Xã hội

Chuyện lạ ở Nghệ An: Lập “siêu ban” 5 năm không có dự án đầu tư nào

19/07/2022, 07:30

Dù đã được thành lập từ tháng 3/2020 nhưng trong kế hoạch đầu tư trung hạn 2021 - 2025, "siêu ban" ở Nghệ An lại không có dự án đầu tư nào.

5 năm “siêu ban” không có dự án đầu tư mới

Ngày 10/3/2020, UBND tỉnh Nghệ An có quyết định số 678 thành lập Ban QLDA đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh (gọi là Ban QLDA dân dụng) trên cơ sở hợp nhất 5 Ban QLDA đầu tư xây dựng trực thuộc 4 sở (Xây dựng, Văn hóa và Thể thao, Y tế và GD&ĐT).

img

Kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, "siêu ban" ở Nghệ An không có dự án đầu tư xây dựng cơ bản nào.

Ban gộp chức năng bao chùm cả 4 ngành để thay thế 5 ban trước đây, gồm: làm chủ đầu tư một số dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng, công nghiệp, hạ tầng kỹ thuật sử dụng vốn ngân sách, vốn nhà nước ngoài ngân sách do UBND tỉnh quyết định đầu tư; nhận ủy thác quản lý dự án của các nhà đầu tư khác khi có yêu cầu và có đủ năng lực để thực hiện trên cơ sở đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ quản lý các dự án đã được giao; giúp UBND tỉnh thực hiện một số nhiệm vụ quản lý đầu tư phát triển đô thị trong khu vực phát triển đô thị…

Mang tiếng là “siêu ban” nhưng trong kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 lại không có dự án đầu tư xây dựng cơ bản nào.

“Từ ngày hợp nhất đến nay, ban chỉ được giao làm chủ đầu tư 1 dự án được chuyển tiếp từ Ban QLDA đầu tư xây dựng dân dụng và kỹ thuật hạ tầng đô thị (thuộc Sở Xây dựng). Còn trong kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 nguồn ngân sách, ban không có dự án mới nào”, một lãnh đạo Ban này nói.

Trong khi đó, những sở ngành cũ lại đang “ôm” rất nhiều dự án đầu tư xây dựng cơ bản. Cụ thể, ngành giáo dục có 19 dự án khởi công mới với tổng số tiền lên đến gần 250 tỷ đồng. Trong đó, 1 dự án có số vốn 20 tỷ đồng do Sở GD&ĐT làm chủ đầu tư; 14 dự án do các trường THPT làm chủ đầu tư; 2 dự án do Trường Chính trị và Sở Lao động, thương binh và xã hội làm chủ đầu tư.

Ngành Y tế có 10 dự án khởi công mới với tổng số tiền 582 tỷ đồng. Trong đó 1 dự án do Sở Y tế làm chủ đầu tư có số vốn là 8 tỷ đồng; 4 dự án do bệnh viện cấp tỉnh làm chủ đầu tư; 5 dự án còn lại do bệnh viện đa khoa huyện, UBND thị xã, UBND xã làm chủ đầu tư.

Đối với ngành văn hóa, thông tin có 8 dự án khởi công mới với tổng số tiền 154 tỷ đồng. Trong đó riêng Sở Văn hóa và thể thao làm chủ đầu tư 4 dự án với tổng số vốn 60 tỷ đồng…

img

Sở GD&ĐT Nghệ An là đơn vị tiên phong xin chuyển các dự án đầu tư xây dựng cơ bản cho Ban QLDA đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh.

Bất cập, chồng chéo

Trước thực tế này, lãnh đạo một Ban QLDA cấp tỉnh nêu quan điểm: Tỉnh đã hợp nhất về một mối thì nên giao các dự án đầu tư xây dựng cơ bản về cho Ban QLDA dân dụng làm chủ đầu tư. Bởi vì, ban có các cán bộ, kỹ sư chuyên ngành của các sở nói trên, nên dự án liên quan đến sở nào, đặc thù gì cũng có thể làm được.

Các sở, ngành làm chủ đầu tư dự án xây dựng cơ bản vừa bất cập, vừa chồng chéo khi “vừa đá bóng vừa thổi còi”. Chưa hết, các sở ngành không có cán bộ chuyên môn về xây dựng mà chỉ đơn thuần là bác sĩ, thầy giáo… giao làm chủ đầu tư dự án thì trái với chuyên môn, chuyên ngành.

“Chỉ trừ những dự án mua sắm trang thiết bị chuyên ngành, sửa chữa trụ sở cơ quan thì các sở, ngành làm chủ đầu tư. Còn lại nên thực hiện theo kiểu “chìa khóa trao tay”, sở ngành đặt Ban QLDA dân dụng công trình nào, đến hạn thì tiếp nhận và đưa vào sử dụng”, vị lãnh đạo này đề xuất.

Chính cũng vì những bất cập, chồng chéo này mà trong cuộc họp UBND tỉnh hồi tháng 3/2022, Sở GD&ĐT tỉnh Nghệ An đã xin chuyển các dự án đầu tư cơ bản cho Ban QLDA dân dụng tỉnh làm chủ đầu tư.

Ông Đào Công Lợi, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Nghệ An nói: "Ban QLDA dân dụng là hợp nhất của Ban QLDA các sở nên về mặt pháp lý đều đáp ứng đúng, đủ mọi quy định và điều kiện để làm chủ đầu tư dự án của ngành giáo dục.

Thứ 2, Sở GD&ĐT là cơ quan trực thuộc UBND tỉnh, Ban QLDA dân tỉnh cũng là đơn vị sự nghiệp thuộc UBND tỉnh. Cả 2 đều có chức năng nhiệm vụ giúp tỉnh trong các hoạt động chuyên môn, chuyên ngành. Ban QLDA dân dụng tỉnh có đủ nhân lực, tiềm lực để làm chủ đầu tư dự án xây dựng cơ bản. Giao dự án cho ban chủ đầu tư thì sẽ thuận lợi hơn, chất lượng hơn và chúng tôi cũng an tâm hơn.

Cuối cùng là, chúng tôi chỉ là thầy giáo đơn thuần. Chúng tôi muốn tập trung vào việc dạy và học thật tốt để đào tạo được thật nhiều nhân tài cho tỉnh. Chúng tôi chỉ muốn trả lại cho thầy cô đúng nhiệm vụ của mình. Ai làm việc nấy, đừng để ai làm “trái” tay".

Trong khi đó, khi được hỏi về quan điểm làm chủ đầu tư dự án, ông Nguyễn Quang Trung, Giám đốc bệnh viện Ung bướu Nghệ An và ông Tăng Xuân Hải, Giám đốc Bệnh viện Sản nhi Nghệ An chỉ nói: Do cấp có thẩm quyền giao quyết định.

img

Theo kế hoạch của tỉnh Nghệ An, việc chuyển giao dự án cho "siêu ban" cần phải có lộ trình

Cần có lộ trình

Trước thực tế này, ông Nguyễn Văn Trường, Phó Giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh Nghệ An cho biết: UBND tỉnh cũng đã có nhiều cuộc họp để bàn về nội dung này, gần đây nhất là đầu tháng 3/2022.

Trong cuộc họp, lãnh đạo tỉnh cũng đã kết luật rõ: Việc giao Ban QLDA dân dụng tỉnh làm chủ đầu tư hoặc quản lý dự án một số công trình, dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh là phù hợp với quy định hiện hành của pháp luật về xây dựng và phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của ban được UBND tỉnh giao tại quyết định thành lập ban. Tuy nhiên, việc này phải được thực hiện theo lộ trình nhất định, trên nguyên tắc về khả năng chuyên môn đáp ứng nhiệm vụ của ban, đảm bảo tiến độ, hiệu quả thực hiện.

Để triển khai thực hiện, UBND tỉnh giao Sở KH&ĐT chủ trì rà soát các dự án đầu tư công đã được phê duyệt chủ trương đầu tư/ quyết định đầu tư để tham mưu cho UBND tỉnh chuyển giao cho Ban QLDA dân dụng tỉnh thực hiện quản lý dự án; đồng thời xem xét trường hợp các dự án đủ điều kiện để thực hiện chuyển giao chức năng chủ đầu tư cho Ban QLDA dân dụng tỉnh.

Ông Nguyễn Xuân Đức, Giám đốc Sở KH&ĐT Nghệ An cho biết: Ủy ban đã giao Sở KH&ĐT chủ trì phối hợp với Ban QLDA đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh phối hợp với các sở Y tế, GD&ĐT, Văn hóa rà soát lại các dự án đang và sắp triển khai. Gần đây, UBND tỉnh đã tổ chức cuộc họp thống nhất phương án điều chuyển các dự án đưa về ban theo lộ trình như sau: Đối với các dự án mới, các sở chuyên ngành sẽ không làm chủ đầu tư nữa mà chuyển về cho ban làm đại diện chủ đầu tư. Đối với các Dự án chuyển tiếp, yêu cầu ban phối hợp các sở ngành rà soát, nếu đủ điều khiện thì chuyển giao lại cho ban nhưng phải đảm bảo đầy đủ thủ tục, đáp ứng tiến độ và đảm bảo công tác giải ngân. Trong trường hợp ban không đủ năng lực tiếp nhận thì các sở sẽ tiếp tục thực hiện cho đến khi dự án kết thúc.

Văn Thanh

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.