Những công nhân quên Tết để làm đẹp cho thành phố |
Chỉ còn ít tiếng nữa là đến Giao thừa, ngoài đường đã vắng người qua lại, nhưng lúc này những công nhân vệ sinh đường phố đang hối hả bắt đầu công việc quét dọn. Vào giờ khắc thiêng liêng này, khi các gia đình đang sum vầy bên nhau thì họ lặng lẽ làm việc xuyên suất đêm đến sáng mồng 1 Tết để giữ đường xá sạch đẹp.
Đôi tay không mỏi
Tối 29 Tết, dưới ánh sáng lờ mờ của đèn cao áp, các chị công nhân quét rác đang hối hả quét sạch rác trên những con đường quen thuộc. Mỗi ngày những công nhân quét rác về đêm sẽ làm việc từ 10h đêm-6h sáng hôm sau. Nhưng vào những ngày trước và sau Tết, công việc dọn dẹp đường phố càng nhiều hơn, thậm chí phải tăng ca cả ngày lẫn đêm mới đáp ứng được khối lượng công việc nhiều.
Vừa nói chuyện với tôi, nhưng vẫn cắm cúi quét đường chị Nguyễn Thị Thu, công nhân dọn vệ sinh thuộc công ty TNHH MTV Dịch vụ Công ích quận Thủ Đức bảo: “Tụi chị phải tranh thủ làm nhanh để hết con đường này rồi còn sang đường khác quét nữa, bởi đi bộ cũng mất 4km quét xong đến sáng là vừa”.
Đoạn đường khoảng 1km từ đoạn Đặng Văn Bi đến Võ Văn Ngân (quận Thủ Đức) có 7 người công nhân. Năm chị em phụ nữ quét rác và hai anh thanh niên làm nhiệm vụ đẩy xe rác đến từng góc đường để hót rác mà các chị đã quét vun vào. Nhanh thoan thoắt hót từng đống rác, anh Phạm Văn Thái, 48 tuổi chia sẻ: “Những ca làm vệ sinh về đêm thế này được bố trí có từ một đến hai anh thanh niên để chị em phụ nữ bớt sợ, thế nhưng đôi khi các chị em vẫn gặp những chuyện rủi ro ập đến như không may gặp những đám thanh niên phóng nhanh, vượt ẩu những tay nhậu xỉn đi đêm chạy xe máy loạng choạng. Làm cái nghề này, chúng tôi vất vả đã đành chị em phụ nữ còn cực hơn đêm nào cũng phải ở ngoài đường khi trở về nhà thì cũng là lúc gần sáng...".
Chị Nguyễn Thị Thu tranh thủ quét dọn cho nhanh vì đường ngày Tết rất nhiều rác |
Trong nhóm có chị Nguyễn Thị Hát mới làm được một năm thì bị đụng xe cách đây một tuần, kể lại: “Hôm đó mới hơn 12h, đường vắng, mình đứng quá ra vỉa hè để gom rác, nghĩ mặc áo bảo hộ phản quang là người đi đường sẽ nhìn thấy, nhưng người thanh niên kia do say rượu đã đánh võng và quệt vào cánh tay”. Ngập ngừng câu chuyện, chị Hát bảo, cũng nhiều lần ý định xin nghỉ đổi công việc khác vì cuộc sống khó khăn. Một tháng lương của tôi được 5 triệu đồng, cùng với lương của chồng không đủ nuôi con đang học cấp 3 và còn thuê nhà ở. Để có tiền cho con vào đại học ban ngày chị Hát đi làm thêm công việc phụ giúp gia đình.
“Năm ngoái vào đêm Giao thừa, tôi bị mất chiếc xe máy Sirius dù đã vòng khóa xích vào gốc cây. Thương tình các chị em trong nhóm giúp mỗi người vài trăm nghìn để mình mua chiếc xe đạp đi. Cũng từ đó đến nay mọi người chỉ đi xe đạp hoặc đi bộ ra đường làm”, chị Hát nói.
20 năm đón Giao thừa ngoài đường
Khi tôi hỏi về những kỷ niệm nhiều năm từng đón Giao thừa ở ngoài đường, chị Phạm Linh Chi tổ trưởng trong nhóm và cũng là người có kinh nghiệm 20 năm trong nghề nói nhanh: “Đã làm nghề này thì phải biết hy sinh và chấp nhận kể cả việc thức trắng đêm dọn dẹp vệ sinh đường phố vào những phút Giao thừa. Nếu ai cũng ngại dơ bẩn, cũng muốn vui vẻ bên gia đình vào những ngày Tết thì lấy ai để làm công việc như chúng tôi”.
Chị kể, năm đầu tiên mới vào nghề phải làm việc vào đúng ngày Giao thừa cho đến sáng mồng 1 Tết tôi đã khóc vì tủi thân, bởi thấy các gia đình họ ấm cúng xum vầy bên nhau trong thời khắc thiêng liêng của năm mới. Thế nhưng làm riết thành quen, không buồn mà cảm thấy vui vì công việc có ý nghĩa góp phần làm sạch, đẹp đường phố. Công việc những ngày Tết được trả lương cao gấp ba ngày thường nhưng cũng vất vả hơn vì sau Giao thừa người dân đi xem bắn pháo hoa sẽ xả rác nhiều, các chị em phải làm việc cật lực và tăng ca từ chiều hôm trước đến sáng hôm sau.
Chị Chi bảo đây là nghề phải tiếp xúc nhiều với sự ô nhiễm không những thế họ còn phải đối mặt với biết bao khó khăn khi làm việc về đêm ngoài đường |
Nói xong, chị Chi đưa chổi quét qua vũng nước, nghe xoàn xoạt, mùi nước cống và rác rưởi bốc lên, làm tôi có cảm giác nao nao, ngai ngái như sắp buồn nôn. Thấy thế chị bảo tôi lúc đầu làm chị cũng giống như em, mất một tuần cứ đến những chỗ cống rác là buồn nôn nhưng giờ đã quá quen với mùi khó chịu này. Ngày đầu làm chưa quen nên người mệt mỏi, chân tay rã rời, mắt lúc nào cũng chỉ chực nhắm lại. Nhưng làm mãi thành quen, yêu nghề và gắn trọn cuộc đời với nó lúc nào chẳng hay.
Khối lượng rác ngày Tết nhiều cả nhóm tăng ca làm việc từ 5h chiều đến sáng hôm sau |
Chị Chi bảo, vì mưu sinh mỗi người lao công vì một hoàn cảnh mà đến với nghề. Có những người không cầm cự nổi ba ngày vì phải thức trắng đêm và hít phải mùi hôi thối nhưng cũng có nhiều người đã gắn bó với nghề cả đời, thậm chí nghề mẹ truyền con nối. Trước đây mẹ chị cũng đã từng làm lao công trên chính con đường này, nay đã nghỉ hưu. “Nếu như tìm được một công việc nhàn hơn cũng không có ý định thay đổi và chỉ mong nhiều người có ý thức bớt xả rác thì chị em lao công cũng đỡ cực hơn”.
Ông Vũ Đình Nguyên, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Dịch vụ Công ích quận Thủ Đức cho biết: “Đời sống của các chị em lao công phần lớn có hoàn cảnh khó khăn nhưng rất ít người xin nghỉ bởi họ đã quen và gắn bó với công việc này nhiều năm. Điều họ chạnh lòng là chưa được số đông trong xã hội trân trọng. Đôi lúc gặp những người có thái độ khinh thường, thiếu ý thức, tùy tiện xả rác... ngay cả lúc công nhân đang quét dọn. Rồi tai nạn giao thông cũng là nỗi ám ảnh với công nhân quét rác ban đêm, mùi hối thối từ rác cũng góp phần làm ảnh hưởng sức khỏe của họ. Với đặc thù cơ chế của nghề này, ngoài mức lương cơ bản, công nhân quét rác ban đêm được hỗ trợ tiền độc hại và phụ cấp tặng quà như sữa, đường…”. |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận