Đất trăm cây vàng không tiếc
Đến phường Tân Tạo A, quận Bình Tân, TP.HCM, PV Báo Giao thông ghi nhận tuyến đường Nguyễn Văn Cự dài hơn 3km luôn tấp nập xe cộ qua lại.
Khi được hỏi chuyện hiến đất mở đường Nguyễn Văn Cự 20 năm trước, người dân ai cũng hồ hởi và người đầu tiên được nhắc đến là ông Lại Văn Nghề, 56 tuổi, trú phường Tân Tạo A, người đã hiến 1.000m2 đất.
Ngoài việc là người tiên phong, ông Nghề còn tích cực vận động người dân sống trên tuyến đường này cùng tham gia phong trào hiến đất làm đường.
Con đường mới khang trang xuất hiện nhiều nhà cao tầng, giá bất động sản cũng tăng thêm
Theo ông Nghề, gia đình ông có rất nhiều đất nằm ở ba mặt tiền đường gồm Tỉnh lộ 10, đường Cầu Kinh và Nguyễn Văn Cự, rộng hơn 30.000m2. Lúc đó (năm 2003), 1.000m2 đất tại khu vực này trị giá khoảng 450 cây vàng.
“Có người mang đủ vàng đến tận nhà mua đất nhưng tôi không bán”, ông Nghề nói và cho biết thêm, vì thời điểm đó đất có giá nên việc vận động người dân tự nguyện hiến đất làm đường không dễ dàng.
Khi quận Bình Tân chủ trương cải tạo, mở rộng đường Nguyễn Văn Cự nhưng thiếu kinh phí nên đã vận động toàn bộ hộ dân sống trên tuyến đường này hiến đất. Sau cuộc họp đầu tiên, gia đình ông Nghề đồng ý hiến hơn 1.000m2.
“Do gia đình tôi là đầu tuyến và có diện tích nằm trong phần mở rộng đường nhiều nhất nên tiên phong ký hiến đất.
Mẹ tôi là Mẹ Việt Nam Anh hùng, anh em trong dòng họ cũng có nhiều đóng góp cho xã hội theo từng giai đoạn. Đợt dịch Covid-19 vừa rồi, dòng họ cùng nhau huy động gần 1.000 tấn hàng hóa, nhu yếu phẩm giúp đỡ bà con. Việc cống hiến cho xã hội ở mỗi giai đoạn là truyền thống của gia đình nên việc hiến đất mở đường, cả gia đình tôi đều ủng hộ”, ông Nghề chia sẻ.
Tương tự, ông Trần Quốc Dũng, 47 tuổi, làm nghề chạy xe ôm công nghệ, chủ căn nhà số 24 Nguyễn Văn Cự kể, gia đình ông chỉ có căn nhà duy nhất tại đây với chiều ngang 4m, dài 14m.
“Năm 2003, quận vận động người dân hiến đất để mở đường, bởi kinh phí giải phóng mặt bằng rất lớn, ngân sách không kham nổi. Lúc đó đang sốt đất nên nhiều hộ dân kiên quyết không hiến đất. Tôi là một trong những người tiên phong thụt lùi căn nhà mình đến 5m để cùng bà con mở đường.
Sau khi gia đình tôi hiến đất, nhiều hộ khác cũng làm theo. Dù cuộc sống gia đình khó khăn rất nhiều do diện tích bị thu hẹp, song ai cũng vui vì đường sá khang trang, sạch đẹp, người dân đi lại thuận tiện”, ông Dũng cho hay.
Cũng là một trong nhiều người tự nguyện hiến đất mở đường Nguyễn Văn Cự, bà Nguyễn Thị Quý (45 tuổi) cho biết, trước đây đường đất đỏ nhỏ hẹp, rất nhiều ổ gà, trời mưa là ngập khiến việc đi lại của người dân rất khó khăn. Vậy nên khi được phường, quận vận động, gia đình bà không ngần ngại mà đồng ý ngay.
Hiện tại, giao thông trên tuyến đường Nguyễn Văn Cự đã thông suốt, đảm bảo cho các xe ô tô, xe tải vận chuyển hàng hóa từ đường Tỉnh lộ 10 về đến đường Trần Văn Giàu kết nối tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương. Đường thông, giá đất trong khu vực cũng đã tăng lên nhiều lần so với trước. Hiện đất mặt tiền đường Nguyễn Văn Cự có giá khoảng 60 triệu đồng/m2.
Đau đáu chuyện hẻm nhỏ không cứu được người
Ông Lại Văn Nghề hiến 1.000m2 đất mở rộng đường vì lợi ích cộng đồng
Những ngày cuối tháng 7/2022, chúng tôi trở lại con hẻm 1168 Trường Sa dài gần 200m, thuộc địa bàn phường 13, quận Phú Nhuận, TP.HCM. Điều khiến chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi thấy con hẻm nhỏ ngập nước ngày nào giờ đã được mở rộng khang trang.
Bà Huỳnh Thị Tươi, Tổ trưởng Tổ 44, khu phố 4, phường 3, quận Phú Nhuận cho biết, con hẻm 1168 Trường Sa trước đây chỉ rộng 2,5m, mặt đường thấp, hễ mưa là ngập nước. Tuy là hẻm nhỏ nhưng nhà dân lại tập trung rất đông, nhà cửa san sát nhau. Khi có người ốm đau cần chuyển đến bệnh viện, xe cấp cứu không thể tiếp cận. Khi xảy ra hỏa hoạn, xe cứu hỏa cũng không thể tiếp cận.
“Cách đây nhiều năm, vụ cháy xảy ra tại căn nhà nằm sâu trong hẻm khiến 4 người chết. Khi đó, hẻm chỉ rộng 2,5m, xe cứu hỏa không vào được, phải dừng ngoài đường Trường Sa kéo vòi nước vào. Chậm mấy phút mà họa đến khiến ai cũng đau lòng.
Sau đợt đó, khi được quận vận động, nhà tôi lùi vào 2m để cùng mở rộng hẻm. Người dân trong hẻm thấy vậy cũng đồng lòng hiến đất mở hẻm ngay. Đất trước nhà không mất đi đâu cả nhưng hẻm mở rộng ra thì cả khu phố đều được hưởng lợi, văn minh, sạch đẹp”, bà Tươi chia sẻ.
Từ khi hẻm 1168 Trường Sa được mở rộng lên 6m, ô tô có thể chạy song song hai bên đường. Mặt đường được trải nhựa khang trang, người dân không còn cảnh bì bõm lội nước. Đến nay, giá bất động sản trong hẻm tăng lên 3 lần, nhiều hộ dân sống trong hẻm có thu nhập tốt hơn nhờ cho thuê cửa hàng, buôn bán nhỏ…
Gần đó, cũng trên địa bàn quận Phú Nhuận, đường Cô Giang, phường 2, trước đây chỉ là con hẻm nhỏ chật chội, trong khi dân cư ngày càng đông đúc nên việc đi lại, sinh hoạt rất khó khăn.
Sau khi được chính quyền vận động, các hộ dân trong hẻm tình nguyện hiến đất trước nhà, với khoảng lùi chừng 1,5m. Hiện con hẻm đã trở thành tuyến đường khang trang, đủ rộng cho 2 ô tô lưu thông ngược chiều. Không chỉ sinh hoạt hàng ngày đi lại thuận tiện mà kinh doanh buôn bán của người dân cũng tốt hơn.
UBND quận Phú Nhuận, TP.HCM cho biết, phong trào hiến đất mở hẻm trên địa bàn đã được người dân hưởng ứng nhiệt tình. Hơn 20 năm qua, đã có gần 20.000m2 đất được hiến, trị giá ước tính gần 1.200 tỷ đồng. Bên cạnh đó người dân còn đóng góp hơn 14 tỷ đồng mở rộng hẻm.
Theo UBND TP.HCM, qua hơn 20 năm thực hiện phong trào vận động hiến đất mở rộng hẻm, làm đường trên địa bàn thành phố, đã có 168.000 người dân tham gia hiến đất, trị giá trên 10.000 tỷ đồng, trên 5.000 công trình đã được triển khai thực hiện. Ngoài ra, bà con còn đóng góp tiền mặt trên 450 tỷ đồng cho các công tác trên.
Từ năm 2000 đến nay, người dân TP đã hiến hơn 5.300.00m2 đất (5,3 km2) để mở rộng hẻm, đường. Con số 5,3km2 lớn hơn cả diện tích một quận, như quận 3 (4,92km2), quận 5 (4,27km2), quận 11 (5,14km2), quận Phú Nhuận (4,88km2)…
Bà Nguyễn Thị Bạch Mai, Phó Trưởng ban Dân vận Thành ủy TP.HCM cho rằng, qua 20 năm thực hiện phong trào này, với những kết quả đạt được đã khẳng định phương thức “Nhà nước và nhân dân cùng làm” là một trong những giải pháp tối ưu, được nhân dân đồng tình hưởng ứng. Đồng thời, công tác này cũng góp phần thực hiện hiệu quả chủ trương chỉnh trang đô thị, xây dựng khu phố văn minh, sạch đẹp, cải thiện môi trường sống của người dân trong điều kiện ngân sách còn hạn hẹp.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận