Dạo trước, mỗi lần bạn bè lên chơi ở nhà vườn Sóc Sơn vào dịp Tết, vợ chồng tôi thường khoe với mọi người cây đào lạ trong vườn, cây đào một năm nở hoa hai lần vào mùa thu và mùa xuân.
Cây đào lạ một năm nở hoa 2 lần ở nhà vườn Sóc Sơn
Những dịp như vậy, tôi lại nhớ tới lần đơn vị tôi hành quân qua Hà Nội, nghỉ đêm tại khu nhà bỏ không gần sân bay Bạch Mai.
Dạo đó là năm 1972, máy bay Mỹ thường xuyên đánh phá khu vực này. Tôi hỏi đại đội trưởng: “Sao lại nghỉ ở nơi nguy hiểm thế này?”. Anh cười: “Nơi nguy hiểm nhất, nhiều khi cũng là nơi an toàn nhất”. “Ra thế”.
Gần 4 giờ sáng, chúng tôi mới đặt ba lô, ngả lưng ngay trên nền xi măng. Vừa đặt lưng xuống thì kẻng báo động. Lệnh: Tư trang để tại chỗ, cả đơn vị đi đào hầm.
Mọi người buồn ngủ díp mắt không ai muốn đi. Nhưng “quân lệnh như sơn”. Tôi rút chiếc xẻng gập treo cạnh ba lô chạy ra sau vườn. May quá, có một chiếc hầm tròn ai đào dở, sâu quá đầu gối.
Cạnh căn hầm có một cây đào đang đơm hoa, những cánh hoa như báo hiệu Tết đang đến gần. Tôi ngồi dưới gốc cây đào đưa tay sờ những cái mấu sù sì, có lẽ cây đào đã ở đây nhiều năm, cây đào thế hẳn hoi, thế cây rất đẹp, như một cái tháp có nhiều tầng.
Ừ nhỉ, Tết sắp đến rồi, còn mấy ngày nữa. Những người lính như tôi lúc đó gần như không biết đến Tết, phải xa nhà, chiến tranh, khói lửa, biết làm thế nào...
Tôi bứt cỏ, đào tiếp. Đào sâu đến ngực, mệt rã người, tôi lau xẻng, gập lại đi về lán, lấy bộ quần áo lót chạy ra bể nước. Tôi dùng chiếc mũ cối múc nước giội ào ào. Đang tắm thì có kẻng báo động.
Lần này không phải lệnh đi đào hầm mà báo động máy bay. Chỉ mấy phút, tiếng máy bay đã ầm ầm trên đầu. Tiếng bom nổ. Tôi không kịp thay đồ, chạy vội ra hầm, trên người chỉ độc chiếc quần đùi bết nước.
Nhảy xuống hầm, vừa ngước nhìn lên, đã thấy hai chiếc máy bay nhào xuống giội bom, một chùm bom đen trùi trũi lao thẳng xuống. Tôi đội chiếc mũ cối lên đầu, hai tay bịt tai, ngồi thụp xuống.
Trước đó, tôi đã nhiều lần bị máy bay ném bom xuống cạnh hầm, bị pháo kích… Nhưng chưa lần nào thần chết hiện rõ trong tôi như lúc này. Những chùm bom đen trùi trụi vẫn cứ liên tiếp lao xuống.
Tôi nhìn rõ cả cánh bom xoay tròn trên không trung . Sau cơn rùng mình, tôi nhắm mắt, bình thản đón đợi điều xấu nhất có thể xảy ra…
Loạt bom nổ rất gần, chỉ cách căn hầm tôi ngồi dăm mét (Sau này, tôi mới biết, thật may mắn cho chúng tôi, chúng chỉ ném bom cắt, loại bom sát thương bằng mảnh chứ không phải bom đào).
Cây đào đang đơm hoa đỏ thắm cạnh hầm đổ ập xuống. Thân cây che ngang miệng hầm. Chính cái mấu cây xù xì và chiếc mũ cối đã cứu tôi, đỡ cho đất đá và mảnh bom không găm vào đầu….
Khi tiếng máy bay và tiếng bom ngừng hẳn, tôi ngoi lên khỏi miệng hầm, nhìn thấy mảnh bom găm vào thân cây đào, nhựa chảy ra như máu ứa. Nếu không có mấu của thân cây đào chắc chắn mảnh bom này đã găm vào đầu tôi.
30 năm sau, năm 2002, dịp sau Tết, vợ chồng tôi đi dọc đường Nguyễn Lương Bằng nơi có khu tập thể báo Tiền Phong mà tôi đang ở, tình cờ̉ thấy một gốc đào người ta vứt ra đường, có lẽ sau khi chơi Tết xong, gốc đào có thế cây rất đẹp, giống như cây đào đã cứu sống tôi…Vợ chồng tôi mang lên nhà vườn ở Sóc Sơn trồng.
Thật kỳ lạ, cây đào lớn nhanh như thổi, càng lớn, càng giống cây đào tôi đã kể ở trên, cây đào đã cứu tôi khỏi bị mảnh bom găm vào đầu. Và kỳ lạ hơn, một năm cây đào nở hoa hai lần. Lần vào giữa thu và lần vào mùa xuân.
Tôi bỗng nhớ câu thơ cổ “Đào hoa y cựu tiếu đông phong” (Hoa đào năm ngoái, còn cười gió đông), Bây giờ trước mắt tôi hoa đào đang nở, không phải hoa đào năm ngoái…
Tôi nhớ, dịp Tiểu đoàn 61, đoàn tên lửa Sông Đà anh hùng (E 236) tổ chức gặp mặt cựu chiến binh và trao “Kỷ niệm chương chiến thắng B52” cho chúng tôi. Ôn lại những ngày tháng chiến tranh, khói lửa, cả chuyến hành quân đêm, chuyện bị bom ở sân bay Bach Mai…
Tôi kể chuyện cây đào năm ấy và cây đào kỳ lạ ở nhà vườn của tôi một năm nở hoa hai lần cho mọi người nghe và tặng các bạn tôi tập truyện ngắn mới in, trong đó có truyện “Chuyện lạ hoa đào” tôi lấy cảm hứng từ cây đào kỳ lạ trên…
Viết tại nhà vườn Sóc Sơn
Dương Xuân Nam
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận