Ngày 27/4, TAND TP.HCM xử sơ thẩm và tuyên phạt Trịnh Hữu Tú Trân (sinh năm 1978, nhân viên công ty TNHH Ánh Thái Dương) 20 năm tù về tội tham ô tài sản.
Theo cáo trạng, Trân nhiều lần tự ý lấy tiền của công ty, mỗi lần từ vài chục triệu đến 100 triệu đem cho bạn trai trả nợ, tổng số tiền 9 tỷ đồng.
Bị cáo Trân trầm ngâm sau khi xin tòa tuyên án tử hình.
Tại tòa, bị cáo Trân thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội, gửi lời xin lỗi tới phía bị hại. Đáng chú ý, trong phần lời nói sau cùng, Trân 2 lần xin nhận mức án tử hình và được thi hành án ngay lập tức, dù trước đó Viện kiểm sát chỉ đề nghị mức án 20 năm.
Trước đó chưa đầy nửa tháng, bị cáo Phạm Văn Cung (SN 1982, ngụ huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long, cựu trụ trì một ngôi chùa) cũng khiến dư luận chú ý vì liên tục xin nhận mức án tử hình, khi bị đưa ra xét xử về hành vi lừa đảo chiếm đoạt 68 tỷ đồng của nhiều phụ nữ. Bị cáo Cung sau đó bị toà tuyên phạt mức án chung thân.
Từng có không ít bị cáo ra trước toà đều khẩn thiết xin nhận sự trừng phạt nghiêm khắc nhất, tuy nhiên đó đều là những vụ án mạng đau lòng, ám ảnh dư luận. Các bị cáo đều cảm thấy day dứt, cảm thấy chỉ có cái chết mới có thể đền được tội do mình gây ra.
Tuy nhiên, với những bị cáo phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản hay tham ô như 2 vụ án kể trên lại là một điều lạ.
Bởi liên hệ với những vụ xử quan chức nhúng chàm thời gian qua, người ta lại thấy một thái độ hoàn toàn trái ngược!
Đó là khi đứng trước toà, nhiều người khóc lóc thảm thiết, kể lể công trạng, trình bày hoàn cảnh bệnh tật… những mong hội đồng xét xử nương tay mà khoan hồng.
Mới nhất, hồi đầu tháng 4 này, khi vụ án sai phạm đất đai tại núi Chín Khúc được đưa ra xét xử, người ta chứng kiến dàn cựu lãnh đạo tỉnh Khánh Hoà sụt sùi, “đau đớn, xót xa” về những việc đã làm.
Nhiều bị cáo, trong đó có Đào Công Thiên, cựu Phó chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho rằng mình đang bị bệnh nền, bệnh ung thư, chỉ còn 13% sức khỏe nên mong hội đồng xét xử chiếu cố…
Trong vụ án thứ 3 phải hầu toà, cựu Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung khi nói lời sau cùng cũng trình bày "đã 2 lần phẫu thuật ung thư, mong được tạo điều kiện để chữa bệnh"; "bản thân có bố mẹ già, mong được sớm đoàn tụ để lo cho bố mẹ"…
Trong vụ án 5.000 m2 đất vàng ở quận 1, TP.HCM rơi vào tay tư nhân, cựu Phó chủ tịch TP.HCM Nguyễn Thành Tài cũng khiến dư luận chú ý khi khóc nức nở trước toà.
Còn nhiều, nhiều cựu quan chức nữa cũng như vậy. Đó là cựu Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Phan Văn Vĩnh trong vụ án đánh bạc nghìn tỷ; hai cựu Chủ tịch Đà Nẵng là Trần Văn Minh và Văn Hữu Chiến vụ thâu tóm đất công...
Mọi sự so sánh đều khập khiễng, song trên thực tế, thiệt hại do các cựu quan chức gây ra lớn hơn nhiều so với những bị cáo trong các vụ án thông thường khác. Bởi ngoài việc gây thiệt hại rất lớn về kinh tế, nó còn gây xói mòn lòng tin của nhân dân vào đội ngũ cán bộ được giao thừa hành công vụ.
Vậy mà khi đứng trước toà, dù có tỏ ra ăn năn nhưng chẳng thấy ai tự nhận hình phạt tương xứng, chỉ đem bệnh án với công trạng trong quá khứ ra để mong nhận khoan hồng.
Bởi vậy mới nói, việc nữ nhân viên tham ô 9 tỷ đồng hay cựu sư trụ trì liên tục xin nhận mức án tử hình là một điều lạ!
Với việc nhiều đại án sẽ được lần lượt đưa ra xét xử (vụ án xảy ra tại Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao; vụ Việt Á…), rồi đây còn nhiều cựu quan chức sẽ phải đứng trước tòa.
Liệu trong số này, có ai xin nhận mức án tử hình thay vì mếu máo, khóc lóc, trình bày bản thân đang bệnh tật... để xin được khoan hồng?
Tất nhiên, khi lượng hình, toà căn cứ trên tội trạng chứ không xử theo ý muốn của ai!
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận