An ninh hình sự

Chuyện giật mình sau đêm vây bắt 40 “quái xế” tuổi teen

03/12/2021, 07:10

Chỉ trong một đêm, lực lượng cảnh sát Hà Nội đã vây bắt được gần 40 “quái xế”, đa phần đều ở độ tuổi học sinh cấp 2, cấp 3.

Từ lời khai của các đối tượng cho thấy, chính sự chiều chuộng, thiếu quan tâm của một số bậc làm cha mẹ đã vô tình đẩy những đứa trẻ vào thú tiêu khiển nguy hiểm, vi phạm pháp luật.

img

Nhóm “quái xế” liều lĩnh quay đầu bỏ chạy và bị té ngã

“Công an đuổi càng hưng phấn”

Gần 40 “quái xế” bị lực lượng CSGT, cảnh sát hình sự, cảnh sát cơ động Công an TP Hà Nội tổ chức vây bắt đêm 21, rạng sáng 22/11 đều đang trong độ tuổi học sinh từ lớp 9 đến lớp 12.

Dù còn ít tuổi nhưng sự liều lĩnh, manh động của những “quái xế” tuổi teen này đã khiến lực lượng cảnh sát vô cùng vất vả, thậm chí phải đối mặt với nguy hiểm tính mạng trong quá trình vây bắt.

Không chỉ ở Hà Nội mà ở Tiền Giang, Hậu Giang vừa qua, nhóm đua xe còn chặn cả quốc lộ, đường giao thông để làm sân bãi. Bên cạnh đối tượng đua xe còn có những đối tượng hô hào kích động, rồi một số cơ sở chuyên độ xe đã treo giải thưởng, khuyến khích để nhóm thanh thiếu niên đua xe, vì vậy càng thu hút đối tượng đua xe.
Với các vụ việc đua xe, cơ quan điều tra cần vào cuộc làm rõ từng trường hợp, xử lý nghiêm để đảm bảo tính răn đe. Nếu đủ 17 tuổi, có hành vi côn đồ, chống đối thì phải xử lý hình sự. Ngoài ra, cần xác định có hay không việc giao xe cho người chưa đủ điều kiện, từ đó nâng cao ý thức, trách nhiệm của người lớn.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó chủ nhiệm
Đoàn Luật sư TP.HCM

Là người trực tiếp tham gia vây bắt các “quái xế” đêm 21/11, Trung tá Đinh Ngọc Đạo, Tổ trưởng Tổ công tác đặc biệt Y1/141 Công an TP Hà Nội cho biết, mặc dù các lực lượng cảnh sát đã chia tổ, lập chốt, dùng các tín hiệu dây chăng phản quang, còi, đèn pin soi thông báo... nhưng nhóm “quái xế” vẫn bất chấp, rất liều lĩnh phi thẳng vào tổ công tác.

“Khi cảnh sát hình sự, cơ động tiến ra phía trước, chạm tay vào đầu xe rồi, nhóm “quái xế” vẫn rồ ga lách tay lái qua, nghiêng xe cúi rạp người xuống mặt đường khiến chân chống xe toé lửa... để thoát thân”, Trung tá Đạo kể.

Trung tá Chu Văn Sỹ, Tổ trưởng Tổ công tác đặc biệt Y2/141 Công an TP Hà Nội chia sẻ, thời điểm trên, Tổ Y2 đảm nhận vị trí chốt số 2 đường Trần Quang Khải, giao nhau với đường Trần Hưng Đạo để phối hợp với các tổ khác chặn bắt các đối tượng “thông chốt”.

“Tổ Y2 đã bố trí cảnh báo 3 lớp dây phản quang, mỗi lớp cách nhau 30m. Nhưng các “quái xế” vẫn tăng ga, quay ngược đầu bỏ chạy bạt mạng rất nguy hiểm khiến tổ công tác phải lựa tình huống áp chế. Khi giữ được xe, có những tay lái mới chỉ 15 tuổi, nhưng thái độ rất lì lợm, không hề run sợ”, Trung tá Sỹ cho hay.

Khi được đưa về trụ sở cơ quan công an để làm việc, các “quái xế” lộ rõ những khuôn mặt non nớt, nhiều đối tượng còn đeo kính cận nhìn ngơ ngác, nhưng thái độ đều khá thản nhiên, thậm chí là bất cần.

“Lời khai của bọn trẻ làm chúng tôi cũng giật mình. Các đối tượng khai nhận, tham gia đoàn đua nhằm “phóng xe lượn phố để tỉnh rượu”, “biết dễ gây tai nạn nhưng vui”; thậm chí thừa nhận “khiêu khích cảnh sát đuổi cho hưng phấn”, “bị bắt thì đâm vào tổ công tác mà thoát”...”, Trung tá Đinh Ngọc Đạo nhớ lại.

17 tuổi, chưa đủ tuổi để thi GPLX, nhưng Nguyễn Tùng Linh (SN 2004, ở quận Tây Hồ) đã điều khiển xe máy Wave chở Nguyễn Mạnh D. (SN 2008) gia nhập đoàn đua với tốc độ 70-80km/h.

Linh cho biết lúc đi nhanh như vậy rất sợ đâm vào người khác nhưng “vì vui nên vẫn đi”.

Trần Anh Đ. (SN 2007, ở quận Hoàn Kiếm) cũng dưới 18 tuổi, nhưng đã bỏ học từ hồi lớp 6. Đ. cũng thừa nhận “đang đi dạo trên phố cổ thì thấy đoàn xe phóng nhanh chạy qua nên nhập theo”.

Đ. bị bắt giữ trong tình trạng không đội mũ bảo hiểm, xe che biển số bằng tem, phóng nhanh, lạng lách, đánh võng.

Tại cơ quan công an, Đ. cho biết “sẵn sàng tông thẳng vào tổ công tác 141 khi thấy tín hiệu yêu cầu dừng xe với mục đích thoát thân”.

Thậm chí, Phạm Quang M. (ở Thái Hà) khi bị lực lượng chức năng bắt giữ còn trong tình trạng say xỉn, cố tình phóng xe lao vào lực lượng công an để tẩu thoát.

“Khi bị bắt, nhóm “quái xế” đều nói biết đua xe là sai và lúc đầu đua xe cũng sợ nhưng khi ra đến hiện trường được cổ vũ, kích động, hò hét của những người bên đường thì “quên” sợ. Dần dà, đua xe trở thành thú vui tiêu khiển của những thiếu niên này, thậm chí nhiều đối tượng thấy công an truy đuổi lại càng phấn khích”, Trung tá Sỹ kể.

Con đi đua xe, phụ huynh nghĩ đi… mượn sách

img

Các quái xế đều dưới 18 tuổi, có em mới 14-15 tuổi

Nguyễn M.D. đang là học sinh lớp 8, gia đình có điều kiện, sinh sống trong một căn chung cư cao cấp của Hà Nội. Bị giữ lại khi ngồi sau một chiếc xe gia nhập đoàn đua, D. đã đưa cho tổ công tác số điện thoại của bố mẹ.

Khi biết tin con gia nhập đoàn đua xe, gia đình L. đã rất hoảng hốt, lo lắng vì vẫn nghĩ con đang đến nhà bạn mượn sách!

Theo Trung tá Đinh Ngọc Đạo, quá trình bắt giữ nhóm quái xế, trong số các “quái xế” bị khống chế, có không ít em là nữ.

Do các em đều ở độ tuổi dưới 18, nên cảnh sát đã mời phụ huynh tới làm việc. Các phụ huynh đều tỏ ra bất ngờ, cho biết họ không nghĩ con đi đua xe.

“Có phụ huynh chỉ biết con mượn xe đi chơi một lúc, có người cũng không biết con lấy xe đi ra khỏi nhà lúc nào; có người bảo con xin phép sang nhà bạn bè mượn sách vở. Trong khi đó, nhiều phương tiện bị tạm giữ đã được độ chế, gia cố thiết bị để tăng công suất máy đạt vận tốc cao nên việc cha mẹ không biết con cái sử dụng xe máy thế nào, rồi giao xe khi con chưa đủ tuổi, chưa có bằng lái... thực sự là sự bất cẩn của người lớn”, Trung tá Đạo cho biết.

Tiến sĩ Đào Trung Hiếu - chuyên gia tội phạm học cho biết, đua xe đang được coi như thú tiêu khiển đầy nguy hiểm của giới trẻ. Các trường hợp đua xe thường là các đối tượng trẻ - độ tuổi có tâm lý hiếu động, giàu năng lượng, muốn làm việc chứng tỏ bản lĩnh của bản thân, muốn thể hiện mình trước mắt người khác.

Đặc điểm của nhóm đối tượng này là còn thiếu nhận thức về pháp luật.

“Qua theo dõi, các đối tượng tham gia đua xe trái phép phần lớn thuộc các gia đình có hoàn cảnh đặc biệt, thiếu sự quan tâm chăm sóc của bố mẹ. Do đó, các gia đình cũng cần quan tâm, có biện pháp quản lý con em mình tốt hơn. Việc các gia đình giao xe cho các con khi chưa đủ tuổi, chưa có GPLX, con chỉ 12-14 tuổi mà đêm khuya khoắt vẫn chưa về nhà, là có phần trách nhiệm của cha mẹ”, TS. Hiếu phân tích.

Với lực lượng chức năng, ông Hiếu cho rằng, cần tăng cường tuần tra, ngăn chặn, xử lý nghiêm để cảnh báo, răn đe, tạo thành ý thức xã hội rằng đua xe là xấu, vi phạm pháp luật, không nên - không dám và không muốn đua xe, không thể đua xe.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.