Thế giới

Chuyển giao quyền lực sau chính biến ở Zimbabwe

20/11/2017, 07:53

Zimbabwe đang dần tiến hành cuộc chuyển giao quyền lực bất bạo động dưới sự ủng hộ rộng rãi của người dân.

31

Người dân Zimbabwe nhảy múa kêu gọi Tổng thống Robert Mugabe từ chức

Phế truất Tổng thống, sa thải Phu nhân

Hôm qua (19/11), lãnh đạo đảng cầm quyền ZANU-PF của Zimbabwe đã tổ chức cuộc họp bất thường về việc thông qua quyết định phế truất Tổng thống Robert Mugabe, vị lãnh đạo duy nhất tại đất nước miền Nam châu Phi kể từ khi nước này giành độc lập 37 năm trước, hãng tin Reuters dẫn lời 2 nguồn tin trong đảng ZANU-PF cho hay.

Cuộc gặp bất thường của Ủy ban Trung ương đảng ZANU-PF tổ chức vào khoảng 10h30 sáng 19/11 theo giờ địa phương (tức khoảng 15h30 theo giờ VN), sau 4 ngày kể từ khi quân đội chiếm quyền. Trong một diễn biến khác, cùng ngày, theo kênh Truyền hình Nhà nước Zimbabwe, ông Mugabe, 93 tuổi đã gặp gỡ các lãnh đạo quân đội.

Tiếp sau đây, Ủy ban Trung ương đảng ZANU-PF sẽ tái bổ nhiệm ông Emmerson Mnangagwa làm Phó chủ tịch đảng, khôi phục lại sự nghiệp chính trị của vị cựu Giám đốc An ninh nổi tiếng với biệt danh “Cá sấu” sau khi ông bị sa thải hồi đầu tháng.

Trong khi đó, theo một số nguồn tin, phu nhân Tổng thống Mugabe sẽ bị sa thải khỏi vị trí Chủ tịch Liên đoàn Phụ nữ đảng ZANU-PF khi bà đang được đồn đoán sẽ là người kế nhiệm chồng làm Tổng thống.

Dưới sự quản thúc tại gia trong căn biệt thự “mái xanh”, ông Mugabe bác bỏ việc từ chức bất chấp thực tế sự ủng hộ từ đảng cầm quyền, lực lượng an ninh và người dân đối với ông đã "bốc hơi" nhanh chóng trong chưa đầy 3 ngày. Bệ đỡ ủng hộ của Tổng thống Mugabe đang ngày càng sụt lún.

Những cựu chiến binh vì độc lập từng chiến đấu cùng ông Mugabe năm xưa cũng kêu gọi vị lãnh đạo này từ chức. Cháu trai Tổng thống Mugabe, ông Patrick Zhuwao cho biết, vị lãnh đạo Zimbabwe cùng phu nhân tuyên bố sẵn sàng “chết vì lẽ phải” còn hơn là từ chức và hợp thức hóa cuộc đảo chính này của quân đội.

Cú “ngã ngựa” đau đớn của hai vợ chồng Tổng thống Mugabe sẽ tạo ra làn sóng quan ngại mạnh tràn khắp châu Phi, nơi đang có rất nhiều lãnh đạo tại nhiệm lâu năm như Tổng thống Uganda Yoweri Museveni và Tổng thống Cộng hoà Congo Joseph Kabila, những người cũng đang đối mặt những áp lực tăng cao phải từ chức.

Phản ứng của người dân

Trước đó một ngày, hàng trăm nghìn người dân ùn ùn đổ ra đường phố Thủ đô Harare, ca hát, nhảy múa và ôm các binh lính để biểu hiện cảm xúc hân hoan trước diễn biến ông Mugabe có thể bị phế truất. Rất đông người dân Zimbabwe vui mừng vì hành động của quân đội, chấm dứt những tháng ngày đất nước trì trệ dưới quyền ông Mugabe.

Trong đó, không ít người gọi đây là “một cuộc giải phóng thứ 2” đối với đất nước này và nói về ước mơ thay đổi kinh tế, chính trị sau hàng chục thập kỷ lún sâu vào khốn khó.

“Đã có những giọt nước mắt hạnh phúc”, ông Frank Mutsindikwa, 34 tuổi cầm cờ Zimbabwe chia sẻ. “Tôi đã chờ ngày này cả cuộc đời. Cuối cùng cũng đã có sự thay đổi. Chúng tôi cuối cùng cũng được cảm nhận phần nào tự do!”, ông Frank nói với giọng điệu đầy hạnh phúc.

Cho đến nay, đám đông người dân trên đường phố Thủ đô Harare coi hành động can thiệp của quân đội là vì thay đổi, ủng hộ những nhận định rằng, đây đơn thuần ảnh hưởng tới việc chuyển giao quyền lực pháp lý. Do đó, có thể tránh những phản ứng dữ dội về ngoại giao theo sau mỗi cuộc đảo chính.

Phóng viên thường trú của BBC tại Harare, cô Anne Soy nhận định, dù Tổng thống Mugabe khăng khăng không từ chức nhưng việc hàng chục nghìn người dân đổ ra đường, kêu gọi Tổng thống chấp nhận thực tế, phần nào làm nên tính pháp lý cho cuộc chuyển giao quyền lực tại đất nước này.

Mỹ, đất nước vốn chỉ trích việc ông Mugabe trị vì Zimbabwe lâu năm, bày tỏ, họ trông đợi một “thế kỷ mới” tại Zimbabwe. Trong khi đó, Tổng thống Botswana, ông Ian Khama cho rằng, ông Mugabe không có sự ủng hộ về ngoại giao trong khu vực và nên từ chức để bảo toàn danh dự. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.