Cây sầu riêng trồng xen canh cà phê phát triển không bình thường |
Mới đây, mặc dù giữa mùa vụ thu hái cà phê nhưng hàng loạt công nhân đã đến trụ sở của Công ty TNHH MTV Cà phê Gia Lai (gọi tắt là Công ty Cà phê Gia Lai, trụ sở tại phường Thống Nhất, TP. Pleiku, T. Gia Lai) để đòi quyền lợi. Vụ việc không những ảnh hưởng đến quyền lợi của công nhân mà còn trở thành điểm nóng an ninh trật tự tại Gia Lai.
Nhổ cây, công nhân thất thu còn bắt nộp khoán
Cuối năm 2015, Công ty Cà phê Gia Lai gửi thông báo đến các đội sản xuất về phương án xen canh sầu riêng vào vườn cà phê. Toàn công ty có khoảng gần 1.000ha cà phê trồng xen. Theo đó, mỗi ha cà phê sẽ nhổ 120 cây, phía công ty hỗ trợ công nhân cây giống trị giá 100.000 đồng/cây, còn các chi phí khác như: Nhổ cây, làm đất, rào chắn quanh cây, phân bón…, công nhân phải tự lo.
Theo phản ánh của công nhân Công ty Cà phê Gia Lai, thực hiện phương án này, người lao động hoàn toàn chịu thiệt: Vừa bị nhổ mất cây, vừa bị công ty áp mức khoán 100% sản lượng với 4 tấn cà phê tươi/ha. Mặt khác, quá trình thực hiện phương án, công ty chỉ thực hiện nửa vời, cà phê công nhân đã nhổ nhưng cây sầu riêng lại bị cấp thiếu (khoảng 24 cây/ha), theo phản ánh là giống không "chuẩn" chất lượng.
Ông Đậu Đình Phước - Đội Chư Păh 1 (chi nhánh Ia Yok, xã Ia Yok) cho rằng: "Trung bình 120 cây cà phê mỗi năm thu trên 1,5 tấn. Nếu việc áp dụng phương án xen canh sầu riêng này, mỗi năm công nhân sẽ buộc phải bỏ tiền gia đình ra nộp khoán cho công ty thêm 4 tạ. Nếu theo phương án trồng xen canh thì khoảng 4 năm sau cây sầu riêng mới cho quả, sản lượng cà phê giảm do bị mất cây. Như vậy, công nhân thất thu rất lớn.
Bà Đặng Thị Nhạn – công nhân đội 2/9 (chi nhánh Ia Yok, xã Ia Yok) cho rằng: “Thực hiện phương án này, công ty bỏ ra 1 thì công nhân bỏ ra 10 lần. Số sản lượng cà phê thất thu khiến công nhân phải bù vào. Khi triển khai việc trồng xen canh này phát hiện có nhiều vấn đề không hợp lý, công nhân kiến nghị nhưng công ty không trả lời, cứ dây dưa kéo dài. Mới đây, mặc dù giữa mùa vụ thu hái cà phê nhưng công nhân quá bức xúc nên kéo nhau lên trụ sở công ty phản đối, đòi quyền lợi thì nhận được lời hứa sẽ giải quyết, đảm bảo quyền lợi cho người lao động" bà Nhạn kể.
Mặc dù Phó chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai yêu cầu Công ty Cà phê Gia Lai nghiêm túc thực hiện theo chỉ đạo trước 20/8 nhưng công ty chưa triển khai |
Công ty cà phê... "nhây"
Liên quan phản ánh của công nhân Công ty Cà phê Gia Lai có đơn kiến nghị đòi quyền lợi, Sở NN&PTNT Gia Lai xác minh theo đơn người dân và có kết luận: Công nhân kiến nghị giảm sản lượng số cây cà phê đã nhổ là đúng. Về “Phương án trồng xen cây sầu riêng trong vườn cà phê của công ty chưa được UBND tỉnh phê duyệt mà tự ý triển khai là trái quy định”. Đồng thời đề nghị Ban lãnh đạo công ty TNHH MTV Cà phê Gia Lai tự kiểm điểm. Đến ngày 11/8, UBND tỉnh Gia Lai có văn bản phê bình tập thể lãnh đạo công ty Cà phê Gia Lai vì không chấp hành chỉ đạo của tỉnh mà tự ý trồng sầu riêng trong vườn cà phê và yêu cầu công ty rà soát lại để giảm khoán cho công dân.
Mới đây (ngày 4/12), đại diện các sở ngành gồm: Sở NN&PTNT, Liên đoàn Lao động tỉnh, chính quyền địa phương… và công ty tổ chức họp với công nhân để thống nhất cách giải quyết. Theo đó, phía công ty chấp nhận giảm khoán cho người lao động mức 10% tương đương 120 cà phê bị nhổ. |
Mặc dù Sở NN&PTNT có kết luận, UBND tỉnh có chỉ đạo nhưng Công ty Cà phê Gia Lai vẫn “chây ỳ” không giải quyết. Người dân sau đó tiếp tục gửi đơn cầu cứu ra trung ương. Ngày 14/11, UBND tỉnh Gia Lai ra tiếp văn bản mới yêu cầu Sở NN&PTNT tỉnh chủ trì kiểm tra, báo cáo đề xuất lên tỉnh. Đồng thời, UBND tỉnh yêu cầu Cty Cà phê Gia Lai đối thoại với công nhân, tránh phát sinh thành điểm nóng.
Ông Võ Ngọc Hiếu – Giám đốc Công ty Cà phê Gia Lai cho rằng: Việc trồng xen sầu riêng là không bắt buộc, chỉ cần các đội sản xuất đăng ký trên 90% thì công ty cho triển khai. Việc thực hiện phương án trồng xen này là căn cứ vào điều lệ, phương án của công ty và công ty có quyền quyết định chứ không cần chờ tỉnh thông qua. Thực tế, bình thường 1ha cho thu nhập khoảng 130 triệu đồng, nếu xen canh sầu riêng thì có thể tăng lên 300-600 triệu đồng. Sở dĩ công ty không giảm khoán 10% là vì tính hiệu quả thu nhập trong tương lai. Hiện, mức giảm khoán 10% sẽ được công ty đề xuất lên chờ UBND tỉnh phê duyệt.
Khi PV hỏi đến nay có bao nhiều ha cây sầu riêng phát triển bình thường, ông Hiếu nói: “Sau mấy năm nữa mới đánh giá được!”. Việc kỳ vọng giá trị vườn sầu riêng trồng xen canh vào cây cà phê đẩy giá trị tăng lên 300-600 triệu đồng là con số đáng phải xem xét lại. Thực tế, người dân ở Tây Nguyên phát triển vườn sầu riêng lâu nay thì mới đây, Hoàng Anh Gia Lai cũng đầu tư trồng cây ăn quả với quy mô lớn ở 3 nước ở Việt Nam, Lào, Campuchia. Riêng vườn sầu riêng của Hoàng Anh Gia Lai có quy mô gần 500ha.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận