Không dám về thăm cha già, con thơ
Những ngày giữa tháng 8, thời tiết ở thành Vinh vẫn nắng nóng như nung. Thành phố đang thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 lần thứ 2, trên các đường phố vắng tanh người, thi thoảng mới bắt gặp một vài phương tiện lưu thông vội vã.
Thượng úy Hoàng Danh Chánh - Đội CSGT-TT Công an TP Vinh căng mình kiểm tra phương tiện tại chốt phong tỏa phòng chống dịch Covid-19 cầu Bến Thủy 2 (Ảnh Sỹ Hòa)
14h chiều ngày 18/8, tại chốt phong tỏa phòng chống dịch Covid-19 cầu Bến Thủy 2, các cán bộ, chiến sĩ vẫn âm thầm kiểm soát người và phương tiện ra vào thành phố Vinh.
Theo ghi nhận, chỉ những phương tiện thuộc diện được phép lưu thông qua chốt theo quy định mới được qua lại.
Các lái xe, người trên xe phải xuất trình CMTND, CCCD, giấy đi đường theo quy định, giấy xét nghiệm âm tính với Covid-19 mới được đi qua. Còn lại, tất cả mọi phương tiện, người dân khi đi đến chốt đều bắt buộc phải quay đầu.
Vừa lau những dòng mồ hôi chảy đầm trên mặt, Thượng úy Hoàng Danh Chánh - Đội CSGT-TT Công an TP Vinh cho biết: Chốt nằm trên cửa ngõ khu vực phía Nam thành phố nên nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hoá thiết yếu ra vào thành phố rất lớn. Chỉ cần kiểm tra chậm hoặc có người cố tình chây ì là tắc đường, mất an ninh trật tự ngay.
“Mặc dù thời tiết nắng nóng, áp lực công việc lớn nhưng anh em luôn chủ động giải thích, tuyên truyền cho người dân hiểu rõ để chấp hành các quy định phòng chống dịch bệnh”, Thượng úy Chánh nói.
Cũng theo thượng úy Chánh, để người dân tuân thủ, trước tiên trong quá trình làm nhiệm vụ tại chốt, anh em cán bộ, chiến sĩ Công an và các lực lượng khác luôn tuân thủ các quy định về phòng chống dịch, đặc biệt là khuyến cáo 5K của Bộ Y tế.
Thượng úy Chánh ở xã Nghi Phú còn vợ ở phường Bến Thủy (đều thuộc TP Vinh). Hai vợ chồng mới cưới nhau không lâu và chỉ mới có 1 con nhỏ hơn 1 tuổi. Bố anh Chánh năm nay đã hơn 70 tuổi lại mang trong người bệnh hen, tiểu đường; mẹ anh cũng đã hơn 60 tuổi.
Trong lần TP Vinh thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 lần thứ nhất, Thượng úy Chánh cũng xung phong tham gia trực chốt từ những ngày đầu tiên. Tham gia trực chốt phòng dịch 21 ngày, sau đó tiếp tục cách ly 7 ngày nữa rồi mới được về nhà thăm vợ con, bố mẹ.
Chỉ được một thời gian ngắn, dịch bệnh Covid-19 bùng phát trở lại và có diễn biến phức tạp hơn, TP Vinh tiếp tục thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 lần thứ 2. Gác lại mọi lo toan ở gia đình, Thượng úy Chánh xin phép bố mẹ gửi vợ và con nhỏ về ngoại rồi tiếp tục lao ra chốt phòng dịch. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, dù rất lo cho sức khỏe bố mẹ già và thương vợ và con nhỏ nhưng vì quy định, Thượng úy Chánh vẫn không thể về thăm, dù nhà chỉ cách chốt không xa.
“Không phải mình em, rất nhiều cán bộ, chiến sĩ ở các lực lượng tuyến đầu chống dịch có hoàn cảnh rất đáng thương. Tại chốt, điều kiện còn thiếu thốn, thời tiết khắc nghiệt nhưng bù lại lực lượng luôn nhận được tình cảm, sự quan tâm của nhân dân. Tấm lòng của người dân là động lực và sức mạnh cho lực lượng tuyến đầu vượt qua mọi khó khăn, chiến thắng dịch bệnh”, Thượng úy Chánh nói.
Nhiều cán bộ, chiến sĩ tại chốt phòng, chống dịch Covid-19 trên QL 1A, đoạn qua cầu Lường, huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn 4 tháng nay chưa về thăm nhà. (Ảnh Văn Thương)
Chăm vợ bầu... qua điện thoại để bám chốt phòng dịch
Có mặt tại chốt phòng, chống dịch Covid-19 trên QL 1A, đoạn qua cầu Lường, huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn, chúng tôi không khỏi xúc động trước hình ảnh Đại úy Đào Tuấn Anh, cán bộ Đội CSGT Công an huyện Hữu Lũng đang phơi mình giữa đường trong nắng phân luồng, kiểm tra, hướng dẫn người dân khai báo, kiểm tra y tế tại chốt phòng, chống dịch bệnh.
Hỏi ra thì mới biết, từ ngày 12/5 đến nay, ngay khi dịch bệnh bùng phát tại huyện Hữu Lũng, anh đã nhận lệnh đến chốt này. Đến nay, do đơn vị chưa thể bố trí người trực thay nên đã gần 4 tháng, anh và các chiến sĩ làm nhiệm vụ tại đây vẫn chưa được về thăm nhà.
“Điều em lo lắng nhất hiện nay là vợ chồng em mới cưới không lâu, vợ em lại đang có bầu, sắp đến ngày sinh nở nhưng phải ở nhà một mình, không có người chăm sóc.
Hàng ngày, sau ca trực, em chỉ biết gọi điện về hỏi thăm, động viên, mong bà xã thông cảm, tự chăm sóc tốt cho bản thân.
Vợ em đang công tác tại Công an huyện Chi Lăng, Lạng Sơn nên đã thấu hiểu, thông cảm, luôn động viên em hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Có hậu phương vững chắc, em luôn vững tin, yên tâm công tác để hoàn thành nhiệm vụ”, Đại úy Đào Tuấn Anh nói.
Tương tự, Trung úy Hoàng Văn Dương, cán bộ Đội CSGT Công an huyện Hữu Lũng, Chốt trưởng Chốt kiểm dịch trên đường tỉnh 242, lối ra đường cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn.
Dù vợ anh đang mang thai và sinh mổ từ ngày 15/8 tại Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Bắc Giang nhưng vì đang thực hiện nhiệm vụ tại chốt nên anh đã không thể cận kề chăm sóc vợ con.
“Hai vợ chồng làm cùng cơ quan nhưng gần 4 tháng nay chưa được gặp nhau. Trong suốt thời gian vợ mang thai và sinh nở, em cũng không thể ở bên cạnh để trông nom, chăm sóc.
Tuy nhiên, qua điện thoại, vợ luôn là người động viên em phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần bảo vệ sức khỏe cho nhân dân.
Chính những lời động viên này đã tiếp thêm sức mạnh giúp em tiếp tục bám chốt, không để xảy ra nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng.
Do thường xuyên tiếp xúc với người từ ngoại tỉnh đi vào/ đi ngang qua nên các cán bộ, chiến sĩ chốt Nghi Sơn (Thanh Hóa) luôn có nguy cơ cao thành F0
Nguy cơ thành F0 luôn rình rập
Nằm trên QL1, lại nằm ở vùng giáp ranh giữa Thanh Hóa và Nghệ An nên chốt kiểm soát Nghi Sơn thời điểm nào cũng có nhiều phương tiện lưu thông qua. Các cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ luôn căng mình ra để kiểm soát phương tiện 24/24h.
Bên cạnh vất vả, các cán bộ, chiến sĩ tại đây cũng luôn đối mặt với rủi ro, có nguy cơ trở thành F0 bất cứ lúc nào.
Trung tá Trần Văn Thái, cán bộ Trạm CSGT Quảng Xương (Phòng CSGT Công an tỉnh Thanh Hóa) cho biết: Ở điểm chốt kiểm soát dịch thường tiềm ẩn nhiều nguy cơ cao có thể xảy ra lây nhiễm dịch bệnh Covid-19 vì lượng phương tiện, người qua lại rất nhiều.
“Trong sáng 18/8, khi dừng chiếc xe ô tô 7 chỗ lưu thông theo hướng Nam- Bắc, 4 người trên xe đều xuống khai báo y tế và cho biết mới ở trong TP Vinh ra.
Tuy nhiên, trong số đó có một người mang giấy xét nhiệm đã hết hạn cách đó 2 ngày nên tổ công tác yêu cầu test nhanh tại chỗ. Đến khoảng gần 30 phút sau cho kết quả trường hợp này dương tính với Sars-CoV-2.
Để đảm bảo an toàn, lực lượng tại chốt kiểm dịch đã đưa 4 người về khu cách ly và làm tiếp các xét nghiệm PCR. Đồng thời phun thuốc khử khuẩn tại khu vực này.
Riêng như chúng tôi, khi nào xong ca thì đều phải test nhanh và có kết quả âm tính mới trở về đơn vị, về nhà”, Trung tá Thái cho hay.
Một số hình ảnh PV Báo Giao thông ghi lại tại các chốt phòng, chống dịch bệnh Covid-19:
Thời điểm 14h chiều của ngày giữa tháng 8, thời tiết ở Vinh vẫn nắng nóng như thiêu đốt. (Ảnh Sỹ Hòa)
Nhiều thời điểm nắng nóng lại thêm gió thổi mạnh khiến bụi bặm trên đường hắt vào người rất khó chịu. Trong ảnh: Gió thổi mạnh khiến tấm biển và hàng rào di động đổ nhào (Ảnh Sỹ Hòa)
Trung úy Nguyễn Văn Trịnh - Phòng Cảnh sát Cơ động Công an Nghệ An ướt đẫm mồ hôi trong bộ đồ ngành nhưng vẫn bám chốt cầu Bến Thủy 2 kiểm tra từng phương tiện qua lại (Ảnh Sỹ Hòa)
Dù còn nhiều thiếu thốn, vất vả nhưng sự động viên, thăm hỏi của người dân là nguồn động viên sức mạnh cho các cán bộ, chiến sĩ vượt qua mọi khó khăn. Trong hình là 1 người dân ủng hộ nước cho chốt phong tỏa dịch Covid-19 cầu Bến Thủy 2, TP Vinh (Ảnh Sỹ Hòa)
Các cán bộ, chiến sĩ tại chốt đường mòn Hồ Chí Minh tỉnh Thanh Hóa đoạn giáp ranh với tỉnh Hòa Bình cũng đang căng mình làm nhiệm vụ (Ảnh Phúc Tuấn)
Vì chốt ở xa nên nhiều cán bộ, chiến sĩ ở chốt Nghi Sơn, Thanh Hóa phải nghỉ lại tại chốt để thực hiện nhiệm vụ ca sau. (Ảnh Phúc Tuấn)
Để đảm bảo khoảng cách an toàn, mọi người dân đi qua chốt cầu Lường, huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn đều phải đứng từ xa để trao đổi (Ảnh Văn Thương)
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận