Ai làm ra thương hiệu “vịt biển Đoàn Văn Vươn”?
Bước từ ngoài đầm vịt về dưới ánh nắng tàn của ngày hè, ông Vươn vội vàng rửa qua chân tay rồi mới vào tiếp khách. Nhấp ngụm trà, ông kể trong danh bạ hiện giờ có tới hàng chục số của nhà báo, thân có mà quen sơ sơ cũng có. “Cuộc đời tôi may mắn khi có anh em phóng viên vào cuộc, thông cảm và phản ánh chân thật”, chủ trại vịt biển chân tình chia sẻ.
Nhắc về trại vịt sạch, ông Vươn cho biết đó là dự định được ông ấp ủ từ những ngày còn là anh sinh viên trường Đại học Nông nghiệp. Thế nhưng dự định vẫn mãi chỉ trong tâm thức chứ chưa thực hiện được bởi gánh nặng cơm áo xoay vòng suốt những năm tháng ông cùng gia đình quai đê lấn biển. Thế rồi biến cố “Tiên Lãng” xảy ra như cơn lốc xóa đi tất cả.
“Những ngày tôi không có nhà, phóng viên đã lui tới tìm hiểu, phân tích mổ xẻ câu chuyện. Họ cũng thường xuyên vào trại giam thăm tôi. Những bài viết đều đều xuất hiện và tôi thấy ấm lòng lắm, không còn cảm giác tự ti mặc cảm, cô đơn nữa. Từ đó, tôi tự nhủ phải cải tạo thật tốt để sớm được ra tù, sống cuộc đời có ích, không phụ lòng bao người đã ủng hộ, giúp đỡ mình”, ông Vươn nhớ lại và cho biết, những ngày tháng trong tù, ông tìm mọi nguồn sách báo nghiên cứu về cách chăn nuôi vịt sạch. Có lẽ cũng vì thế mà những ngày tháng ấy với ông Vươn không còn vô ích và trôi qua nhanh hơn... “Xã hội đã phân cho mỗi người một việc, đừng than thân trách phận mà hãy cố làm tốt việc của mình rồi mọi thứ sẽ tốt đẹp lên thôi”, ông tâm sự.
Ngày được thả tự do, đúng như dự định, hai anh em ông Vươn lao vào dựng lại trang trại đã bị bỏ hoang cỏ mọc um tùm. Cũng nhờ báo chí đưa tin về dự định muốn nuôi vịt biển, nên đã có người từ xa tới hỗ trợ 100 con vịt biển giống Đại Xuyên để ông nuôi thử. Trời không phụ lòng người, đàn vịt cứ thế được nhân lên tới cả ngàn con. “Khi hay tin tôi ra Hà Nội tiếp thị vịt biển, một số anh em báo chí lại ngỏ lời giúp đỡ và lan tỏa thông tin. Cái tên “vịt biển Đoàn Văn Vươn” cũng nhờ báo chí mà nên…”, ông Vươn nhớ lại.
Tới thời điểm hiện tại, đầu ra của “vịt biển Đoàn Văn Vươn” tương đối ổn định, nhiều đại lý được mở tại Hà Nội, Hải Phòng và Bắc Giang. “Giờ thì tôi chỉ lo tính toán làm sao để ổn định chất lượng, cân đối sản lượng đủ nguồn cung cho từng mùa, không lúc nào thiếu hàng”, ông Vươn cười tươi và nhắn nhủ với những người khởi nghiệp như mình: “Trước hết, cần chọn một nghề hoặc sản phẩm, sau đó tìm hiểu nghiên cứu với niềm đam mê và có lối làm khác biệt. Song song đó, cần tiếp cận được nguồn truyền thông báo chí thì chắc chắn sẽ được lan tỏa và phát triển”.
Và nữ nhà báo miệt mài kết nối hàng Việt
Từng là Tổng biên tập hai tờ báo Tuổi trẻ và Sài Gòn Tiếp Thị, tên tuổi nhà báo Vũ Kim Hạnh không chỉ được biết tới với “cuộc dân vận về kinh tế” mà còn được gắn với chương trình “Hàng Việt Nam chất lượng cao do người tiêu dùng bình chọn”. Ngày nay, với tư cách Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA), nữ nhà báo vẫn đang miệt mài góp sức xây dựng chương trình kế tiếp song song “Hàng Việt Nam chất lượng cao - Chuẩn hội nhập”. “Thế giới người ta ăn đồ chế biến, mình cứ làm tùy tiện, sản xuất thì sử dụng thuốc sâu không theo quy định, rồi trúng mùa cũng chỉ xuất thô, hơn 70% nông sản chỉ bán cho Trung Quốc. 20 năm trước hàng Việt Nam chất lượng cao phải lấy yêu cầu và đánh giá của người tiêu dùng làm chuẩn. Nay phải thêm cạnh đó là “chuẩn hội nhập”, Giám đốc BSA lý giải.
Dù đã nghỉ làm báo từ lâu, song máu nghề vẫn sôi sục trong con người Vũ Kim Hạnh. Hàng ngày, bạn đọc đều cảm nhận được nỗi niềm đau đáu về phát triển hàng Việt, kết nối doanh nghiệp Việt từ những bài viết trên báo hay trang Facebook của bà. Còn nhớ sau mỗi lần nước mắm truyền thống bị “truyền thông bẩn” hay suýt bị “giết” bởi mác “tiêu chuẩn sản xuất nước mắm”, người ta lại thấy một ngòi bút Vũ Kim Hạnh với luận cứ sắc sảo bảo vệ sản phẩm “quốc hồn quốc túy”. Cũng chính nữ giám đốc BSA đã đứng lên cùng với các hiệp hội nước mắm truyền thống làm đơn kiến nghị lên Thủ tướng và các bộ ngành liên quan xem xét dừng ban hành dự thảo vô lý trên.
Tháng 5 vừa qua, khi nông sản Việt đang gặp khó ở ngay cả những thị trường xuất khẩu chính, Diễn đàn kết nối cung cầu nông sản thực phẩm Việt chất lượng cao là cuộc gặp gỡ trực tiếp một -một giữa nhà sản xuất và nhà phân phối, đã được BSA triển khai.
Mới đây, bà Kim Hạnh phấn khởi “khoe” với bạn bè về ấn phẩm mới của Thế giới hội nhập (trang thông tin điện tử của BSA) được “trình làng” do bà làm chủ bút. “Bên cạnh báo hình (chương trình Niềm tin hàng Việt), ấn phẩm hàng tuần Thế giới hội nhập, trang web thegioihoinhap.vn, sẽ còn có chuyên trang “Thị trường tiêu dùng và hàng Việt” trên YouTube. Tất cả vì bước phát triển mới của thị trường nông sản và thực phẩm Việt”, bà Hạnh nói.
Cho rằng công việc hỗ trợ doanh nghiệp gian nan cũng không kém nghề báo, bà Kim Hạnh từng tâm sự: “Nghề dạy nghề! Hai công việc đều dựa trên nền tảng xử lý thông tin, tìm giải pháp cho doanh nghiệp, tìm thị trường; do đó kỹ năng từ nghề báo rất quan trọng”. Và những chuyến đi vẫn nối tiếp những chuyến đi, người phụ nữ ấy như chưa từng biết mệt mỏi. Ngay khi bài viết này được thực hiện, Vũ Kim Hạnh đang cùng Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao thực hiện, tour đi học - nghiên cứu tại các trung tâm nổi tiếng về thực phẩm ở Thái và ngay tại Hội chợ Thaifex. Đây cũng là một trong những hoạt động nằm trong chương trình thúc đẩy xuất khẩu chính ngạch nông sản-thực phẩm của Việt Nam do BSA khởi xướng.
Doanh nghiệp nói gì về vai trò báo chí?
"Báo chí và doanh nghiệp luôn là hai yếu tố cộng hưởng song hành không thể tách rời. Doanh nghiệp rất trân trọng bài viết thông tin về hướng phát triển hướng thiện trên báo chí. Nhờ báo chí, doanh nghiệp cập nhật nhanh chóng hầu như mọi chính sách, quy định của Đảng và Nhà nước, kịp thời thay đổi các chiến lược kinh doanh cho phù hợp. Với những mô hình, bài học kinh doanh trong và ngoài nước, báo chí cũng chỉ cho doanh nghiệp thấy vấn đề thượng tôn pháp luật trong hoạt động của mình".
Ông Phạm Phú Quốc, Tổng giám đốc Công ty Đầu tư tài chính
Nhà nước TP HCM
"Báo chí là kênh cung cấp thông tin chủ yếu và vô cùng quan trọng về mọi lĩnh vực trong cuộc sống. Nhờ báo chí, doanh nghiệp có thể dễ dàng có được định hướng thị trường nhanh chóng mang các sản phẩm, dịch vụ của mình đến gần hơn với khách hàng và cũng thông qua báo chí mà doanh nghiệp biết được phản hồi của thị trường, của khách hàng về sản phẩm, dịch vụ của mình để kịp thời điều chỉnh, thay đổi sản phẩm, dịch vụ phù hợp hơn với nhu cầu khách hàng. Cũng nhờ báo chí mà mọi thông tin, hình ảnh truyền thông, thương hiệu của doanh nghiệp sẽ được phủ rộng, đến với khách hàng nhanh chóng, đầy đủ, chính xác nhất".
Ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận