Hậu trường sao

Chuyện ngôi sao U17 Việt Nam không thích… tiêu tiền

15/10/2022, 07:00

Nguyễn Lê Phát, một trong những cầu thủ chơi ấn tượng nhất của đội tuyển U17 Việt Nam ở vòng loại châu Á mang trong mình câu chuyện đặc biệt...

Tài không đợi tuổi

img

Nguyễn Lê Phát trong trận đấu với U17 Thái Lan. Ảnh: Đức Cường

Tại vòng loại U17 châu Á 2023, Nguyễn Lê Phát là một trong những cái tên chơi nổi bật nhất của U17 Việt Nam.

Cầu thủ quê Đắk Nông ra sân cả ba trận, góp công vào 3 bàn thắng (2 bàn, 1 kiến tạo). Bên cạnh đó, Phát còn gây ấn tượng bằng khả năng đi bóng tốc độ, kỹ thuật, nhiều phen khiến hàng thủ đối phương chao đảo.

Sau khi trở về từ Vòng loại U17 châu Á 2023, em vẫn chưa hết cảm xúc hạnh phúc và tự hào vì được khoác áo đội tuyển và ghi bàn giúp đội nhà giành chiến thắng.
Ước mơ từ lâu của em là được khoác áo đội tuyển và em đã thực hiện được. Mọi thứ giờ mới bắt đầu, em vẫn cần hoàn thiện các kỹ năng, đặt ra yêu cầu cao hơn với bản thân để tiếp tục tiến về phía trước.

Cầu thủ Nguyễn Lê Phát


Đáng nói, Lê Phát là cầu thủ trẻ nhất đội khi sinh năm 2007 nhưng đã chơi rất chững chạc bên cạnh các đàn anh, trước các đối thủ lứa trên.

Phát nổi lên từ Giải U15 Quốc gia 2022 khi trở thành nhân tố chính đưa U15 PVF vào chung kết (thua SLNA). Sau đó, anh tiếp tục sắm vai trụ cột trong đội hình U17 PVF lên ngôi vô địch tại Giải U17 Quốc gia 2022.

Chính màn trình diễn ấn tượng trong màu áo U15, U17 PVF đã giúp Phát thuyết phục HLV Nguyễn Quốc Tuấn trao cho anh cơ hội ở đội tuyển U17 Việt Nam. Không phụ lòng thày, Lê Phát đã khiến giới chuyên môn phải chú ý tới anh - chàng trai có nước da ngăm đen, dáng người dong dỏng cùng khả năng chơi bóng thông minh, hiệu quả.

HLV Nguyễn Duy Đông, người trực tiếp dìu dắt Lê Phát ở Trung tâm Đào tạo bóng đá trẻ PVF cho hay, ông không hề bất ngờ khi chứng kiến cậu học trò chơi tốt khi lên tuyển: “Bạn ấy có thái độ rất tốt, cầu thị và khát khao trong tập luyện lẫn thi đấu. Ngoài ra, Phát cũng có khả năng thích nghi tuyệt vời với những thay đổi về mặt chiến thuật, vận hành lối chơi và môi trường khác nhau”.

Vị HLV trưởng U15 và U17 PVF cũng đánh giá, ngoài tốc độ và sự khéo léo, điểm nổi bật nhất của Phát chính là tinh thần dám chơi và tự tin dù trước bất kỳ đối thủ nào. Còn về điểm hạn chế, ông Đông cho rằng, Phát còn trẻ, kinh nghiệm thi đấu chưa nhiều nên cần tích lũy nhiều qua các giải đấu để trưởng thành hơn.

Đánh giá thêm về cậu học trò quê Đắk Nông, HLV Duy Đông chia sẻ, ông luôn lấy Phát làm gương cho các cầu thủ trẻ khác noi theo: “Phát rất lễ phép với các thày, hòa đồng, giúp đỡ đồng đội. Trong các buổi tập, em luôn đến sớm, về muộn để hỗ trợ các thày chuẩn bị, thu dọn dụng cụ tập luyện. Đây là điều không phải bạn nào cũng có ý thức thực hiện”.

Người mẹ đặc biệt

img

Nguyễn Lê Phát và mẹ sau trận đấu với U17 Thái Lan. Ảnh: NVCC

Trong thế giới bóng đá, những cầu thủ tài năng luôn mang trong mình câu chuyện đặc biệt và câu chuyện về Nguyễn Lê Phát cũng chẳng ngoại lệ.

Cô Linh, mẹ Phát tiết lộ, ngay từ khi hơn 1 tuổi, mới chập chững biết đi, con trai cô đã thích chơi với bóng và biết đá quả bóng. Lớn hơn chút xíu, Phát nhất định không chịu chơi bóng nhựa, bố mẹ mua về chỉ khóc rồi ném đi nhưng khi mang bóng da cho chơi thì cười tươi và có thể vần trái bóng cả ngày không chán, đi ngủ cũng đòi ôm theo.

“Khoảng 5 - 6 tuổi, Phát đã theo bố và các anh trong xóm ra sân xi măng đầu làng xem đá bóng. Các anh lớn trong sân đá còn Phát ở ngoài cũng chạy rồi tập sút, nhiều hôm chân mài xuống nền xi măng chảy máu ấy vậy mà hôm sau có chịu ở nhà đâu, vẫn nằng nặc đòi bố đưa ra sân”, cô Linh kể.

Thời gian cứ thế trôi, Phát chẳng bỏ buổi đá bóng nào mỗi chiều ở sân đầu làng. Tới năm học lớp 3, xem tivi có chương trình về các Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ, em nói muốn mẹ tìm nơi để em tập bóng đá. Thương con, cô Linh đã gọi điện thoại tới Trung tâm Đào tạo bóng đá HAGL để xin lịch tuyển sinh nhưng phía HAGL phản hồi chỉ tuyển sinh từ lớp 5.

Câu trả lời này đương nhiên không thuyết phục được cậu bé đang nóng lòng được thử sức ở môi trường bóng đá chuyên nghiệp. Người mẹ trẻ lại lùng sục thông tin và biết được PVF có tuyển sinh ở Cần Thơ, năm đó Phát học lớp 4. Để đưa con đi tuyển sinh, cô Linh đã phải dành dụm tiền nhiều tháng, thậm chí còn vay mượn thêm để bắt xe vào Cần Thơ.

“Ngày được báo tin trúng tuyển, em thấy buồn vui lẫn lộn. Vui vì được thỏa đam mê còn buồn là lần đầu tiên sẽ phải xa gia đình dài ngày”, Phát nhớ lại.

Những suy nghĩ của cậu bé 9 tuổi nhanh chóng bị sự hào hứng của các bài tập đầu tiên lấn át. Em chạy và chơi bóng với tất cả năng lượng mình có. Nhưng tới ngày thứ 3, khi hết quy định gia đình được ở cùng, em đã khóc rất nhiều.

“Thấy thương con quá nên tôi không đành lòng về Đắk Nông ngay mà ra ngoài thuê một nhà trọ gần trung tâm để hàng ngày vào với con. Được khoảng nửa tháng, khi thấy con đã hòa nhập tốt với môi trường mới tôi mới yên tâm về nhà”, mẹ tuyển thủ U17 Việt Nam bộc bạch.

Sau này, khi con trai thi đấu, người mẹ lại lặn lội đường xa tới cổ vũ, động viên con. Gần nhất, cô Linh cũng xuất hiện ở khán đài sân Việt Trì để theo dõi U17 Việt Nam đọ sức cùng U17 Thái Lan. Sau trận, cô không tìm gặp con ngay bởi sợ sự chú ý của truyền thông. Tới khi khán giả ra về hết cô mới xuống ôm con vào lòng.

“Kinh tế gia đình tôi chỉ đủ ăn, mỗi lần đi như vậy đều phải vay mượn thêm chút mới đủ tiền tàu xe, ăn ở. Tuy nhiên, tôi luôn cố gắng có mặt để tiếp thêm động lực cho con. Chứng kiến con ngày một tiến bộ, người làm mẹ như tôi cảm thấy rất hạnh phúc”, cô Linh tâm sự.

Chàng trai hiếu thảo

Có lẽ ý thức được những hy sinh, tình cảm của mẹ nên Lê Phát luôn cố gắng để mẹ có thể tự hào về mình. Một cán bộ tại PVF cho biết, ở Trung tâm Phát rất ngoan, sinh hoạt nền nếp. PVF hàng tháng đều có tiền sinh hoạt phí cho học viên nhưng Phát chưa bao giờ tiêu một xu vào số tiền đó. Em đưa số tài khoản ngân hàng của mẹ và nhờ các anh chị kế toán chuyển thẳng cho mẹ.

“Tiền sinh hoạt không nhiều, các bạn khác tiêu loáng cái là hết nhưng Phát chưa bao giờ động vào tiền này. Thế nên bạn bè vẫn trêu Phát là không thích tiêu tiền. Có lần, bạn ấy ngủ quên dẫn tới đi học muộn và bị trừ tiền sinh hoạt phí. Tháng đấy thấy tiền gửi cho mẹ bị thụt đi, bạn ấy cứ tiếc ngẩn ngơ. Từ đó, Phát không bao giờ đi học muộn nữa”, vị cán bộ PVF chia sẻ.

Tại PVF, học viên không được sử dụng điện thoại nhưng có quy định được phép gọi điện về gia đình vào cuối tuần. Nhiều bạn chẳng để ý tới việc này còn Phát thì không bỏ lỡ lần nào để liên lạc với mẹ.

“Cứ cuối tuần em nó lại gọi về cho tôi, động viên mẹ không phải lo lắng vì con ở trung tâm rất tốt, rồi nói sẽ cố gắng không để tôi phải thất vọng. Tính em nó ít nói, nhiều chuyện chỉ giữ trong lòng nên tôi cũng không nắm rõ hết. Tuy nhiên, tôi tin con trai mình đang đi đúng hướng”, cô Linh bày tỏ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.