Ánh điện không bao giờ tắt
Nằm ở xã Kim Hóa, Tuyên Hóa, Quảng Bình, Khe Nét là một trong 5 con đèo cao nhất thuộc hệ thống đường sắt quốc gia. Đèo nằm giữa ga Vinh (Nghệ An) và ga Đồng Hới (Quảng Bình). Từ Vinh lên đến đỉnh đèo phải mất tới 200 km.
Hành khách muốn dừng lại tại những điểm ga lẻ dọc đường sắt, phải đi bằng tàu địa phương - người dân quen gọi là tàu chợ có mác VĐ 31/32. Tàu tốc độ chậm, ga nào cũng phải dừng để tránh tàu, đón tiễn khách... Tàu cũng không có toa giường nằm, không điều hòa, mà chỉ có ghế ngồi cứng. Thế nên cũng dễ hiểu tàu chợ chỉ có thể đi những tuyến ngắn từ tỉnh này sang tỉnh kia với giá vé rất rẻ và hành khách chủ yếu là người nghèo.
Ga Đồng Chuối nằm heo hút lưng chừng đèo. Chỉ chủ yếu làm nhiệm vụ tránh tàu và lập đầu máy kéo tàu hàng nên gần như không có đoàn tàu nào đỗ lại đón tiễn khách. Chỉ có tàu chợ VĐ 31/32 mới dừng, đỗ tại đây theo lịch trình. Đường bộ không vào được, nên muốn lên Khe Nét, chỉ có cách đi tàu chợ từ Vinh lên hoặc Đồng Hới xuống mà thôi.
"Ở đây tuy khó khăn, heo hút nhưng ban đêm điện chưa bao giờ tắt. Ánh điện ở sân ga vẫn luôn sáng để đón tàu và cả anh em công nhân tuần đường ghé vào xin chén nước, nghỉ chân…”.
Anh Hải, Trưởng ga vui vẻ nói |
Chuyến đi trước, tôi vượt tàu đêm vào Vinh, rồi chuyển sang đi tàu chợ qua khoảng chục ga lớn, bé mới đến được ga Đồng Chuối lưng chừng đèo Khe Nét. Quãng đường có hơn trăm cây số, nhưng phải đi mất hơn nửa ngày đường. Ga này được thành lập khoảng năm 1999. Từ đây, muốn lên đỉnh cao Khe Nét chỉ còn cách đi bộ theo đường ray tàu hỏa khoảng 5 km nữa. Sau đó đi thêm 1 km mới có cung đường. Thế nên ngoài tuần đường sắt, người dân được khuyến cáo nên hạn chế đi bộ lên đèo vì có thể nguy hiểm đến tính mạng nếu không để ý tàu hỏa.
Anh Hải, Trưởng ga Đồng Chuối kể với tôi, hồi mới thành lập, ga đã được kéo điện đến tận nơi. Đây là điều rất may mắn cho anh em công nhân ở đây. Nhưng hồi đó, điện còn phập phù. Lúc được lúc không ảnh hưởng nhiều đến tác nghiệp. Giờ ngành Điện đã trang bị cho riêng ga một trạm biến thế 50KVA nên ổn định hơn rất nhiều, giúp nhà ga tác nghiệp dễ dàng và an toàn hơn. Hồi trước, anh em ở ga vẫn phải dùng báo hiệu đèn dầu vất vả lắm.
Ga nằm lọt thỏm giữa rừng. Mỗi ngày khoảng 40 chuyến tàu khách và hàng qua lại. Trong khi đó lượng cán bộ chỉ khoảng 12 người. Hơn nữa, do địa hình đèo dốc hiểm trở, quanh co nên công tác bảo đảm an toàn cho những chuyến tàu phải thực hiện rất nghiêm túc, đúng quy trình, chỉ một sơ suất nhỏ cũng có thể dẫn đến mất an toàn.
Tuy thế, đây là khu vực thường xuyên bão, sạt lở đất nên nhiều khi mất điện cả tuần là chuyện thường. Tại ga luôn phải có máy phát điện dự phòng công suất lớn. Máy chạy dầu, được anh em chăm sóc bảo dưỡng kỹ lưỡng. “Nếu không có cái máy phát điện này thì nguy”, anh Giang cán bộ ga bảo với tôi thế.
Anh Giang kể: “Trận bão vừa rồi, nhà ga bị mất điện hai ngày. Anh em phải phát máy dầu để có điện. Nhưng điều kiện nhiên liệu còn khó khăn, nên để tiết tiệm, chỉ những máy chính tác động trực tiếp đến tác nghiệp ga mới được cấp điện. Còn lại điện sinh hoạt đành cắt”.
Đối mặt với rắn, rết và vắt rừng
Trở lại Khe Nét lần này, tôi chỉ có một đêm tâm sự với anh em, sáng hôm sau lại theo tàu chợ vào Đồng Hới để chuyển tàu đi Đà Nẵng. Ga vẫn thế, không nhiều thay đổi. Vẫn những con người ấy chia nhau cắm chốt, túc trực đêm ngày canh cho những chuyến tàu qua.
Ở đây, gần như người nào cũng bị bệnh khớp hoặc xoang do khí hậu khắc nghiệt. Mùa nóng, có khi lên đến 41 độ C, mùa lạnh cái rét cứ ngấu nghiến qua những lớp áo khoác dày. Nhưng lo nhất vẫn là vắt, rắn, rết cắn. Đúng hơn là mối đe dọa. Đó là việc phải thường xuyên đối mặt với rắn, rết và vắt rừng. Anh Hải bảo, trước khi ngủ đều rũ tung chăn, màn để bắt rết, bởi ở đây rết rừng nhiều đến mức nằm sẵn trong chăn trực cắn người. Mà rết rừng đã cắn thì sưng cả tuần không làm ăn gì được.
Cách đây ít hôm, anh Thái bị rết cắn khi đang trực ban, sốt cả tuần liền. Cơn đau buốt hành hạ. Anh em phải cắt cử nhau chăm sóc. Rết rừng cắn không ảnh hưởng đến tính mạng, nhưng đau đớn vô cùng.
- “Không có loại thuốc gì chống được côn trùng cắn hả anh?”, tôi hỏi.
- “Không có đâu, anh em chỉ biết chữa theo kinh nghiệm thôi. Cố gắng phòng tránh là chính. Mỗi năm, nhà ga cũng được phun thuốc diệt côn trùng, nhưng chỉ có tác dụng với muỗi. Còn rắn, rết, vắt thì đành chịu”, anh Hải thở dài.
Thay đổi lớn nhất của ga Đồng Chuối đó là đang được xây dựng hệ thống thông tin tín hiệu cáp quang, thay thế hệ thống thông tin cũ đã lạc hậu. Anh em ở ga mừng lắm. Vì từ trước đến nay, hệ thống thông tin cũ đã xuống cấp nghiêm trọng. Mỗi lần có điện thoại báo tàu rất khó nghe, nhất là những hôm mưa bão do dây trần. Đã có nhân viên trực ban bị ù tai cả tuần liền khi nghe điện thoại báo tàu, bất ngờ bị sấm sét đánh trúng cột dây. “Anh em mong chờ từng ngày hệ thống thông tin cáp quang được đưa vào sử dụng, sẽ cho chất lượng âm thanh tốt hơn, an toàn hơn, cũng là an toàn hơn cho những chuyến tàu”, anh Hải nói.
Chia tay ga Đồng Chuối khi câu chuyện còn dang dở. Dọc tuyến đường sắt đất nước còn nhiều điểm ga vất vả, cực nhọc, chỉ có tàu vào được, còn đường bộ rất khó khăn như: Ga Lạc Sơn, Kim Lũ (Quảng Bình), ga Hòa Duyệt ở Hà Tĩnh, đèo Hải Vân (Đà Nẵng)... Có lẽ điểm dừng chân tiếp theo của tôi sẽ là những ga này.
Lê Phong
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận