Tài sản của gia đình nguyên Giám đốc Sở TN&MT Yên Bái thu hút chú ý của dư luận thời gian qua |
Chưa bao giờ chúng ta cảm nhận rõ nhất nghịch lý: Ai cũng kêu lương không đủ sống nhưng nhiều cán bộ (những người có quyền, có chức) lại có tài sản hàng chục tỷ đồng. Chợt nhớ hồi Đại hội VIII của Đảng, Tổng Bí thư Đỗ Mười lúc đó có câu nói, đại ý: Cán bộ phải giàu lên, nghèo khổ đâu làm gương, lãnh đạo được (!).
|
Đúng thế, làm cán bộ, nhất là cán bộ cơ sở mà nghèo sao nói được dân. Nhưng cán bộ giàu lên bằng cách nào lại là điều phải suy ngẫm: Chính đáng, minh bạch hay bằng các thủ đoạn, tiêu cực, giàu lên bằng “tiền bẩn”?
Làm lãnh đạo, có chức, có quyền lâu nay phải kê khai tài sản, đáng tiếc có hàng triệu bản kê khai nhưng không thấy từ đó phát hiện ra tài sản nào bất minh. Người kê khai gian dối, “lách luật” hay qui định chỉ là hình thức, chưa chặt chẽ?
Thanh tra Chính phủ cho biết, Nghị định 78/2013/NĐ-CP về minh bạch tài sản, thu nhập có quy định người trong diện phải kê khai trung thực, đầy đủ, rõ ràng, đúng thời hạn các thông tin về số lượng, giá trị tài sản, thu nhập và những biến động về tài sản, thu nhập phải kê khai theo quy định. Đồng thời, có trách nhiệm giải trình trung thực, đầy đủ, kịp thời về các nội dung liên quan đến việc kê khai tài sản, thu nhập; nguồn gốc tài sản tăng thêm khi có yêu cầu của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền…
Nhưng thật đáng buồn khi quy định thì có mà các căn biệt phủ, villa trị giá hàng chục tỷ đồng của quan chức chỉ được điểm mặt chỉ tên khi xảy ra vụ việc, đơn thư tố cáo. Người thì nói tài sản do buôn bán, tích cóp từ thời chạy xe ôm, buôn chổi đót mà có, người thì nói tài sản của vợ, của em hoặc đi vay mượn mà có... Sau vụ biệt phủ gây bão dư luận của Giám đốc Sở TN&MT Yên Bái, mới đây nhất, Phó chủ tịch TP Phan Thiết cũng đã bị xử lý vì cấp đất sai cho bố trong thời gian đang giữ chức vụ. Nhiều quan chức nghỉ hưu khác cũng rất khó giải thích được nguồn gốc tài sản khi có đơn tố giác.
Trong khi đó, pháp luật hiện hành chưa có quy định về việc tịch thu tài sản mà người có tài sản bị buộc tội tham nhũng không chứng minh được nguồn gốc hợp pháp của tài sản đó.
Được biết, Chính phủ đang trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống tham nhũng, trong đó có minh bạch tài sản để tăng cường kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ như mở rộng diện tài sản, thu nhập phải kê khai, công khai bản kê khai; bắt buộc phải tiến hành xác minh tài sản trước khi bầu, bổ nhiệm; quy định trách nhiệm giải trình đối với những giao dịch, khoản chi tiêu có giá trị lớn…
Nhưng thiết nghĩ, bên cạnh việc rốt ráo kiểm soát tài sản bất minh của quan chức điều không thể chậm trễ là cải cách hệ thống tiền lương và xây dựng cơ chế để cán bộ hoàn toàn có thể giàu lên chính đáng nếu họ đủ năng lực cống hiến.
Ai cũng biết, công khai, minh bạch, công bằng là giá trị phổ quát của nền hành chính Nhà nước và quản trị văn minh. Ví dụ, nếu Nhà nước không minh bạch thì nhân dân buộc phải phán đoán; khi đó xuất hiện nhiều tin đồn và bất an.
Công khai, công bằng là giải pháp, minh bạch là tiêu chí văn hóa của một thể chế. Minh bạch là một đòi hỏi tự nhiên. Khi người ta yên tâm về nhau, yên tâm cống hiến được ghi nhận và trả công thỏa đáng thì đó là động lực lớn nhất để thúc đẩy kinh tế đất nước phát triển.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận