Phát triển - Kết nối

Chuyện ngôi làng biệt lập Suối Cạn

04/10/2022, 06:30

Hơn 40 năm sau khi rời làng đến Suối Cạn mưu sinh, hàng chục hộ dân như mắc kẹt giữa đói nghèo và tái mù chữ triền miên...

Khu dân cư Suối Cạn (X. Ia Sol, H. Phú Thiện, T. Gia Lai) trắc trở đường sá, bị chia cắt với cuộc sống bên ngoài nên đói nghèo triền miên...

Ngôi làng biệt lập

Khoảng 40 năm trước, để kiếm kế sinh nhai, một nhóm người dân tại huyện Phú Thiện đã chuyển nhà vào một quả đồi ở vùng Suối Cạn (X. Ia Sol, H. Phú Thiện, T. Gia Lai).

Công cuộc khai hoang, lập làng cũng diễn ra từ đó. Người dân đến đây ban đầu là phát nương làm rẫy, rồi dần dần một vài nóc nhà sàn mọc lên. Và cũng từ đó, sau chừng hàng chục năm, ngôi làng tự phát này đã có tới 34 hộ với 172 khẩu sinh sống đều là người dân tộc Jrai sống trong cảnh đói nghèo.

img

Đường vào khu dân cư Suối Cạn. Ảnh: MD

Khu dân cư suối cạn dù chỉ cách trung tâm huyện Phú Thiện tầm 4km nhưng gần như là một thế giới biệt lập bởi đường sá trắc trở, mưa xuống là lòng suối cạn hiền lành trở nên hung tợn cắt đứt đường vào khu dân cư. Vậy nên, cuộc sống của bà con rất khép kín, quanh quẩn với mô hình tự cung, tự cấp nên ngoài chính quyền địa phương rất ít người biết đến sự tồn tại của cụm dân cư tự phát này.

Những căn nhà lụp xụp, xiêu vẹo, bốn bề che chắn tạm bợ bằng những tấm tôn mỏng cũ nát. Đói nghèo, lạc hậu cứ thế như một sự hiển nhiên. Tất nhiên, chuyện học hành của con trẻ ở đây cũng bị bỏ bê theo cuộc mưu sinh của người lớn. Tỉ lệ nghỉ học, mù chữ, tái mù chữ rất cao gắn với cuộc sống đói nghèo, lạc hậu...

“Dân ở đây nghèo lắm. Bà con chủ yếu làm thuê theo thời vụ”, chị Siu H’Phương (SN 1974) mở đầu cuộc trò chuyện với chúng tôi bằng những câu than thở như thế về cuộc sống.

Năm 1998, vợ chồng chị rời làng Knông A (thị trấn Phú Thiện) vào định cư ở đây. Không rẫy nương, vợ chồng họ làm thuê để đắp đổi cuộc sống. Ấy vậy mà lần lượt 10 đứa con ra đời. Trong số này, 4 đứa lớn đã có gia đình riêng. Cách đây 5 năm, chồng mất sớm do bệnh tật nên trách nhiệm nuôi dạy các con đè nặng lên vai chị.

Để chạy vạy với bữa ăn hằng ngày, chị H’Phương cho biết đã làm thuê làm mướn như làm cỏ, bón phân hay nhổ mì, thu hoạch cà phê cho người khác. Chị cũng đi khắp nơi hái cà phê ở tận Đức Cơ, Chư Sê, Ia Grai...

img

Các cô giáo vào khu vực Suối Cạn vận động phụ huynh để đưa các em nhỏ đến trường. Ảnh: MD

Gập ghềnh đường đến trường

Suối Cạn mùa này đã cạn dòng nên chiếc xe máy dễ dàng vượt qua. Vừa đến nơi đã thấy một nhóm người lớn và con nít tụ tập dưới bóng cây che mát hiếm hoi ở đây. Hỏi ra mới hay, các giáo viên ở xã cũng vừa đến vận động học sinh ra lớp. Một cô giáo còn ngồi xổm dưới đất cùng đám trẻ chơi trò oẳn tù tì, ai thua thì bị búng vào tai, kèm theo đó là những tiếng cười vang một góc ngôi làng nghèo.

Ngồi theo dõi bọn trẻ chơi đùa, cô Phạm Thị Ngọc-Phó Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Vàng Anh (thôn Thắng Lợi 3) cho biết, ở đây có đến 68 cháu tuổi từ 1 đến 15; số đủ tuổi ra lớp có trên 40 em. Mỗi năm có khoảng 14-16 cháu trong độ tuổi học mẫu giáo. Năm nay, giáo viên Trường Mẫu giáo Vàng Anh đã vận động được 8/12 cháu ra lớp, 4 cháu còn lại rất khó do gia đình không có phương tiện đi lại, bố mẹ làm thuê thường đi sớm về muộn, không có người đưa đón.

“Việc học của các cháu phần lớn phụ thuộc vào phụ huynh, chứ theo học mẫu giáo hoàn toàn miễn phí. Gạo thì các cô thay nhau mang từ nhà đến hoặc kêu gọi doanh nghiệp và những phụ huynh khác có điều kiện hỗ trợ. Còn thức ăn thì các cô san sẻ phần của mình. Cô ăn gì thì trò dùng thức đó”, cô Ngọc chia sẻ.

Nhưng cái ăn vẫn dễ đối phó hơn sự hung dữ của dòng Suối Cạn. Ngày thường, thấy các em nghỉ vài hôm là thầy cô đã vượt suối vào chở các em ra lớp. Xe máy qua suối bị ngập nước, thầy cô cùng hè nhau đẩy hay ngã xe là chuyện “cơm bữa”.

Nhưng mưa thì đành chịu. Chuyện học của 20 em học sinh tiểu học ở đây theo đó cũng phập phồng không kém. Vì vậy, chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi biết rằng đa số học lực các em chỉ ở mức trung bình, yếu.

Cô Siu H’Vân, giáo viên Trường Tiểu học Thắng Lợi cho hay: Vì đi học “bữa đực, bữa cái” hết tiểu học mà các em biết đọc thầy cô đã… mừng lắm rồi. Còn viết chữ thì phải nhìn bảng hoặc nhìn sách mới viết được. “Nói là “vẽ chữ” thì đúng hơn. Học hết lớp 5 nhưng có em đọc được, có em không.

Đặc biệt, các thầy cô không được hối thúc, phải đợi các em từ từ vừa đánh vần vừa đọc. Nhưng cũng rất chậm!”-cô Siu H’Vân nói về việc học của các em ở cụm dân cư Suối Cạn.

Năm học này, cụm dân cư Suối Cạn có 10 em vào đầu cấp THCS nhưng vẫn chưa ra lớp. Tiếng trống khai giảng đã điểm nhiều ngày qua mà các em vẫn “bóng chim tăm cá”.

Thầy Phạm Ngọc Đông, giáo viên Trường THCS Trưng Vương lo ngại: “Quãng đường từ cụm dân cư này đến trường gần 8 km nên các em ngại đến lớp, phụ huynh thì không có phương tiện lẫn thời gian đưa đón. Trước đây, trường học gần hơn mà các em còn đi học không đều. Giờ đường đi xa hơn phải tính toán phương án hợp lý, chứ nguy cơ các em nghỉ học, tái mù chữ là rất cao”.

img

Những căn nhà lụp xụp trong khu dân cư Suối Cạn. Ảnh: MD

Chờ tiền để dời dân...

Nhằm ổn định đời sống người dân tại cụm dân cư tự phát Suối Cạn, UBND huyện Phú Thiện triển khai dự án bố trí, sắp xếp hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng thiên tai, đặc biệt khó khăn trên địa bàn xã Ia Sol giai đoạn 2021-2025, tổng mức đầu tư hơn 15 tỷ đồng. Dự kiến tiến độ bố trí vốn và thời gian thực hiện từ năm 2022 - 2025.

Nơi ở mới này sẽ đảm bảo đầy đủ các điều kiện về điện, đường, hệ thống nước sinh hoạt, nước sản xuất, hệ thống kênh thoát nước, có khuôn viên cây xanh bóng mát, được phân lô một cách hợp lý, khoa học. Đồng thời, sau khi di dời toàn bộ các hộ dân, chúng tôi sẽ tiến hành san ủi toàn bộ khu vực cũ để tránh việc người dân quay lại tái cư.

Trên đường dẫn chúng tôi vào nơi cụm dân cư Suối Cạn, Chủ tịch UBND xã Ia Sol Nguyễn Hữu Khóa cho biết, cụm dân cư Suối Cạn chỉ cách thị trấn Phú Thiện chưa tới 4 km, cách trung tâm xã Ia Sol khoảng 8 km.

“Gần mà xa vì vào mùa mưa lũ, dòng Suối Cạn chia cắt hoàn toàn cụm dân cư tự phát này với cuộc sống bên ngoài. Mùa mưa, nước suối dâng lên ngập hết cả khu vực này, cát từ đầu nguồn đổ về rất nhiều, ngập đến nửa bánh xe.

Chỉ khi dứt mưa hẳn vài tiếng đồng hồ mới có thể đi được, nhưng người lái phải thật cứng tay. Còn muốn vào đến nơi thì phải chờ Suối Cạn rút bớt nước mới có thể vượt dòng qua phía bờ bên kia. Mặc dù gần nhưng nhiều lúc đi hoài mà chẳng tới”, ông Khóa nói.

Ông Khoá cho biết thêm, phương án di dời các hộ dân tại khu vực dân cư tự phát Suối Cạn về nơi ở mới đã được xây dựng từ năm 2020. Dự kiến khu dân cư mới có diện tích quy hoạch khoảng 5 ha tại thôn Thắng Lợi 3 (cách đó chừng 2 km), mỗi hộ được bố trí 600 m2. Tuy nhiên, đến nay phương án trên vẫn chưa thể triển khai vì… không có kinh phí...

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.