Hơn 7,5 tỷ USD làm 653km đường sắt
Đường sắt khép kín quanh đảo Hải Nam là tuyến vành đai đường sắt vòng quanh đảo đầu tiên trên thế giới, có thể chịu đựng hàng loạt thách thức về điều kiện thời tiết như mưa, bão, động đất trên hòn đảo nhiệt đới này. Tuyến dài 653km, nối thành phố cổ Hải Khẩu ở phía bắc đảo với Tam Á ở phía nam đảo theo hình tròn, đi qua 25 ga.
Đồ họa về vành đai đường sắt cao tốc tại Hải Nam.
Nếu đi liên tục, tuyến đường này đưa người dân, khách du lịch đi vòng quanh hòn đảo chỉ trong vòng 5 giờ, qua ba thành phố lớn nhất ở Hải Nam là: Hải Khẩu, Đan Châu và Tam Á.
Dự án này được thực hiện trong 8 năm (không tính thời gian đề xuất ý tưởng, phê duyệt dự án), chia thành hai giai đoạn chính là phần phía Đông và phía Tây.
Báo Economic Times dẫn lời ông Mehg Wei Hua, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Đường sắt Quảng Châu cho biết, phần phía Đông của vành đai đường sắt Hải Nam có tổng chiều dài 308km, tốc độ thiết kế 250km/h, khởi công xây dựng tháng 9/2007, đi vào hoạt động tháng 12/2010.
Chi phí của đoạn phía Đông tại thời điểm đó là 22,22 tỷ Nhân dân tệ (tương đương 3,3 tỷ USD) do Bộ Đường sắt Trung Quốc (sau này bộ đã bị giải thể) và chính quyền tỉnh Hải Nam cùng rót vốn. Tại thời điểm này, đây là khoản đầu tư riêng lẻ cho một dự án lớn nhất tại Hải Nam.
Khoảng 50.000 nhân công từ hơn 20 tổ hợp xây dựng đã được huy động làm việc ngày đêm, đưa dự án về đích chỉ trong 39 tháng, sớm hơn 9 tháng so với dự kiến 48 tháng như ban đầu.
Tại lễ khai trương tuyến đường phía Đông, ông Luo Baoming – Tỉnh trưởng Hải Nam lúc đó khẳng định, tuyến đường sắt này sẽ giúp thúc đẩy đô thị hóa, cải thiện đáng kể khả năng vận tải của hòn đảo.
Còn phần phía Tây có tổng chiều dài 345km, tốc độ thiết kế trên 200km/h, khởi công tháng 9/2013 với tổng vốn đầu tư 27 tỷ Nhân dân tệ (tương đương 4,23 tỷ USD) và hoàn thành chỉ sau hơn 2 năm.
Dự án phía Tây bắt đầu vận hành tháng 12/2015, khép kín vành đai đường sắt vòng quanh đảo Hải Nam, kết nối tất cả các sân bay ở thiên đường du lịch Hải Nam.
Đáng nói, theo hãng thông tấn Ecns, tuyến đường sắt đã đưa đảo Hải Nam bước vào kỷ nguyên đường sắt cao tốc. Tính đến nay, tuyến đường này phục vụ hàng nghìn hành khách/ngày, bao gồm cả du khách. Mỗi đoàn tàu chạy trên tuyến có thể vận chuyển tối đa 655 hành khách, thậm chí nhiều hơn nếu cần.
Thúc đẩy du lịch
Theo Ecns, bên cạnh tốc độ cao, nhiều người dân địa phương và khách du lịch chọn hành trình này vì giá cả phải chăng. Nếu đi hết một vòng xung quanh đảo bằng tàu cao tốc, tổng chi phí chỉ khoảng 228 nhân dân tệ (34 USD).
Tàu cao tốc Hải Nam thu hút khách du lịch trải nghiệm.
Bên cạnh đó, vành đai đường sắt cao tốc còn được kết nối với các đường bộ cao tốc, bến cảng và cảng hàng không, cải thiện đáng kể cơ sở hạ tầng giao thông công cộng trên đảo Hải Nam.
Những người đam mê tàu hỏa từ khắp nơi trên thế giới cũng đã chọn đường sắt để đi lại, từ đó kích thích du lịch tại hòn đảo nổi tiếng Trung Quốc. Theo người quản lý nhà ga Bạch Mã, có rất nhiều người đến chỉ để đi thử vành đai đường sắt cao tốc này.
Với diện tích đất liền là 35.400 km2, Hải Nam nhỉnh hơn diện tích của Bỉ và là điểm đến nổi tiếng của những người yêu thích biển, trung bình đón 47 triệu du khách/năm. Riêng hai thành phố Hải Khẩu và Tam Á thu hút hơn 60% khách du lịch trên đảo.
Còn với thị trấn Bác Ngao (thuộc thành phố Quỳnh Hải, tỉnh Hải Nam), theo ông Wang Sheng, Chánh Văn phòng Đối ngoại và Hoa kiều tỉnh, phần đường sắt phía Đông là hạ tầng vận tải quan trọng đưa các quan chức đến tham gia Diễn đàn Châu Á Bác Ngao, đồng thời tạo điều kiện cho họ thăm thú nhiều nơi hơn trên đảo với thời gian nhanh chóng.
Thách thức thời tiết khắc nghiệt
Một điểm nhấn của vành đai đường sắt tốc độ cao này chính là khả năng chịu được thời tiết khắc nghiệt của hòn đảo nhiệt đới này. Vành đai đường sắt cao tốc Hải Nam nằm ở phía Nam chí tuyến. Với khí hậu nhiệt đới, hòn đảo có lượng mưa lớn trung bình lên tới 1.759mm mỗi năm.
Bên trong tàu cao tốc trên tuyến Hải Nam.
Để chống lại nhiệt độ, độ ẩm cao và nguy cơ ăn mòn mạnh trên hòn đảo nhiệt đới, các nhà xây dựng đường sắt đã sử dụng một số công nghệ, vật liệu và kỹ thuật mới vào tuyến đường này.
Theo ông Mehg Wei Hua, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Quảng Châu, một số công nghệ được áp dụng như thiết kế độc đáo chống sét, chống động đất, có thể chịu được trận động đất mạnh 8 độ richter. "Trong thời gian bão, cứ sau 10km chúng tôi có một điểm quan trắc thời tiết để kiểm tra hướng gió, sức gió và thực hiện các biện pháp kiểm soát tốc độ phù hợp", ông Hua chia sẻ.
Các tuyến đường sắt cao tốc được rào chắn đầy đủ, trang bị hệ thống giám sát an toàn tiên tiến và hoàn thiện các biện pháp phòng ngừa, cứu nạn, ứng phó thiên tai, từ đó có thể phát hiện và xử lý kịp thời những tình huống thiên tai, tình huống khẩn cấp như gió lớn, mưa, động đất.
Ngoài ra, nhiều công nghệ tiết kiệm năng lượng được áp dụng như sử dụng loại vật liệu mới và công nghệ thông minh trong quá trình xây dựng các nhà ga đường sắt cao tốc.
Còn các đoàn tàu EMU tốc độ cao chạy trên tuyến được trang bị giá chuyển hướng tốc độ cao với hiệu suất giảm rung, hạn chế tiếng ồn bên trong.
Giới chức địa phương cho biết, dự án vành đai đường sắt cao tốc trên đảo Hải Nam đã thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp như luyện kim, chế tạo máy, xây dựng, cao su, điện, công nghệ thông tin, máy tính và đồng hồ đo chính xác của Trung Quốc.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận