Truyền thông Nga đưa tin, Nhật Bản đang nghiên cứu chế tạo tên lửa siêu thanh chống hạm, có thể là mối đe dọa với lực lượng hải quân Trung Quốc.
Bộ Quốc phòng Nhật Bản dự kiến triển khai phiên bản vũ khí mới đầu tiên vào năm 2026.
Báo Sputnik dẫn lời chuyên gia quân sự Nga Vasily Kashin đã bình luận về những báo cáo này. Theo ông Kashin, việc liên tục xuất hiện nhiều thông tin mới về chương trình vũ khí siêu thanh của Nhật Bản cho phép giả thiết rằng chính sách an ninh của Tokyo sẽ có sửa đổi đáng kể trong thập kỷ tới.
Theo vị chuyên gia Nga, ở đây đang nói đến kế hoạch của Nhật vào năm 2026, theo đó, quân đội Nhật Bản có thể triển khai hệ thống vũ khí tên lửa với tầm bắn xa tới 500 km, được trang bị khối đầu đạn lượn siêu thanh.
Phiên bản sơ bộ của mẫu vũ khí này có thể triệt hạ các đối tượng cố định. Tiếp sau nó, dự kiến chế tạo hệ thống vũ khí cải tiến với chức năng tiêu diệt tàu trên biển.
Giới hạn 500 km của hệ thống siêu thanh, như người Nhật Bản tuyên bố, rất có thể sẽ chỉ mang tính ngôn từ.
Nhưng, khối chiến đấu theo dự kiến sẽ di chuyển trong bầu khí quyển thượng tầng với tốc độ hơn 5 March và đủ khả năng cơ động - tức tầm bắn xa.
Tuyên bố của Nhật Bản nhắm tới làm giảm bớt mối lo ngại của các nước láng giềng sát gần, nhưng rất có thể phạm vi thực của khối chiến đấu như vậy cũng đủ để từ lãnh thổ Nhật Bản phóng đi xoá sổ các mục tiêu trên địa bàn khu vực Đông Bắc của Trung Quốc và ở toàn bộ lãnh thổ Triều Tiên.
Trong mọi trường hợp, sau lần thử nghiệm thành công đầu tiên, hệ thống như vậy có thể dễ dàng được cải tiến để gia tăng phạm vi hoạt động.
Công việc nghiên cứu chế tạo vũ khí siêu thanh của riêng Nhật Bản đang phát triển song song với chương trình Common Hypersonic Glide Body của Mỹ, vốn dự tính hình thành giàn tên lửa phóng từ mặt đất đầu tiên với khối chiến đấu siêu thanh thử nghiệm vào năm 2023.
Nhật Bản vốn đã có kinh nghiệm tham gia các chương trình nhạy cảm của Hoa Kỳ như hệ thống phòng thủ tên lửa Standard SM-3 Block IIA, nhưng trong trường hợp này, người Nhật Bản quyết định đi theo con đường riêng, tạo tiềm năng tấn công độc lập với người Mỹ.
Lựa chọn như vậy có lẽ phản ánh đà suy giảm sự tin tưởng của người Nhật Bản về chiếc ô bảo lãnh an ninh của Mỹ cũng như dần mất niềm tin vào Washington trong vai trò đối tác bảo hộ gạo cội trong lĩnh vực an ninh.
Quá trình này diễn ra dần dần, nhưng không đảo ngược. Khi niềm tin vào Mỹ đổ vỡ, Nhật Bản cố gắng tiến lên từng bước nhỏ theo hướng trở thành cường quốc quân sự lớn mạnh đầy đủ.
Theo ông Kashin, quá trình này sẽ mất không ít thời gian, nhưng có thể dẫn đến viễn cảnh chuyển đổi chính trị-quân sự sâu sắc của khu vực.
Chuyên gia Nga đánh giá rằng, tiềm năng công nghiệp cao của Nhật Bản, kết hợp với nhiều năm Tokyo đầu tư vào ngành công nghiệp quốc phòng, cho phép Nhật Bản đủ sức giải quyết nhiều vấn đề về đảm bảo an ninh của chính mình sau khi tình hình chính trị trong nước tạo điều kiện thoát khỏi ảnh hưởng quá mức của Mỹ.
Việc Nhật Bản chuyển đổi sang tự sản xuất tên lửa siêu thanh sẽ cho phép Tokyo tạo lập sức mạnh răn đe kiềm chế hiệu quả với bất kỳ kẻ thù tiềm tàng trong khu vực, kể cả Trung Quốc.
Đương nhiên, theo ông Kashin, Nhật Bản còn chưa thể sánh với Trung Quốc về tổng lực quân sự, nhưng sự xuất hiện của vũ khí siêu thanh kết hợp với một số khả năng khác của lực lượng vũ trang Nhật có thể khiến Trung Quốc thành đối thủ phải đương đầu trong cuộc xung đột giả định rất nguy hiểm với Tokyo.
Trong đó, cần tính đến chi tiết rằng tiếp sau sự sụp đổ thực tế không thể tránh khỏi của hệ thống kiểm soát vũ khí có thể là đổ vỡ cả hệ thống không phổ biến vũ khí, mà kết cục là Nhật Bản và có thể cả Hàn Quốc sẽ tính đến lựa chọn vũ khí hạt nhân.
Kết hợp với các phương tiện mang hiệu quả như tên lửa siêu thanh, vũ khí hạt nhân của Nhật Bản sẽ có thể cung cấp mức độ an ninh cao cho Tokyo và giảm thiểu nhu cầu liên minh với Hoa Kỳ.
Rõ ràng, bước ngoặt cấp tiến như vậy là ít có thể, nhưng vẫn không nên loại trừ hoàn toàn, trong bối cảnh đang diễn ra sự hỗn loạn trong quan hệ quốc tế hiện nay - chuyên gia Kashin nhấn mạnh.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận