa liên tục trong 3 ngày Tết cùng với hương hoa thơm ngát sẽ tạo không khí Tết thêm đầm ấm, sum vầy...
Trong sáng mùng 1 ngoài việc sửa soạn lại ban thờ (thay trầu cau, nước…) thì vẫn phải chuẩn bị mâm cỗ để thắp hương. Cỗ mặn hoặc chay với đầy đủ các món ăn ngày Tết, được chế biến thơm ngon, bày biện đầy đặn, trang nghiêm.
Gợi ý mâm cỗ cúng ngày mùng 1 Tết Canh Tý như sau:
Lễ vật cúng ngày mùng 1 Tết bao gồm:
- Mâm ngũ quả
- Hương hoa
- Giấy tiền vàng mã
- Đèn nến
- Trầu cau, rượu, trà
- Bánh chưng (hoặc bánh tét).
Lưu ý, lễ mặn thường là cúng bánh chưng, gà, giò, canh… Người ta cũng thường kiêng sát sinh vào sáng mùng 1 Tết nên gà cúng của buổi sáng này thường được làm thì từ tối hôm trước.
Chuyên gia cũng lưu ý, những nghi lễ cúng trong ngày Tết để con cháu thể hiện tấm lòng tôn kính, hiếu thảo với những người đã khuất trong gia đình và mong cầu một năm mới an khang, thịnh vượng, hạnh phúc viên mãn.
Trong đầu năm mới chuyên gia cũng khuyên các gia đình những điều tối kỵ như sau: Quét nhà, kiêng vay mượn tiền bạc, kiêng cho nước, không cho lửa đầu năm, không làm đổ vỡ đồ dùng, không tranh cãi, bất hòa, kiêng nói những điều xui xẻo, kiêng nói chuyện không vui.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận