Thi viết về GTVT

Chuyện khơi thông tuyến kênh hơn trăm tuổi ở miền Tây

05/07/2023, 10:02

Kênh Chợ Gạo do thực dân Pháp đào từ những năm đầu thế kỷ XX, là tuyến đường thủy huyết mạch, ngắn nhất từ miền Tây đi TP.HCM và ngược lại.

Trước đây, lòng kênh nhỏ hẹp nên thường xuyên ùn tắc hàng cây số, kéo dài 5 - 6 ngày…

Thần tốc gỡ điểm nghẽn

Đứng trên cây cầu Chợ Gạo mới, nhìn xuống dưới dòng kênh, những đoàn sà lan 2.000 tấn nối đuôi nhau, có sà lan xếp đến 3 lớp với hàng chục container đầy ắp hàng hóa, ông Cao Tấn Hưởng, Phó chủ tịch UBND huyện Chợ Gạo không giấu được niềm vui.

Hướng ánh mắt về cách đó khoảng 500m, nơi vẫn còn những dấu tích của cây cầu Chợ Gạo cũ, ông kể: “Ngày trước tàu thuyền nhỏ, lưu thông trên kênh Chợ Gạo qua lại cầu rất bình thường. Nhưng dần dà, nhu cầu ngày một lớn, trong khi khoang thông thuyền chỉ 26m, chỉ đủ cho một sà lan đi qua. Điều này vô tình tạo nên điểm “thắt cổ chai” trên tuyến kênh huyết mạch, nối miền Tây với TP.HCM.

img

Kênh Chợ Gạo hiện quá tải, khoảng 1.000 lượt tàu ghe qua lại mỗi ngày.

Trước tình thế đó, Bộ GTVT đã cấp tốc phê duyệt dự án nâng cấp QL50, trong đó có việc xây mới cầu Chợ Gạo. Dự án triển khai chỉ hơn 2 năm, đến tháng 5/2013 hoàn thành và khơi thông điểm nghẽn này”.

Nhưng làm cầu mới cũng chưa đủ, bởi với lưu lượng phương tiện rất lớn, lòng kênh nhỏ hẹp, tình trạng sạt lở đã bắt đầu xảy ra. Có nhiều gia đình đang ngủ thì nhà bị cuốn trôi xuống sông…

Bộ GTVT thêm lần nữa cấp tốc phê duyệt dự án nâng cấp kênh Chợ Gạo giai đoạn 1, việc thi công được triển khai thần tốc.

Nhớ lại việc triển khai dự án cách đây hơn 10 năm, ông Hưởng cho biết, công tác GPMB với các dự án giao thông lúc nào cũng khó khăn vì phạm vi trải dài.

Tuy nhiên, với dự án kênh Chợ Gạo, cán bộ địa chính của huyện xuống tận nơi để vận động người dân. Vì vậy, 496 hộ dân đã đồng tình bàn giao mặt bằng trước ngày khởi công.

Quá trình thi công dự án, chủ đầu tư đã lựa chọn được được đơn vị thi công là Tổng công ty 319, một đơn vị quân đội nên rất chuyên nghiệp.

Dự án được khởi công cuối năm 2013, hàng ngày thi công trong điều kiện phải đảm bảo an toàn đường thủy, bởi chỉ cần có một sự cố nhỏ là cả tuyến kênh đều tắc nên rất áp lực.

Ông Trần Văn Chung, Chỉ huy trưởng công trình Công ty TNHH MTV 319.2, trực tiếp thi công tại dự án cho biết, công trường lúc nào cũng có hơn 300 công nhân làm ngày đêm.

Nhà thầu triển khai đồng thời 8 mũi thi công, gấp đôi so với hợp đồng để đẩy nhanh tiến độ. Những sà lan chở cát, đá từ Vĩnh Long, Bến Tre, Đồng Nai, An Giang tấp nập nối đuôi nhau về công trường. Hàng trăm công nhân ngày đêm đan rọ, sắp đá để kè bờ.

Thi công đến đâu, nhà thầu phối hợp với chủ đầu tư hoàn thành thủ tục để nghiệm thu đến đó. Thời điểm đó, mỗi tháng nghiệm thu thanh toán khối lượng hơn 50 tỷ đồng được xem là kỷ lục đối với Ban quản lý các dự án đường thủy phía Nam.

Ông Nguyễn Văn Vũ, cán bộ quản lý của Ban quản lý cho hay: “Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của nhà thầu, quản lý chuyên nghiệp của chủ đầu tư, dự án đã về đích vượt 3 tháng”.

Nhộn nhịp trên bến dưới thuyền

img

Người dân hai bên bờ kênh Chợ Gạo xây dựng nhà cửa khang trang sau khi dự án nâng cấp kênh Chợ Gạo được đầu tư xây dựng.

Những ngày cuối tháng 6, chúng tôi có dịp trở lại kênh Chợ Gạo. Chạy dọc tuyến đường ven kênh phía Bắc, ô tô chạy bon bon.

Xa xa, phía bờ Tây, nhiều công nhân, xe cuốc, máy ủi, xáng cạp đang thi công dự án nâng cấp tuyến kênh Chợ Gạo giai đoạn 2.

Đang cắt đám cỏ cho đàn bò, ông Nguyễn Văn Nô (78 tuổi, ngụ ấp Quang Thọ, xã Quơn Long, huyện Chợ Gạo) cho biết, trước đây nhà ông bị sạt lở hơn 100m dài, sâu vào hơn 25m.

Từ khi bờ kè xây dựng, sạt lở không còn nữa. “Tối bà con được ngủ yên giấc, người dân làm nhà kiên cố, mở rộng sản xuất kinh doanh”, ông Nô nói.

Tại khu vực hai bên cầu Chợ Gạo mới, các cửa hàng, quán ăn, nhà cửa của người dân được xây dựng khang trang, mọc lên san sát.

Bà Nguyễn Thị Thu Nguyệt (50 tuổi, ngụ khu 2, thị trấn Chợ Gạo, huyện Chợ Gạo) chủ quán hủ tíu cho biết, từ khi có cầu Chợ Gạo mới, khu vực này trở nên nhộn nhịp. “Mỗi ngày được 100 tô hủ tíu, cuộc sống gia đình vì vậy cũng ổn định hơn”, bà Nguyệt nói.

Hơn 30 năm làm vận tải đường thủy, ông Trương Văn Tem, Giám đốc HTX vận tải Vàm Cỏ Long An cho biết, kênh Chợ Gạo được xem là tuyến đường thủy xương sống chở nông sản từ miền Tây lên TP.HCM, sau đó tỏa đi khắp nước.

“Một tấn hàng trung bình đi từ miền Tây đến TP.HCM có giá 100.000 - 150.000 đồng nếu đi qua kênh Chợ Gạo, còn đi bằng các đường thủy khác lẫn đường bộ, chi phí này sẽ đội lên gấp ba”, ông Tem nói và cho rằng, hiện kênh Chợ Gạo vẫn chưa khai thác hết công suất, do lòng kênh còn cạn, tàu nghìn tấn di chuyển hạn chế khi nước xuống. Sau khi kênh nạo vét hoàn chỉnh giai đoạn 2, tàu có thể chạy 24 giờ, công suất sẽ tăng lên gấp ba.

Theo Trung tá Trần Văn Tân, Trạm phó Trạm CSGT Vàm Kỳ Hôm, Phòng CSGT Công an tỉnh Tiền Giang, trước năm 2012, lượng phương tiện quá lớn, lòng kênh nhỏ hẹp nên có khi ùn tắc hàng mấy cây số, kéo dài 5 - 6 ngày liền.

“Có những ngày, cán bộ, chiến sỹ cả trạm hơn chục người phải ăn mì gói khô liên tục trên mặt nước ngoài hiện trường, trực canh nước thủy triều lên để kịp thời điều tiết phương tiện lưu thông ra khỏi kênh an toàn, giải phóng ùn ứ”, Trung tá Tân nhớ lại và cho biết, từ khi kênh Chợ Gạo được nâng cấp đến nay, tình trạng ùn tắc không còn nữa.

Để xây dựng bộ mặt đô thị khang trang hơn, ông Cao Tấn Hưởng, Phó chủ tịch UBND huyện Chợ Gạo cho biết, huyện đang xây dựng khu trung tâm hành chính tại xã Long Bình Điền, gần khu vực cầu để di dời trụ sở ra đó, nhường khu đất cũ cho dự án nâng cấp kênh Chợ Gạo giai đoạn 2.

Theo tài liệu, từ cuối thế kỷ 18 tại thôn Bình Phan có ngôi chợ nhỏ cạnh bờ sông, là nơi mua bán gạo của người dân, tên gọi Chợ Gạo. Từ địa danh này, năm 1912, thực dân Pháp thành lập quận Chợ Gạo thuộc tỉnh Mỹ Tho.

Để thuận tiện cho việc giao thương hàng hóa, thực dân Pháp đã cho đào một kênh, lấy tên là kênh Chợ Gạo.

Kênh Chợ Gạo là tuyến đường thủy huyết mạch, ngắn nhất để người dân, doanh nghiệp từ miền Tây đi TP.HCM và ngược lại.

Kênh có chiều dài 28,5km đi qua huyện Châu Thành (Long An) và huyện Chợ Gạo, thị xã Gò Công, huyện Gò Công Tây, TP Mỹ Tho (Tiền Giang). Năm 2012, dự án nâng cấp kênh Chợ Gạo giai đoạn 1 đã hoàn thành và bàn giao đưa vào sử dụng với chiều dài 17/28,5km, từ Rạch Lá đến vàm Kỳ Hôn đạt tiêu chuẩn cấp II đường thủy nội địa.

Hiện, mỗi ngày có khoảng 1.200 lượt phương tiện thủy tải trọng từ 200 - 2.000 tấn lưu thông, chủ yếu chở cát, đá, nông sản từ miền Tây đến TP.HCM và ngược lại.

Dự án nâng cấp tuyến kênh Chợ Gạo giai đoạn 2 có tổng mức đầu tư hơn 1.335 tỷ đồng, đến nay tiến độ đã đạt trên 80% khối lượng. Theo kế hoạch, dự án sẽ hoàn thành vào cuối năm nay.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.