Chuyển học phí sang giá dịch vụ: "Tên gọi không thành vấn đề"

30/05/2018, 14:13

Trước ý kiến phản đối chuyển học phí thành giá dịch vụ, ĐBQH Hoàng Văn Cường nói "tên gọi không thành vấn đề".

hoc-phi-thanh-gia-dich-vu

Đại biểu Hoàng Văn Cường nhận định về đề xuất chuyển học phí thành giá dịch vụ đào tạo

Lý giải đề xuất của Bộ GD-ĐT đổi tên học phí thành giá dịch vụ đào tạo, Đại biểu Hoàng Văn Cường, Phó hiệu trưởng ĐH Kinh tế quốc dân nhận định: “Nội hàm học phí và giá dịch vụ là khác nhau, học phí được quy định theo Luật Phí và lệ phí do Nhà nước ấn định. Còn khi nói đến giá dịch vụ tức là yếu tố được xác định theo Luật Giá”.

Tuy nhiên, trước ý kiến phản đối không nên dùng từ “giá dịch vụ đào tạo” thay cho học phí, ông Cường nói: “Tôi nghĩ tên gọi không phải là vấn đề, đây là do quan niệm của chúng ta. Nhưng gọi tên nào đó thì phải đưa vào trong luật để ấn định thành một tên gọi thống nhất chung“.

ĐBQH đang công tác trong ngành giáo dục này lấy ví dụ: Một cơ sở đào tạo có quyền thông báo học phí, nhưng phải hiểu bản chất học phí được xác định trên cơ chế giá, không phải học phí là phí do Nhà nước ấn định.

Vị Phó hiệu trưởng ĐH Kinh tế Quốc dân nhấn mạnh người dân cần thay đổi hoàn toàn quan niệm tiền thu phí và thu giá.

“Phí là phần Nhà nước đã ấn định theo luật phí và lệ phí, như vậy những cơ sở giáo dục đào tạo không thể thay đổi phí khi Nhà nước đã ấn định. Còn khi gọi giá dịch vụ đào tạo thì các cơ sở giáo dục đào tạo có quyền tính đúng, tính đủ các chi phí hợp lý mà được chấp nhận và trở thành chi phí đào tạo mà người học phải trả cho các cơ sở đào tạo đó. Do đó, việc dùng giá dịch vụ đào tạo sẽ đảm bảo tính công bằng, công khai, minh bạch và sự lựa chọn cho các cơ sở cung cấp dịch vụ cũng như phía người học”, ông Cường phân tích.

Cũng theo ông Cường, việc đưa học phí về với giá dịch vụ sẽ góp phần thay đổi rất lớn đến chất lượng đào tạo.

“Hiện nay, có rất nhiều chương trình đào tạo cần phải có sự đầu tư lớn hơn, cá biệt hơn như máy móc thiết bị, thậm chí có thể phải mời chuyên gia kinh tế. Nhưng nếu chúng ta cứ sử dụng phí và học phí do Nhà nước ấn định thì những cơ sở đào tạo dù có năng lực tốt đến mấy, người học cũng mong muốn đạt được dịch vụ cao đến mấy thì cũng không thể thực  hiện được.

Nếu chúng ta thay đổi giá dịch vụ thì các cơ sở đào tạo sẽ đưa ra những sản phẩm đào tạo đáp ứng được nhu cầu người học, còn người học cũng thấy rằng đây mới là thứ người ta cần. Chi phí có thể cao nhưng người học mong muốn được tiếp cận với dịch vụ, chất lượng đó thì sẽ tạo ra được sản phẩm đào tạo rất khác nhau, mỗi sản phẩm đấy sẽ tương ứng những chi phí khác nhau. Chi phí này được công khai, minh bạch mà không phải ấn định như hàng hóa thông thường trên thị trường”, vị đại biểu lý giải.

Trước đó, trong báo cáo thẩm tra Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học của Quốc hội cũng cho biết: Đa số tán thành việc tính đúng, tính đủ chi phí cần thiết cho hoạt động đào tạo theo cơ chế giá dịch vụ và cho phép cơ sở GDĐH được tự chủ quyết định mức giá dịch vụ đào tạo đối với các dịch vụ không sử dụng ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, không nhất trí việc thay thuật ngữ học phí bằng giá dịch vụ đào tạo như thể hiện trong Dự thảo Luật và do đó đề nghị cân nhắc sử dụng khái niệm học phí như quy định trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.