Một ca can thiệp tim mạch của các bác sỹ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Nhi T.Ư |
Xuân này mới thực sự là Xuân
Sau hơn 3 năm với bao nỗ lực chạy chữa, vợ chồng chị H. mới có tin vui. Thế nhưng, định mệnh lại trớ trêu, đúng ngày 26 Tết, khi đi siêu âm thai 19 tuần tuổi, hai vợ chồng chị bàng hoàng biết tin: Tim thai nhi không lành lặn. “Con được tiên lượng về một căn bệnh quái ác, Fallot 4. Không biết bao nhiêu nước mắt đã rơi, không chỉ của bố mẹ mà còn của cả gia đình hai bên và bao bạn bè thân thiết. Có lẽ đó là cái Tết kinh khủng nhất trước giờ của gia đình mình. Hai vợ chồng chẳng đành lòng về quê mà lang thang đưa nhau đi siêu âm hội chẩn ở hết các bệnh viện, phòng khám lớn ở Hà Nội, chỉ mong đâu đó xác định “chẩn đoán nhầm””, chị H. chia sẻ.
Rồi cơ duyên cũng tới khi chị kết nối được với BS. Nguyễn Lý Thịnh Trường, Phó giám đốc Trung tâm Tim mạch, BV Nhi T.Ư. “Lời giải thích tư vấn giản dị, ngắn gọn mà đầy nhân văn ngày ấy của BS. Trường đã cho mình quyết tâm, niềm tin đưa bé Bon đến với cuộc đời này. Rồi sau này, khi mình sinh con ra, cũng một lời tiên lượng rất bình tĩnh “cũng nặng bình thường thôi” khi xem kết quả siêu âm sau sinh, mình quyết tâm gửi gắm tất cả vào các bác sĩ ở Trung tâm Tim mạch BV Nhi T.Ư”, chị H. cho biết.
Tại Trung tâm Tim mạch, BV Nhi T.Ư, mỗi năm phẫu thuật khoảng 1.300 ca, trong đó 1.000 ca tim hở, gần 300 ca tim sơ sinh. Một nửa số bệnh nhi mắc tim bẩm sinh ở mức độ trung bình và nặng. |
Trở về nhà sau ca phẫu thuật thành công chừng 2 tuần trước, bé Bon, con chị H. (18 tháng) đã có thể đi cả chục vòng quanh nhà, điều mà bé không thể thực hiện được trước phẫu thuật. “Chỉ có những người mẹ có con mang trái tim lỗi nhịp mới thấu hiểu niềm vui sướng, hạnh phúc đến tột cùng khi thấy từng ngón chân, ngón tay và đôi môi con hồng hào và con không phải thở dốc sau mỗi bước chân. Xuân này vợ chồng mình và bé Bon sẽ được đón một cái Tết trọn vẹn. Tất cả là nhờ các y, bác sĩ đầy tận tâm tại Trung tâm Tim mạch BV Nhi T.Ư”, chị H., xúc động chia sẻ.
Cùng tâm trạng, anh Doãn Thái Vỹ (Nghệ An) cho biết: “Cách đây 4 năm vợ chồng tôi cũng từng tuyệt vọng vì con được chẩn đoán “thiểu sản tâm thất trái”, bao cuộc hội chẩn quốc gia diễn ra và đều nhận được kết luận phải chấm dứt thai kỳ. Lúc ấy, mọi thứ đã sụp đổ, chúng tôi vừa đau đớn vừa tuyệt vọng vì lấy nhau 5 năm mới có con”. Điều may mắn, sau 3 lần phẫu thuật tại Trung tâm Tim mạch, BV Nhi T.Ư, giờ cậu con trai anh Vỹ khỏe mạnh, học giỏi và là niềm tự hào của bố mẹ và gia đình. “Nếu không nhận được những lời tư vấn và giúp đỡ vô điều kiện… của BS. Trường cũng như các y, bác sĩ tại trung tâm, có lẽ, gia đình cũng có không có được niềm hạnh phúc tròn vẹn như hiện nay”, anh Vỹ chia sẻ.
Bác sỹ Thịnh Trường (phải) tư vấn cho người nhà bệnh nhi |
Tròn vẹn hai chữ tâm - tài
Sau nhiều lần hẹn bất thành vì những bận rộn hết kíp trực sang ca mổ, BS. Thịnh Trường đã sắp đặt cuộc gặp ngắn giữa hai ca phẫu thuật. Đó cũng là 14h, khi anh vừa kết thúc ca mổ kéo dài suốt 6 giờ đồng hồ, tranh thủ ăn nhanh xuất cơm trưa muộn, rồi chuẩn bị sức cho ca mổ tiếp theo. Trong suốt câu chuyện của mình, anh Thịnh Trường say sưa kể về những kỹ thuật “vá” tim cho trẻ. Theo lời anh, những kỹ thuật khó nhất của thế giới, hiện giờ các anh em tại Trung tâm Tim mạch đều có thể thực hiện tốt. Mỗi năm chừng 100 ca cấp cứu, mà ca nào ranh giới sinh tử cũng đều mong manh, thách thức đội ngũ y, bác sĩ . Điều mà anh cũng như nhiều bác sĩ tại đây trăn trở là với khoảng 12.000 trẻ em bị bệnh tim bẩm sinh tại Việt Nam mỗi năm, chỉ có khoảng 50% trẻ được phát hiện và điều trị, số còn lại hầu như không biết mình mắc bệnh, thậm chí tử vong trước khi được phát hiện bệnh. “Không hiếm gặp trường hợp các con nhập viện trong tình trạng sốc tim, sốc tim trụy mạch, trụy huyết áp, không bắt được mạch, tim gần như ngừng đập… chỉ bởi trẻ không được sàng lọc trước đó. Nếu được phát hiện và can thiệp sớm, 95% bệnh tim bẩm sinh có thể chữa được và trở về cuộc sống bình thường”, anh Trường chia sẻ.
Khi nói về những lời chia sẻ của biết bao ông bố, bà mẹ trên trang facebook ca ngợi anh là một bác sĩ vừa có tâm, vừa có tài, BS. Trường chỉ lặng lẽ lên tiếng: “Để có được sự thành công của từng ca bệnh là công lao của cả một tập thể. Trong đó là cả một quy trình mà vị trí nào cũng quan trọng và không thể thiếu được cả”. Anh Trường cho biết thêm: “Có nhiều ca bệnh nhi nặng mà dân ngoại bọn anh nhìn xót xa, bất lực vì không thể phẫu thuật được. Những lúc này chính anh em bên chuyên ngành nội khoa tim mạch đã phát huy được vai trò cứu sống bệnh nhi, giành giật bệnh với tử thần. Để rồi sau đó các bác sĩ ngoại mới có cơ hội phẫu thuật chữa tim cho các con được”.
Đảm nhận mảng hồi sức cấp cứu và can thiệp tại Trung tâm Tim mạch trẻ em, BS. Cao Việt Tùng chia sẻ, mỗi một ca bệnh, đặc biệt là các bệnh nhi sinh non tháng, nhẹ cân, mắc đa dị tật tim là thách thức. Để xử trí được những ca nặng như vậy là cả sự cân não với đội ngũ y, bác sĩ. Bởi trên cơ thể nhỏ bé non nớt ấy, mọi động tác kỹ thuật buộc các anh phải tính toán, thực hiện chuẩn xác gần như tuyệt đối, không được phép sơ sểnh một ly. Với thâm niên hơn 20 năm, BS. Tùng cho hay, chính những thách thức đó càng khiến các anh thêm đam mê và gắn bó với nghề. “Do đặc thù của nghề, việc cấp cứu bệnh nhi tim mạch thời gian tính bằng giây bằng phút, nên việc nửa đêm, gà gáy, hay bỏ dở bữa ăn để lập tức phải quay vào BV cấp cứu là quá đỗi bình thường”, BS. Tùng chia sẻ. Ngay cả những ngày Tết, khi nhà nhà quây quần bên nhau thì với các anh cứ nhận điện có ca cấp cứu là lên đường vào viện...
Đa phần gia cảnh bệnh nhân rất nghèo trong khi bệnh tim vốn được ví như bệnh nhà giàu vì chi phí kỹ thuật cao rất đắt, vì thế các y, bác sĩ vẫn chắt chiu từng cơ hội để kêu gọi sự hỗ trợ từ cộng đồng. “Giữa lằn ranh sống và chết, chúng tôi chỉ nghĩ phải giúp họ, không bỏ lỡ cơ hội nào dù cơ hội đó là vô cùng mong manh. Với chúng tôi, món quà lớn nhất, có ý nghĩa nhất chính là được gặp lại những đứa trẻ khỏe mạnh ở mỗi lần tái khám”, anh Tùng tâm sự.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận