Giữa khu vườn mướt mát xanh nhà anh Mười là hai cây cảnh được giới thiệu “báu vật” triệu đô. Ít ai biết rằng anh Mười và làng cây cảnh ở xã Hồng Vân, Thường Tín, Hà Nội vừa đi qua cuộc khủng hoảng khiến nhiều người tiêu tán cả gia tài…
Những “báu vật” triệu USD
Theo sự chỉ dẫn của người dân làng Cơ Giáo (xã Hồng Vân, Thường Tín, Hà Nội), chúng tôi tìm đến vườn của anh Nguyễn Văn Chí - một trong những “tỷ phú cây cảnh” trường vốn nhất tại địa phương với 2 cơ sở có tổng diện tích trên 6.000m2.
Những ngày cuối tháng tư, trời nắng như đổ lửa, trong khu vườn quy tụ nhiều cây cảnh giá trị hàng tỷ đồng, chủ yếu là cây sanh bonsai, ông Dũng, quê Thái Nguyên (người làm công cho anh Chí) đang mướt mát mồ hôi che ô cho cây. “Những cây này vừa mua, ông chủ mới cắt tỉa lại, cành lá chưa đủ nên phải che ô đến chiều, chứ để nắng quá là cháy hết”, ông Dũng nói.
Bên bàn trà đặt dưới tán cây cổ thụ, anh Chí khoe với chúng tôi vừa bán được hai cây sanh trị giá 1,3 tỷ đồng cho một vị khách quen. Anh không nhớ nổi đã bán bao nhiêu cây giá tiền tỷ, trong đó có những thương vụ lên đến 4,5 tỷ đồng/cây. Trong những năm sôi động, có ngày doanh thu của anh lên đến 18 tỷ đồng. Ngay cả khi thị trường cây gần như chững lại, nhưng không năm nào tổng doanh thu của anh dưới 10 tỷ đồng.
Nghe con số tiền tỷ, không ít người giật mình. Nhưng ít người biết rằng, để khách chịu xuống tiền bằng cả chiếc ôtô hay ngôi nhà như vậy, mỗi cái cây là cả một câu chuyện, một quá trình không ít gian nan.
Anh Chí chỉ vào cây sanh dáng cổ góc vườn kể: Để “ôm” được cây này, chỉ tính riêng tiền điện thoại, xăng xe, anh đã mất khoảng 100 triệu đồng và phải chờ đến 13 năm theo đuổi. “Từ lần đầu tiên nhìn thấy cây sanh này vào năm 1999 của một chủ vườn ở Hưng Yên, tôi đã “phải lòng”. Sau nhiều lần lặn lội đi lại, thuyết phục, đến năm 2012 chủ vườn mới đồng ý bán. Tôi nhớ, thời điểm đó, gần như cả “làng cây” không có mua bán, nhưng tôi vẫn quyết định xuống tiền 3,8 tỷ đồng để sở hữu. Với tôi, cây có tuổi thọ càng lâu càng quý giá. Rất nhiều năm rồi, bất kể khi nào gặp cây đẹp tôi luôn tìm cách thu xếp tiền mua bằng được”, anh Chí cho biết.
Mua được cây về rồi, anh Chí lại ngày đêm nghiên cứu, sửa sang để có dáng thật đẹp. Trong suốt 7 năm qua (kể từ đầu năm 2011), thị trường cây cảnh èo uột nhưng anh Chí vẫn miệt mài duy trì nghề.
Sau cuộc trò chuyện, anh Chí dẫn chúng tôi sang tham quan vườn nhà anh Dương Văn Mười - nơi nổi tiếng với nhiều cây đẹp và được định giá cao ngất ngưởng. Chỉ tay về phía hai chậu cây sanh cảnh được đặt trang trọng giữa vườn, anh Mười hào hứng giới thiệu đó là 2 “báu vật” hiếm có khó tìm được định giá đến cả triệu đô. Theo đó, cây sanh dáng trực với tên gọi “Tiên lão giáng trần” được anh Mười lý giải có ý nghĩa như hình ảnh ông tiên giáng xuống trần gian, mang tới tài lộc cho gia chủ. Còn tác phẩm “Thành đồng Tổ quốc” với phần thân được chia thành 3 ngọn gọi là “tam đa” tạo nên vẻ vững chãi như bức tường thành trường tồn với thời gian. Ngoài ra, tán của cây toát lên sự thanh thoát như những đám mây đang bay lượn. “Giá trị của hai “báu vật” này đều hội tụ đủ 4 yếu tố cổ - kỳ - mỹ - văn. Những khối, cục mốc trắng, những bộ rễ đan chặt vào nhau mà không một công nghệ nào có thể làm ra được. Bởi chỉ ở cây tuổi đời lâu năm mới tạo nên vẻ cổ, quái như vậy”, anh Mười tự hào.
Đây là những cây sanh cổ có niên đại hàng trăm năm tuổi. Để sở hữu hai tác phẩm như hôm nay, anh Mười đã phải bỏ ra hàng chục năm nghiên cứu, tạo tác, chăm sóc.
Khi “cơn bão” quét qua
Năm 2011, làng cây cảnh Cơ Giáo đang rộn ràng bất ngờ rơi vào khủng hoảng, như thể có một cơn “sóng thần” ập đến khiến nhiều chủ vườn không kịp trở tay. Còn nhớ, đây cũng là thời điểm thị trường bất động sản rơi vào giai đoạn khó khăn do tín dụng đổ vào lĩnh vực này bị thắt chặt nhằm tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô theo Nghị quyết số 11 của Chính phủ. Nhà không bán được, người mua cây cũng chẳng còn. Ngay cả những người kinh nghiệm đầy mình trong làng cây cảnh cũng không thể ngờ cơn khủng hoảng lại diễn ra bất ngờ và kéo dài lâu đến vậy.
Nếu những hạt nhân trong làng vẫn miệt mài làm nghề thì có lẽ trận “bão” đã không quét qua. Nhưng nhiều người từ nơi khác tới đây kích cầu, đầu cơ, thổi giá ảo... Chính tôi là người làm nghề nhiều năm cũng không biết khi đó họ mua cây với giá rất cao vì lý do gì. Nhiều người mới vào nghề chạy theo lợi nhuận đã nhanh chóng bị quật ngã.
Phó chủ tịch UBND xã Hồng Vân
Mai Văn Ngần
Một trong những người “thua đau” nhất sau “khủng hoảng” năm đó là anh N.V.H. Sau khi cơn “sốt” cây cảnh hạ nhiệt và lao dốc, việc buôn bán của anh cũng dừng hẳn với khoản lỗ lên đến vài chục tỷ đồng. Khu vườn có tiếng tại Hồng Vân xưa kia của anh H. giờ đã trở thành một cơ sở lọc nước tinh khiết. Nhiều chậu cây cảnh nằm chỏng chơ trước khuôn viên ngôi nhà sàn như nhắc nhở về một thời “hoàng kim” đã qua.
Anh H. tâm sự: Nghề cây cảnh vừa là một thú chơi tao nhã, vừa cũng là để luyện tâm, luyện trí, luyện tài, biết yêu và bảo tồn cái đẹp. Việc chuyển đổi sang nghề mới giúp anh H. duy trì cuộc sống và bù đắp những mất mát trong thời gian qua nhưng anh vẫn nung nấu ý định quay lại với cây cảnh. “Khi đó, tôi sẽ không đẩy nhanh tốc độ kinh doanh nữa mà đi sâu vào làm nghề, sản xuất, tạo tác sản phẩm để đứng vững trong thị trường và đó là một kinh nghiệm xương máu”, anh H. nói.
Giống như anh H. và nhiều nhà vườn khác, anh Mười cũng lao đao trong cơn khủng hoảng ròng rã suốt 7 năm qua. Bao nhiêu vốn liếng, tiền vay ngân hàng đều được anh đổ vào đầu tư mở rộng diện tích vườn, mua cây, tất cả đều đứng trước nguy cơ không lấy lại được. Anh đã phải bán đất, bán ô tô để trả nợ và quyết giữ lại những cây quý trong vườn. Nhiều bạn bè, người thân khuyên nhủ nên chuyển hướng làm ăn khác, nhưng trong anh vẫn luôn có suy nghĩ dù làm việc gì cũng phải gắn bó với cây và phải kiên trì bám đuổi đến cùng. “Chán nản chắc hẳn ai cũng từng, nhưng tôi vẫn tin rằng, sau này những cây đó sẽ có giá trị. Mình vẫn cứ làm đẹp rồi có một ngày công lao của mình được bù đắp”, anh Mười chia sẻ.
Đến cuối năm 2017, lượng khách hàng đến chọn mua cây tại vườn của anh Mười bắt đầu nhộn nhịp trở lại. Kinh tế gia đình dần ổn định, những khoản nợ từ đó cũng trả được hết. Anh bảo: “Trải qua những năm tháng khó khăn, những người đam mê như chúng tôi mới đứng được trong cuộc chơi này. Ngoài ra cần phải có tay nghề làm ra tác phẩm giá trị và được mọi người công nhận, đó mới là điều quan trọng”.
Còn nhớ, thời “hoàng kim” của nghề cây cảnh, Hồng Vân có trên 200 hộ tham gia Hội Làng nghề sinh vật cảnh của xã. Từ người già đến người trẻ đều có công ăn việc làm. Gần như vườn nào cũng có 2-3 nhân công quét dọn sạch sẽ từ thân cây đến miệng chậu, nền đất. Nhưng đến bây giờ, số hộ kinh doanh cây cảnh trong Hội đã giảm đi hơn nửa chỉ còn khoảng 80 hộ.
Ông Mai Văn Ngần, Phó chủ tịch UBND xã Hồng Vân cho biết: Trước năm 2010, nghề kinh doanh cây cảnh trên địa bàn phát triển mạnh. Tuy nhiên từ năm 2011, thị trường cây bắt đầu “lao dốc không phanh” và mất một thời gian dài “đóng băng” hầu như không có hoạt động bán - mua. Một số người phải chuyển sang làm hoa hoặc nghề khác.
Theo vị Phó chủ tịch xã Hồng Vân, cái khó trong nghề hoa, cây cảnh là sản phẩm này lại không được định giá cụ thể. Ví dụ, khi chủ vườn vay ngân hàng 1 tỷ đồng để đầu tư mua cây. Nhưng lúc ngân hàng siết nợ, lại không công nhận những cây này là tài sản. Do đó, trên thực tế, có những vườn cây được định giá hàng chục tỷ đồng nhưng khoản nợ 1 tỷ đồng lại không thể trả được.
Ông Ngần cho biết, trong tương lai, định hướng của xã Hồng Vân sẽ dựa trên cơ sở vững chắc đó là mô hình nhà vườn, hoa, cây cảnh kết hợp với du lịch sinh thái. “Nếu trước đây, cây cảnh chỉ dành cho người nhiều tiền thì bây giờ chỉ vài trăm nghìn cũng có sản phẩm bình dân để chơi. Làng nghề cây cảnh Hồng Vân đang phát triển trở lại và có những sự chuyển biến rõ rệt hơn. Chúng tôi vẫn sẽ quyết tâm khôi phục làng nghề nhưng sẽ không đạt kết quả theo kiểu “hoàng kim ảo” mà sẽ tập trung vào chất lượng, bền vững”, vị Phó chủ tịch xã nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận