Báo Giao thông đã có cuộc trò chuyện cùng ông Đoàn Anh Tuấn, Trưởng phòng Các đội tuyển Quốc gia, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam để hiểu rõ hơn công việc “nâng khăn, sửa áo”, lo từng bữa ăn, giấc ngủ cho đội tuyển.
Ông Đoàn Anh Tuấn (thứ 2 từ phải sang) cùng ban huấn luyện U23 Việt Nam ăn mừng HCV SEA Games 30. Ảnh: Nhật Đoàn
Công việc ít người biết
Trước mỗi chuyến các đội tuyển ra nước ngoài thi đấu, ông cùng cộng sự phải lên kế hoạch chuẩn bị trong bao lâu và đó là những công việc gì?
Chúng tôi bắt đầu chuẩn bị ngay từ khi đội tuyển còn chưa hội quân, có khi công việc phải tiến hành trước cả tháng trời. Đầu việc thì nhiều lắm, cơ bản sẽ bao gồm làm visa; chuẩn bị thuốc men; thực phẩm chức năng; dụng cụ tập luyện và chữa trị; công tác tiền trạm nơi ăn ở, tập luyện cho đội…
Không chỉ khi thi đấu ở nước ngoài mà cả khi đội tuyển tập trung trong nước, đội ngũ hậu cần cũng phải hoạt động hết công suất. Từ quy trình gọi cầu thủ tới chuẩn bị quần áo, nước uống, dinh dưỡng, y tế, thiết bị tập luyện và sân bãi, chữa trị chấn thương, tổ chức giao hữu…
Ông Đoàn Anh Tuấn
Mất nhiều thời gian và phức tạp hơn cả là làm visa, bởi một số quốc gia việc nhập cảnh trong mùa dịch có những quy định rất chặt chẽ.
Đó là chưa kể tới việc phải đổi visa vì cầu thủ dính chấn thương hay nhiễm Covid-19 và cầu thủ khác lên thay.
Về hành lý, những gì các đội tuyển bắt buộc phải mang theo khi thi đấu ở nước ngoài? Tổng trọng lượng mỗi lần vận chuyển khoảng bao nhiêu kg?
Như tôi đã nói, đội tuyển ra nước ngoài thi đấu cần mang theo các loại dụng cụ phục vụ cho tập luyện và điều trị chấn thương nhẹ.
Cạnh đó, đội còn mang theo rất nhiều loại thuốc, thực phẩm chức năng theo yêu cầu của HLV trưởng. Thế nên mỗi đội tuyển sự chuẩn bị lại khác nhau.
Tổng trọng lượng còn phụ thuộc vào việc đội tuyển thi đấu ngắn ngày hay dài ngày, tối đa có thể lên tới khoảng 1 tấn hành lý.
Khi đội tuyển thi đấu ngắn ngày và dài ngày tại nước ngoài, việc chuẩn bị hậu cần khác nhau ra sao?
Về cơ bản sẽ không có quá nhiều khác biệt nhưng nếu đi dài ngày thì quần áo cầu thủ cần nhiều hơn. Số lượng thuốc, thực phẩm chức năng tăng lên. Công tác tiền trạm cũng phải thực hiện sớm, chi tiết hơn.
Đội tuyển Trung Quốc và Ả Rập Xê Út từng vận chuyển khối lượng hành lý lên tới 10 tấn khi thi đấu nước ngoài, theo ông sự khác biệt giữa họ và chúng ta ở đâu?
Họ dư giả kinh phí nên đội ngũ ban huấn luyện, nhân viên theo đội rất đông, từ đó hành lý phục vụ cũng lớn. Ngoài ra, họ còn sẵn sàng mang theo rất nhiều vật dụng phụ trợ.
Ví dụ như tuyển Ả Rập Xê Út từng mang cả xe đạp để cầu thủ rèn luyện hay tuyển Trung Quốc mang cả bàn billard, bóng bàn để giúp cầu thủ giải trí.
Rồi họ cũng mang rất nhiều loại máy móc khác nhau, có thể là cả một dàn máy tính phục vụ việc phân tích đối thủ. Đó là chưa kể họ sẵn sàng mang đầu bếp, rất nhiều thực phẩm để tự nấu nướng chứ không ăn theo sự sắp xếp của nước chủ nhà.
Với các đội tuyển Việt Nam, thẳng thắn mà nói, dù đã được quan tâm hơn trước rất nhiều nhưng cơ bản chúng ta vẫn chủ trương sắp xếp sao cho tiết kiệm, hợp lý.
Việc mang thêm khối lượng hành lý lớn sẽ kéo theo nhiều chi phí. Nói cách khác, chúng ta phải liệu cơm gắp mắm, chỉ mang những thứ cần thiết.
Thành công không ai nhớ, thất bại lại hứng chịu
Đội ngũ hậu cần của các đội tuyển luôn đi trước, về sau. Ảnh: Khánh Linh
Ông đã từng gặp sự cố đáng nhớ nào trong quá trình chăm lo hậu cần cho các đội tuyển?
Mỗi lần di chuyển lại là một lần khác nhau, không có sự dập khuôn nào cả. Vì thế sự cố là không tránh khỏi. Tuy nhiên, từ khi tôi nhận nhiệm vụ tới nay, rất may mắn là chưa có sự cố nào lớn, ảnh hưởng tới cả đội.
Tôi còn nhớ năm 2017, khi tuyển U20 Việt Nam sang Hàn Quốc dự World Cup, tôi có nhờ cầu thủ đẩy giúp 1 kiện hành lý là chiếc máy điều trị nhưng bạn ấy mải di chuyển nên quên.
Chúng tôi ra sau cứ nghĩ kiện hàng được đẩy đi rồi. Mãi tới khi về khách sạn tôi mới phát hiện ra. Sau đó tôi phải ngồi xe bus 5 tiếng đồng hồ quay lại sân bay nhận nốt kiện hàng đó.
Lần tiền trạm để đưa đội tuyển sang UAE dự vòng loại thứ 2 World Cup 2022, UAE có quy định phải có 2 loại test Covid-19 là làm trước 6 tiếng và 72 tiếng trước thời điểm lên máy bay. Phía phòng vé không thông báo rõ. Khi tôi ra sân bay mới được biết điều này, sân bay Qatar không xét nghiệm nên tôi buộc phải quay về để hôm sau làm xét nghiệm rồi bay theo lịch trình cũ.
Đó là khi chuẩn bị, còn khi giải bắt đầu chạy thì mọi thứ được vận hành tương đối ổn định. Một vài phát sinh nhỏ như xe bus tới chậm, đổi sân tập hay thức ăn cần điều chỉnh, chúng tôi sẽ làm việc với nước chủ nhà để giải quyết.
Những năm gần đây, các đội tuyển liên tục thi đấu ở nước ngoài, ông và cộng sự có cảm thấy công việc áp lực?
Công việc nào cũng có áp lực, làm chuyên môn có áp lực của chuyên môn, khâu hậu cần có áp lực của hậu cần. Liên đoàn thường ban hành kế hoạch hoạt động các đội tuyển từ đầu năm, chúng tôi chủ động dựa vào đó để xây dựng các phương án phục vụ đội tuyển nên không gặp quá nhiều trở ngại.
Tuy vậy, có thời gian cao điểm, nhất là vào khoảng các tháng giữa năm, khi gần như tất cả các đội tuyển đều hoạt động thì chúng tôi cũng rơi vào quá tải bởi nhân sự mỏng.
Ông Đoàn Anh Tuấn (trái) luôn có mặt khi các đội tuyển thi đấu ở nước ngoài. Ảnh: Nhật Đoàn
Trong mỗi chuyến thi đấu nước ngoài của đội tuyển, đội ngũ hậu cần luôn phải “đi trước về sau”. Nhưng khi các đội tuyển thành công, ông và cộng sự gần như không mấy ai biết tới. Đã khi nào ông cảm thấy chạnh lòng?
Chạnh lòng thì không nhưng cũng có chút buồn. Cũng cần nói thêm, phòng Các đội tuyển là khâu tiếp xúc trực tiếp nhất, gần gũi nhất với các cầu thủ, nhưng để vận hành một đội tuyển trơn tru thì cần rất nhiều khâu.
Ra nước ngoài cần phòng Quan hệ quốc tế; văn phòng hỗ trợ làm visa, đưa đón, địa điểm tập luyện; tài chính cũng cần có kế hoạch chi kịp thời cho các hoạt động; chăm sóc sức khỏe cần tới đội ngũ y tế; lan tỏa hình ảnh là đội ngũ Truyền thông hay thi đấu cần phòng Tổ chức thi đấu…
Bản thân lãnh đạo VFF cũng phải chạy đôn chạy đáo lo đối nội, đối ngoại để đội tuyển được tạo điều kiện tốt.
Khi đội tuyển thành công, HLV và cầu thủ được ca ngợi, tung hô còn VFF không được nhắc tới. Tuy nhiên, khi đội tuyển thất bại, VFF lại hứng chịu rất nhiều chỉ trích.
Tôi chỉ mong sao dư luận, người hâm mộ có cái nhìn công bằng với những gì mà tập thể lãnh đạo, cán bộ, nhân viên các phòng, ban VFF đã và đang làm.
Các HLV, cầu thủ có những chia sẻ gì với ông và cộng sự đằng sau sự hỗ trợ của đội ngũ hậu cần?
Thông thường mỗi lần đội tuyển có hoạt động tập luyện thi đấu ở nước ngoài, các cầu thủ và Ban huấn luyện đều có những món quà tặng cho chúng tôi. Dù nhỏ thôi nhưng điều này giúp chúng tôi có thêm động lực để làm việc.
Cảm ơn ông!
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận