Vinh dự được lưu giữ những khoảnh khắc của "đại dự án" giao thông vùng đất Mỏ
Từng gắn bó với lĩnh vực giao thông nhiều năm, nhà báo Đỗ Phương (SN 1982, báo Quảng Ninh) chia sẻ, công việc này có nhiều khó khăn, nhưng cũng rất thú vị.
Chẳng hạn, bản thân anh rất sợ độ cao nhưng vì công việc nên "cắn răng liều" cùng công nhân men theo các giàn giáo dựng đứng leo lên trụ cầu Bạch Đằng, cách mặt đất 50 mét để ghi lại toàn cảnh công trường đang thi công.
“Lúc ấy, sợ lắm, nhưng khi đứng trên cao, chụp được ảnh ưng ý rồi thì thấy quên cả sợ", anh Phương vui vẻ kể.
Quá trình cầu Bạch Đằng được xây dựng, có những tuần anh Phương xuống công trường 2 - 3 lần. Đặc biệt trong thời điểm thi công cầu sông Hốt, cầu cạn Bình Hương tuyến cao tốc Hạ Long - Vân Đồn gặp một số khó khăn ảnh hưởng đến tiến độ thi công khiến anh phải nhiều lần xuống hiện trường, gặp lãnh đạo đơn vị thi công, các công nhân... để tìm hiểu nguyên nhân, ghi nhận các số liệu để phản ánh một cách trung thực, chính xác.
“Trong những tình huống phát sinh khó khăn, tiến độ thi công bị chậm khiến người dân hoang mang, tôi sẽ cố gắng tìm hiểu nguyên nhân, giải pháp, từ đó kịp thời phản ánh để nhân dân luôn yên tâm, tin tưởng vào dự án”, anh Phương nói.
Từ năm 2013, anh Phương được giao theo dõi mảng giao thông tại địa phương. Khi đó Quảng Ninh bắt đầu triển khai xây dựng khu kinh tế Vân Đồn và tiến hành làm đường trục chính.
“Ngày ấy, để chuẩn bị cho công tác giải phóng mặt bằng làm sân bay Vân Đồn, ông Phạm Minh Chính, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh đã rất tâm huyết, thành lập các ban ngành, đơn vị liên quan của tỉnh và tạo nên “chiến dịch Quang Trung” với mong muốn công tác này được triển khai một cách “thần tốc” như tên gọi của nó”, anh Phương nói và cho biết, anh được chọn tham gia chiến dịch, là thành viên của tổ truyền thông. Anh được giao theo các đoàn tuyên truyền đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà để vận động người dân sớm bàn giao mặt bằng và từ đó, anh có các tác phẩm báo chí cung cấp các thông tin thiết thực về “chiến dịch Quang Trung”, giúp người dân hiểu rõ hơn về lợi ích của dự án mang lại sau khi hoàn thành.
Anh Phương nhớ, 16h chiều 30 Tết năm 2014, trong lúc vợ con tất bật chuẩn bị mâm cơm cuối năm, anh vẫn ở dưới Vân Đồn để ghi nhận không khí đón Tết của người dân địa phương sau khi bàn giao nhà, đất để làm mặt bằng cho dự án. Có những hộ dân tổ chức tất niên ngay ở vỉa hè, họ cùng gói bánh, mổ heo, bày tiệc và mời anh ở lại vui cùng.
Nhờ sự “theo dấu” sát sao ấy, anh Phương trở thành người “may mắn” chứng kiến nhiều thời khắc lịch sử của các đại dự án ở Quảng Ninh từ khi bắt đầu thi công đến khi khánh thành. Như đợt thi công cầu Bạch Đằng, 11h đêm anh nhận tin báo của công nhân rằng 1 tiếng sau đó, họ sẽ đổ mẻ bê tông cuối cùng của trụ tháp. Ngay lập tức, anh tìm liên hệ chắp mối với nhà thầu để được vào công trường ghi lại khoảnh khắc ấy.
“Sau khi đổ xong trụ tháp, đơn vị thi công sẽ chuyển sang giai đoạn khác của công trình đó là làm dây văng, K0, đúc hẫng. Ngày trước, bố tôi (nhà báo Đỗ Khánh, từng công tác tại Báo Quảng Ninh đã về hưu - PV), cũng được chứng kiến thời điểm đặt 2 đồng xu ở giữa cầu Bãi Cháy khi thi công cây cầu này. Mỗi lần nghe bố kể lại, tôi đều háo hức và khi được giao phụ trách mảng giao thông, muốn là người có mặt, chứng kiến và lưu giữ những thời khắc quan trọng của công trình", anh Phương hào hứng nói.
Yêu nghề để vượt qua tất cả
Anh Phương kể, trong lần tác nghiệp lũ lịch sử tại huyện Tiên Yên vào tháng 9/2008, giữa trời mưa lớn và nước lũ cuồn cuộn chảy về, anh cùng một đồng nghiệp leo lên từng nóc nhà dân xin quần áo bọc máy ảnh để tới cầu Khe Tiên chụp toàn cảnh huyện Tiên Yên chìm trong biển nước.
Khi đứng giữa cầu, nước lũ dâng cao chỉ còn 50 phân là tràn qua cầu, từ xa có một khóm tre to gần bằng căn nhà cấp 4 đang trôi thẳng về phía cầu. “Lúc này, trong đầu tôi đã xác định sẵn tư tưởng nếu khóm tre kia đập vào cầu rất có thể cây cầu sẽ bị nhấn chìm. May mắn thay, khi khóm tre vừa đập vào thành cầu thì lọt qua gầm trôi đi mất”, anh Phương kể và cho biết, bức ảnh anh chụp toàn cảnh Tiên Yên ngày hôm đó sau khi được đăng tải trên Báo Quảng Ninh, một Việt kiều là người con của huyện Tiên Yên đã xin số điện thoại của anh gọi điện cảm ơn và nhờ anh đại diện gửi tặng 50 triệu đồng cho bà con.
Hay trong lần tác nghiệp thi công Cung quy hoạch triển lãm tỉnh Quảng Ninh (Cung cá heo), anh phải leo độ cao khoảng 50m trên nóc đỉnh Cung cá heo bây giờ để chụp ảnh công nhân thi công công trình làm ảnh bìa số báo Tết.
“Thời điểm này, công nhân đang cẩu một cấu kiện lên để lắp vào công trình trên cao, muốn chụp ảnh này, tôi phải đi lùi ra khoảng 3 - 4m so với cấu kiện đó và bám vào cái móc cẩu. Trong lúc tập trung chụp, bất ngờ phần kệ cẩu tì vào sắt để ghép bị hẫng, giật ra xa và tôi bị ngã nằm bò xoài trên nóc đỉnh, cảm tưởng sắp rơi xuống bên dưới”, anh Phương nhớ lại.
Hay một lần đang tập trung quay video tại công trường thi công cầu sông Tranh, một chiếc xe tải do không chú ý quan sát đã lùi đúng vị trí anh đứng khiến chiếc máy quay bị vỡ camera còn anh may mắn nhảy ra ngoài kịp thời. Lần đó, người không bị thương nhưng anh phải sửa camera máy quay hết 90 triệu đồng.
Công việc dù vất vả, khó khăn nhưng đối với anh lại thật nhiều kỉ niệm đẹp và ý nghĩa. “Thấy chồng đi làm sớm hôm, nguy hiểm luôn rình rập, vợ tôi cũng lo lắng nhưng biết chồng đam mê, yêu nghề nên luôn động viên và phụ giúp chồng việc nhà”, anh Phương tâm sự.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận