ĐT U19 Việt Nam trước cơ hội làm nên lịch sử. |
Cuối tuần vừa rồi, người hâm mộ Việt Nam một lần nữa bị CLB Mito Hollyhock “xỏ mũi” ngoạn mục. Trước đó một tuần, Mito Hollhock đã bắn tin, trận gặp Yokohama tại vòng 37 J-League 2 được chọn là sự kiện tôn vinh tinh thần hữu nghị giữa Ibaraki (Nhật Bản) và Việt Nam.
Với vỏ bọc này, Mito Hollyhock được cho rằng sẽ để Công Phượng ra sân ngay từ đầu. Nhằm gia tăng hiệu ứng, Yokohama cũng trao cho Tuấn Anh suất đá chính. Công Phượng đối đầu Tuấn Anh, một sự kiện quá đặc biệt với những yêu bóng đá Việt Nam, yêu lứa U19 từng làm mưa làm gió năm nào.
Mito Hollyhock thậm chí liên tục dùng cụm từ “derby Việt Nam” để nói về trận đấu với Yokohama. Sẽ chẳng có gì đáng bàn nếu Tuấn Anh và Công Phượng cùng vào sân ngay từ đầu. Thực tế, Tuấn Anh không có tên trong danh sách đăng ký thi đấu của Yokohama, còn Công Phượng vào sân 10 phút và chưa kịp chạm bóng.
Sau trận đấu, truyền thông Việt Nam đồng loạt lên án cách làm của Mito Hollyhock và Yokohama. Họ cho rằng, hai đội bóng Nhật đã PR quá lố cũng như cố tình lợi dụng tình cảm của người hâm mộ Việt Nam. Tuy vậy, trách người cũng nên ngẫm tới ta. Bóng đá xứ ta vốn chẳng thể bằng bạn bằng bè, vốn mang nhiều thất vọng nên chỉ cần một chút cái đẹp cũng đủ làm người hâm mộ mê mẩn. Công Phượng và những đồng đội ở ĐT U19 năm nào chính là một chút cái đẹp đó. Tất cả dõi theo hành trình mà Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường một cách đầy say mê, hứng khởi.
Thử hình dung, nếu không có tình cảm, sự yêu mến đặc biệt từ người hâm mộ, bộ ba HAGL liệu có cơ hội “du học”? Và cũng tình cảm, sự yêu mến đặc biệt đó khiến người hâm mộ, truyền thông Việt Nam sập bẫy việt vị của Mito Hollyhock hay Yokohama. Lần này qua lần khác, họ hứa hẹn về trận “derby Việt Nam” nhưng đến nay, khi hợp đồng giữa các bên sắp mãn hạn, người hâm mộ vẫn chưa thể chứng kiến Công Phượng đọ sức với Tuấn Anh.
Nhân bàn về tình yêu của người hâm mộ ta thấy, bóng đá Việt Nam nói riêng, Đông Nam Á nói chung quan tâm một cách thái quá tới các lứa trẻ. Mỗi lần có giải U19 hay U16 Đông Nam Á, bầu không khí luôn giống như ngày hội. Thực trạng này được chuyên gia Trịnh Minh Huế cô đọng lại rằng, do bóng đá lớn gây thất vọng nên người hâm mộ quay sang yêu bóng đá trẻ. Cựu thuyền trưởng CLB Thể Công cũng khẳng định, trong mọi hoàn cảnh, ĐTQG mới là bộ mặt, thể hiện sự phát triển của cả nền bóng đá chứ không phải các lứa U.
Thế nhưng, tình yêu không có lỗi, chỉ là do không thể mơ ước những điều lớn lao, người hâm mộ đành hài lòng với những giấc mơ con. Như việc U19 Việt Nam thắng tưng bừng một trận ở giải châu Á, hay việc Công Phượng, Tuấn Anh được ra sân ở J-League 2. Ngặt nỗi, cả những giấc mơ con đó cũng vẫn là điều xa xỉ.
>>> Xem thêm video:
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận