Hạn chế tắm gội, dùng nước "quay vòng" là cách hàng nghìn cư dân khu đô thị Thanh Hà (Thanh Oai, Hà Nội) cực chẳng đã phải làm khi chung cư mất nước từ ngày 14/10.
Ban ngày, họ canh me để xin nước ở các tòa nhà được cấp luân phiên. Tối chưa kịp ăn cơm, người người xuống xếp hàng đợi nước từ xe téc.
Giữa thủ đô, người dân phải đề ra quy định sử dụng nước sạch mua từ khoản quỹ tự đóng góp trước đó. Nhận khoảng 3 xô nước loại 20 lít hứng từ xe bồn, các hộ đánh răng, rửa mặt, sau gom lại dội nhà vệ sinh. Nước rửa rau được tận dụng để lau nhà, tưới cây. Có hộ hứng nước chảy ra từ cục nóng điều hòa để rửa bát.
"Khát" nước như thế, đương nhiên tắm gội phải hạn chế và qua loa. Có người dân dùng giấy ướt lau người mong hết hôi hám.
Ăn uống cũng cực khổ. Ngày đầu, một số gia đình bọc nylon vào bát để không phải rửa. Thấy trơn trượt, khó cầm, họ chuyển sang sử dụng bát đũa dùng một lần dù biết việc này gây ô nhiễm.
Tại cuộc họp chiều 16/10, lãnh đạo UBND Thanh Oai và cư dân đều đề nghị Công ty Nước sạch Thanh Hà đưa ra giải pháp xử lý cấp bách, nếu không phải điều xe téc hỗ trợ cư dân nhưng cả hai đều không được thực hiện.
Giữa cuộc sống đảo lộn, bà con chia sẻ những sáng kiến trong lúc nước sạch trở thành thứ xa xỉ ở những căn hộ cao tầng. Hôm sau, Sở Xây dựng - cơ quan quản lý hệ thống cấp nước sinh hoạt - có văn bản yêu cầu các đơn vị liên quan giải quyết tình trạng cấp bách ở Thanh Hà nhưng nước vẫn chưa chảy. Tắm vòi sen chỉ là mơ ước.
Tiếng hò reo vang lên tối 17/10 khi xe téc dán dòng chữ "Cộng đồng chung tay cứu trợ nước sạch cho cư dân khu đô thị Thanh Hà" đỗ ở chân tòa nhà.
Trước tình cảnh cấp thiết của cư dân, một diễn đàn mạng xã hội đã mua nước hỗ trợ. Qua sự kêu gọi của ban đại biện lâm thời, một số mạnh thường quân điều bổ sung khoảng 10 lượt xe téc đến khu đô thị.
Người già, phụ nữ, trẻ em mướt mải mồ hôi xách từng can nước. Nụ cười và hai tiếng "cám ơn" liên tục xuất hiện khi trước mặt họ là những người dưng mang nước đến khu đô thị vì nghĩa, vì tình.
Về phía chính quyền, sáng 18/10, báo chí đưa tin Bí thư Thành ủy Hà Nội đã yêu cầu UBND thành phố chỉ đạo Sở Xây dựng và các đơn vị liên quan phải cấp nước khẩn cấp bằng xe téc hoặc các biện pháp phù hợp khác, đáp ứng ngay nhu cầu sinh hoạt tối thiểu của người dân; không để người dân phải lấy nước từ xa, từ nhiều nguồn khác nhau không bảo đảm an toàn vệ sinh.
Thành ủy Hà Nội cũng yêu cầu tập trung xử lý các khó khăn để cấp nước trở lại cho Khu đô thị Thanh Hà, đồng thời có giải pháp bảo đảm ổn định, lâu dài… Trường hợp có vướng mắc vượt thẩm quyền, phải báo cáo ngay thành phố để tháo gỡ, kể cả vướng mắc về quy hoạch.
Sau chỉ đạo của người đứng đầu Thành ủy, Công ty Nước sạch Hà Đông cho biết đã điều tiết nước cho khu đô thị Thanh Hà khi sản lượng nước được cấp đã tăng lên 1.600m3/ngày đêm. Thông tin này chưa thể khiến cư dân hò reo vì đến chiều 18/10, họ chưa được cấp nước sạch trở lại. Xe téc cũng không được cơ quan chức năng điều đến như chỉ đạo của thành phố nên cư dân tiếp tục sử dụng nước do mạnh thường quân cứu trợ.
Trong những căn hộ, vòi nước thỉnh thoảng lại được mở sau khi lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội khẳng định đã chỉ đạo công ty nước sạch điều tiết cho khu đô thị Thanh Hà. Chờ đợi trong bộn bề bát đĩa và quần áo bẩn, cư dân chỉ biết hy vọng chỉ đạo của thành phố được ban hành và thực hiện quyết liệt, nhanh chóng như những xe téc mang nước sạch đến trong đêm.
Cuộc "khủng hoảng" nước sinh hoạt ở Thanh Hà lần này và sự kiện vỡ đường ống sông Đà cho thấy tình trạng thiếu nước sạch có nguy cơ tái diễn ra nếu mặt hàng này vẫn phụ thuộc vào sự chi phối độc quyền của đơn vị cung ứng, truyền tải. Chỉ khi có thêm các trạm cấp nước, cải tạo hệ thống mạng để kết nối, điều tiết từ các nguồn khác nhau… thì mới giảm thiểu tác động khi xảy ra sự cố.
Giữa thủ đô, câu chuyện thiếu nước sạch và tình cảnh khốn khổ của người dân phải chịu đựng quả là chuyện kỳ lạ, khó tin!
Không lẽ việc cung cấp nước sạch cho người dân khó khăn đến mức chính quyền không thể giải quyết, phải đợi Bí thư Thành uỷ chỉ đạo? Trước sự hỗ trợ khẩn trương của cộng đồng mạng, các cơ quan có trách nhiệm đã ở đâu khi dân rơi vào cảnh khốn khổ?
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận